Ông Lê Xuân Hiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang cho biết: Khu vực Kiên Giang chịu ảnh hưởng rìa phía Nam của khối không khí lạnh có cường độ suy yếu chậm và ảnh hưởng xa của hoàn lưu ATNĐ suy yếu từ cơn bão số 14.
Từ ngày 22-23/12, có mưa và dông, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Khu vực mưa tập trung là các huyện vùng U Minh Thượng và trên khu vực vùng biển Nam Du - Phú Quốc - Thổ Chu, lượng mưa dao động khoảng từ 30-70 mm.
Từ ngày 20/12, trên khu vực đất liền và vùng biển Kiên Giang gió tăng lên cấp 4, giật cấp 5, cấp 6. Nhận định ngày 23/12, trên đất liền tiếp tục có gió cấp 4, cấp 5. Trên biển gió cấp 5, giật cấp 6, sóng biển cao từ 1-2 m. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Đại diện Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang cho biết, đã phối hợp với Sở GT-VT có kế hoạch ứng phó với bão số 14. Hiện nay, mỗi ngày Kiên Giang có khoảng 60 phương tiện chở khách, hàng hóa ra, vào các đảo. Căn cứ vào tình hình dự báo thời tiết, khi xảy ra gió, mưa lớn khuyến cáo các tàu không xuất bến hoặc cấm tàu xuất bến.
Về tàu cá hoạt động trên biển, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, trong 9.877 tàu cá của tỉnh, có khoảng 5.400 chiếc thường xuyên hoạt động trên biển, còn lại nằm bờ, sửa chữa.
Hiện đánh bắt xa bờ ở vùng biển Đông là 1.717 tàu, với khoảng 21.500 thuyền viên. Đánh bắt ven bờ biển Tây 3.684 tàu, với 18.420 thuyền viên. Hiện các tàu ven bờ đa số đã vào bờ và đảo tránh trú an toàn. Tàu xa bờ dự kiến đến 6 giờ ngày 22/12 sẽ tìm nơi tránh trú an toàn.
Ngoài ra, Kiên Giang còn có 3.214 lồng bè nuôi các trên biển quanh các vùng đảo, được di dời vào nơi khuất gió xung quanh đảo, khu vực tránh trú bão hoặc neo đậu cố định tại chỗ đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ đạo, Sở NN-PTNT vận hành các hệ thống cống, ứng phó kịp thời, chủ động điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp, nhất là về lúa, rau màu, cây hoa kiểng phục vụ tết, không để xảy ra thiệt hại.
Bộ đôi Biên phòng phối hợp thông tin kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn, không được chủ quan. Sẵn sàng các phương tiện, nhân lực để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
Sở GT-VT, Cảng vụ Hàng hải cảnh báo kịp thời về tình hình thời tiết đối với phương tiện vận chuyển người, hàng hóa ra vào các đảo, cần thiết thì cấm phương tiện hoạt động khi dự báo thời tiết xấu.
UBND các huyện, thành phố trong tỉnh chủ động trong công tác ứng phó, nhất là khi xảy ra mưa to, gió lớn, phải có phương án bơm thoát tiêu úng để bảo vệ sản xuất.