Cán bộ kỹ thuật đang lấy mẫu để xác định nguyên nhân lúa chết
Nhiều hộ nông dân ở huyện An Biên (Kiên Giang) đang mất ăn mất ngủ khi diện tích lúa ĐX gieo sạ khoảng 1 tháng cứ còi cọc rồi chết lụi dần mà chưa xác định được nguyên nhân. Một số hộ đã gieo cấy đến 2, 3 lần nhưng lúa đều chết lụi đành phải bỏ cuộc.
Bà Trần Kiên Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái A, huyện An Biên cho biết, toàn xã gieo sạ 2.259ha lúa ĐX nhưng đã có 167,5ha chết hoàn toàn, 1.745ha thiệt hại 40 – 50% và 223,5ha không thể xuống giống do nhiễm mặn. Đáng lưu ý là hầu hết diện tích bị thiệt hại đều thuộc ruộng tôm lúa. Nông dân đã phun xịt phân dưỡng lá, thuốc trị bệnh nhưng vẫn không hiệu quả.
Ông Phạm Văn Bưởi ở ấp Bãi Biển, xã Nam Thái A có 3ha lúa bị thiệt hại than thở: “Gia đình tôi sạ giống OM2517, lúc đầu lúa lên rất tốt nhưng được 7-8 ngày cây lúa bắt đầu có biểu hiện bị khô đầu lá sau cây cứ rụi dần rồi chết hoàn toàn. Gieo sạ lại đợt 2 lúa cũng lại tiếp tục chết dù đã xịt thuốc kích thích tăng trưởng. Mấy chục năm gắn bó với cây lúa ở vùng đất này nhưng chưa bao giờ tôi gặp hiện tượng thế này”. Tương tự, hộ ông Sáu Thôi (Trần Văn Thôi) ở ấp Xẻo Đôi làm 28 công ruộng đã gieo sạ 2 lần nhưng luá vẫn tiếp tục chết. “Gia đình tôi gieo sạ 2 lần hết 60 giạ lúa giống nhưng lần nào lúa cũng bị vàng lá rồi chết khô. Riêng tiền lúa giống đã hết gần chục triệu đồng. Lúa hơn tháng rồi mà rất còi cọc và rất thưa thớt. Kiểu này đành bỏ mặc, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu chứa đầu tư thêm phân thuốc sẽ lỗ nặng” – ông Sáu Thôi buồn rầu.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu lúa, đất để làm các xét nghiệm. KS Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó phòng Kỹ thuật, Chi cục BVTV tỉnh cho biết, diện tích bị thiệt hại đều có chung đặc điểm là cây lúa rất còi cọc, bị khô từ đầu chóp lá xuống, cây không đẻ nhánh, bộ rễ ăn ngang hình “chân mơm” (không phát triển rễ chùm như cây lúa bình thường). Nguyên nhân có thể do môi trường đất bị nhiễm mặn trong quá trình nuôi tôm khiến cây không phát triển được và cứ chết lụi dần. Tuy nhiên, phải làm các xét nghiệm thì mới có thể tìm xác định được nguyên nhân cụ thể.
Được biết, không riêng gì An Biên mà nhiều điạ phương khác có diện tích lúa tôm cũng đang gặp hiện tượng lúa chết tương tự.