| Hotline: 0983.970.780

Kiệt quệ Tà Cạ, thương lắm Kỳ Sơn

Thứ Hai 03/10/2022 , 18:04 (GMT+7)

Lũ dữ biến Tà Cạ thành một chốn hoang tàn, tầng tầng lớp lớp đất đá, bùn lầy tràn về vùi lấp tất thảy khiến lòng người không yên, đồng bào bàng hoàng, thảng thốt.

Empty

Bùn lầy, đất đá, rác thải cuồn cuộn đổ về phủ kín lối đi, nhà cửa của dân Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh.

Phút giây kinh hoàng

Có trong mơ đồng bào Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng không tưởng tượng sẽ có lúc họ phải đối mặt với thảm kịch hãi hùng đến thế. Thiên tai ập xuống quá nhanh, quá khó lường khiến tất thảy trở tay không kịp. Chỉ sau một đêm xã Tà Cạ không còn giữ nguyên hình hài vốn có, thay vào đó là những mất mát và thương đau.

Toàn xã Tà Cạ có hơn 100 ngôi nhà bị cuốn trôi, ngập nặng, cơ man ha rau màu, vườn tược bị xóa sổ, nhiều tuyến đường mất luôn hiện trạng. Thiệt hại nặng nề nhất là 2 bản Hòa Sơn và Sơn Hà.

Riêng bản Hòa Sơn bị chia cắt bởi khe Huồi Giảng, khi nước lũ lập đỉnh cách bề mặt suối đến 2m, đồng nghĩa hơn 200 hộ với cả ngàn nhân khẩu sinh sống tiếp giáp với đường Mường Xén - Tây Sơn bị cô lập hoàn toàn, tính mạng có lúc như mành chỉ treo chuông.

Empty

Lũ quét đã qua nhưng Tà Cạ vẫn đang "oằn mình" gánh chịu hậu quả nặng nề. Ảnh: Việt Khánh.

Lũ quét đã qua mất dạng nhưng dư âm, khoảnh khắc hãi hùng của nó hẳn còn ám ảnh đồng bào mãi không thôi.

Anh Lê Minh Hương, dân bản Hòa Sơn chia sẻ khoảnh khắc sinh tử: “Lũ quét xảy ra lúc 3h sáng ngày 2/10 khiến tất cả đều bàng hoàng, trong đêm tối chẳng biết đường nào mà lần, nhiều người ú ớ nói chẳng thành câu. Lúc đó chủ trương ưu tiên sơ tán khẩn cấp những hộ sinh sống gần mép khe Huồi Giảng, miễn sao giữ được mạng sống là tốt rồi. Tưởng rằng đã yên, nào ngờ chỉ vài tiếng sau lũ đột ngột quay với tính chất hung hãn hơn nhiều, chớp mắt càn quét đến 2/3 bản Hòa Sơn chúng tôi.

Dưới thấp, nhiều hộ mất nhà cửa, mất tài sản đang lâm vào cảnh trắng tay. Sống ở trên cao cũng lo ngay ngáy khi nửa quả đồi Chù Lủ nằm ngay sát đang sạt lở nghiêm trọng, hiện nhiều nhà bị xô lệch theo. Dân bản đang trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn đủ bề, nan giải nhất là thực phẩm, nước uống. Lúc này cần lắm sự chung tay, giúp sức của cộng đồng”.

Empty

Lũ ống quét nhanh khủng khiếp, chớp mắt đẩy nhiều phận người vào tình cảnh khốn cùng. Ảnh: VK.

Đón nhận trận thiên tai thuộc dạng “xưa nay hiếm” với mức độ càn quét quá kinh hoàng khiến cuộc sống của đồng bào Kỳ Sơn bị đảo lộn hết thảy, tâm lý hoang mang đang bao trùm rộng khắp. Hiểu rõ tính chất cam go, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chuyên ngành đã khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng, trực tiếp cùng nhân dân xắn tay xử lý, khắc phục sự cố.

Dù vậy do lượng đất đá, bùn lầy, cây cối, chất thải đổ về ken kín đặc mọi ngóc ngách, trong khi sức người có hạn thành thử quá trình thông tuyến không mấy khả thi. Từ trung tâm thị trấn Mường Xén vào địa phận xã Tà Cạ không quá xa nhưng để tiếp cận được lại không dễ, để di chuyển chỉ còn cách cuốc bộ, rẽ bùn lầy lê từng bước một. Khoảng 300m sau cuối nước vẫn ngập sâu, cuồn cuộn chảy xiết chảy rợn người, e rằng chỉ một thoáng sơ sẩy cái giá phải trả vô cùng đắt.

Empty

Bùn lầy kèm nước lũ vẫn đang "đọa đày" người Tà Cạ. Ảnh: Việt Khánh.

Từng đoàn, từng tốp lầm lũi đi vào viện trợ, tiếp tế, phía trong già, trẻ, lớn, bé nhọc nhằn ngược ra, trên mặt hằn rõ nét mệt mỏi, chán chường. Địa hình Tà Cạ vốn dĩ dốc, không bằng phẳng, lô nhô chỗ thấp chỗ cao, giờ di chuyển trong nước lũ càng tiềm ẩn hàng loạt mối nguy tiềm tàng.

Tại khu vực tiếp giáp suối Huồi Giảng, đến rạng sáng ngày 3/10 khi nước lũ rút đến 2 sải tay mới có thể triển khai phương án di dân. Từ sức người, vật dụng hiện có, một chiếc cầu tạm thô sơ nhanh chóng được dựng lên nối liền đôi bờ.

Trên đầu mưa tuôn xối xả, dưới chân nước lũ gầm thét không thôi, dòng người cứ thế chòng chành, vắt vẻo qua chiếc “cầu khỉ” bé cỏn con, quả thực khi tính mạng bị đe dọa cận kề con người ta mới dám làm những điều không tưởng.

Đang trong tình cảnh rối bời, dân bản Hoa Sơn lại thêm phần thảng thốt khi đón nhận thông tin cảnh giới: “Bà con khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn, nước trên thượng lũ đang đổ về, nguy cơ lũ tiếp diễn rất lớn”. Chẳng ai bảo ai, tất cả lục đục kéo nhau quay trở lại, nhanh chân tìm chỗ tránh thân.

Lũ sẽ qua nhưng nỗi đau còn dai dẳng

Thiên tai quả thực ‘đỏng đảnh” và khó lường, sáng sớm còn mưa ngút trời nhưng chiều muộn đã hình thành những tia nắng nhẹ le lói trên trời Tà Cạ, dưới khe Huồi Giảng nước cũng đã hiền hòa đi nhiều. Biết rằng chẳng sớm thì muộn, lũ dữ rồi sẽ qua nhưng nỗi đau chắc chắn còn âm ỉ, dai dẳng mải miết, xem ra phải rất lâu nữa “vết thương” lòng của dân bản Sơn Hà, Hòa Sơn mới có thể liền da.

Empty

Chẳng biết đến khi nào, vết thương của người Tà Cạ mới liền da. Ảnh: Việt Khánh.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Khánh quê gốc ở huyện Thanh Chương, lên “cắm bản” Hòa Sơn đã 17 năm rồi, xuyên suốt ngần ấy thời gian dồn dập gánh chịu những kí ức buồn đau.

Tầm 2 tháng trước thôi, người vợ tần tảo mất đi vì căn bệnh ung thư quái ác, để lại mình anh bơ vơ trong cảnh “gà trống nuôi con”.

Cám cảnh là thế mà ông trời vẫn khéo trêu lòng người, gieo tiếp “cơn bạo bệnh” qua đó đánh gục hoàn toàn chút niềm tin còn sót lại: “Đồng lương nghề giáo còm cõi, tất tả lo được miếng ăn nơi đất khách quê người đã tốt lắm rồi, nào ngờ gặp biến cố, tai ương hết lần này lượt khác, thật tâm chẳng biết đi đâu về đâu.

Nhà kề sát bên dòng chảy, không chống lại được sức nước đã hư hỏng nặng, trong cơn cấp bách chỉ kịp cõng con nhỏ thoát thân, còn lại gần như chẳng mang theo được thứ gì đáng giá. 2 hôm nay, 3 cha con phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu, lâu dài sẽ cơ cực hơn nhiều”.   

Empty

Ông Lô Văn Tiến khẳng định, cả đời người mới chứng kiến trận lũ kinh hoàng đến vậy. Ảnh: Việt Khánh.

Với ông Lô Văn Tiến, người sinh ra lớn lên tại chính bản Hòa Sơn khẳng định, qua 60 năm cuộc đời chưa từng chứng kiến trận thiên tai nào kinh hoàng đến thế: “Khuya muộn ngày 1/10 nước từ thượng nguồn bắt đầu chảy về nhưng không lớn lắm, nước rút ngay sau đó nên người dân không mảy may đề phòng. Nào ngờ chỉ 2 tiếng sau nước dồn về như thác đổ, âm thanh rền vang như động đất, lúc này không kịp trở tay nữa rồi.

Trong tình thế cấp bách, tôi chỉ kịp tri hô người thân, con cháu cấp tập chạy lũ, không màng đến thứ gì khác. Thiên tai quá tàn nhẫn, chớp mắt cướp đi sạch bách mọi thứ của dân nghèo, chúng tôi không nghề ngỗng, không có thu nhập ổn định, chỉ biết duy trì nguồn sống từ vườn rau ao cá, giờ đất đá lấp sạch rồi biết dựa vào gì đây”, ông Tiến thất thần.

Empty

Đồng bào Kỳ Sơn nói chung, người Tà Cạ nói riêng đang đối diện với thực trạng ngặt nghèo. Ảnh: VK.

Nỗi lòng của những người như anh Khánh, ông Tiến cũng là tâm tư nặng trĩu của hàng trăm hộ dân tại 2 bản Hòa Sơn, Sơn Hà. Nơi đây đồng bào Mông, Thái chiếm phần đa, thu nhập chủ yếu đến từ canh tác nông nghiệp đơn thuần, chung quy cuộc sống còn nhiều khốn khó. Nay tư liệu sản xuất bị thiên tai lấp vùi không thước tiếc, chắc chắn những ngày phía trước sẽ rất dài.

Toàn huyện Kỳ Sơn, trọng tâm là xã Tà Cạ đang “kiệt quệ” cả về thể xác lẫn tinh thần, với diễn biến lúc này chắc chắn không thể tự lực cánh sinh, ngược lại cần sự chung tay, giúp sức của cộng đồng hơn bao giờ.

Thấu hiểu nỗi cơ cực, những ngày qua tỉnh Nghệ An, các ban ngành đoàn thể, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng tiếp cận, qua đó triển khai phương án hỗ trợ kịp thời đến đồng bào vùng lũ. Tinh thần tương thân tương ái là liều thuốc bổ, kỳ vọng sẽ giúp Kỳ Sơn, giúp Tà Cạ sớm chữa lành vết thương.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.