Cộng đồng đó bao gồm các doanh nhân, các nhà khoa học... Họ có tiềm lực rất lớn về vốn, trí tuệ, đặc biệt là kiến thức về khoa học công nghệ và quản trị rất vượt trội.
Thu hút kiều bào đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Trong gần 30 năm qua, tổng lượng kiều hối đưa về nước khoảng 250 tỷ USD, trong khi đó, tổng nguồn vốn FDI (ở khoảng thời gian tương đương) chỉ khoảng 290 tỷ USD. Chắc chắn rằng, khi lượng kiều hối đã lớn như vậy thì nguồn lực đầu tư kinh doanh của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài còn lớn hơn thế rất nhiều lần. Nhưng cho đến nay, tổng số vốn đầu tư của kiều bào ở trong nước mới chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là còn một lượng vốn khổng lồ của bà con đang đầu tư ở nước ngoài mà chưa đầu tư trong nước.
Nếu tìm cách khơi dậy được dòng vốn này, cộng với trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản trị và mạng lưới tiếp thị của cộng đồng kiều bào ở 130 quốc gia trên thế giới, thì sẽ tạo ra động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước, không thua kèm nhiều so với khu vực FDI.
Những quốc gia thành công trên thế giới đều biết khơi dậy sức mạnh của cộng đồng kiều bào của họ ở nước ngoài, Trung Quốc là ví dụ điển hình của việc khai thác dòng vốn này. Cho nên, tôi tha thiết đề nghị có một chiến lược tổng thể về huy động nguồn lực của bà con Việt kiều cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh cao và bền vững nhất của nền kinh tế Việt Nam, vì nước ta nằm ở vị trí địa chính trị, địa kinh tế hết sức thuận lợi. Ít có đất nước nào có cả khí hậu nhiệt đới, ôn đới, cận nhiệt đới như nước ta với nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, tạo nên cơ cấu nông nghiệp hết sức đa dạng, tạo ra đặc sản vùng miền độc đáo.
Trong khi đó, hiện nay thế giới đang có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp, lương thực vừa sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, các đặc sản chất lượng cao. Nếu chúng ta phát huy được một cơ cấu kinh tế như vậy thì sẽ là nguồn lực rất lớn cho sự phát triển kinh tế.
Do đó, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ là một trong những hướng đầu tư quan trọng hàng đầu của đất nước trong thời gian tới. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước, người dân, các nhà đầu tư nước ngoài và đặc biệt là cộng đồng kiều bào sẽ là một lực lượng rất quan trọng cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tôi biết nhiều người Việt ở nước ngoài đã thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và thương mại nông sản. Họ đã phát triển các hệ thống phân phối khá rộng. Cho nên nếu huy động được kiều bào đầu tư vào nông nghiệp không chỉ có lợi cho đất nước mà còn cho chính bản thân kiều bào ta.
Mặc dù nền nông nghiệp của chúng ta có tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác các tiềm năng đó vẫn rất hạn chế do sản xuất manh mún, các chuỗi giá trị đang trong quá trình hình thành, việc áp dụng công nghệ trong chế biến chưa nhiều.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp từ giống, vật tư, thiết bị, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật... cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Đó là không gian vô tận để chúng ta có thể kêu gọi bà con ta ở nước ngoài cùng chung tay với Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp trong nước để phát triển lĩnh vực nông nghiệp.
Cần có một cuộc cách mạng khởi nghiệp nông nghiệp
Tôi đã nhiều lần trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về vấn đề khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Từ Nghị quyết “Khoán 10”, chúng ta đã khởi xướng một cuộc cách mạng, một cuộc khởi nghiệp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và là khởi đầu cho quá trình đổi mới đất nước ta.
Và trong tình hình mới, chúng ta cần một cuộc khởi nghiệp lần thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng phải đổi mới mình, vượt lên và có cách tiếp cận mới, mô hình mới, công nghệ mới và chúng ta khuyến khích bà con nông dân khởi nghiệp, từ đó hình thành đội ngũ doanh nhân mới, nông dân mới. Và trong lĩnh vực này, bà con người Việt ở nước ngoài, nhất là các nhà khoa học công nghệ của chúng ta có tiềm năng rất lớn.
Hiện nay chúng ta đã thiết lập được mạng lưới với 40 Hiệp hội doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài và hàng trăm nhà khoa học công nghệ ở nước ngoài... Tôi nghĩ, chúng ta cần phải có chính sách khuyến khích hai mạng lưới này kết nối chặt chẽ với nhau để chung tay với các doanh nghiệp trong nước cùng Bộ NN-PTNT, cùng ngành nông nghiệp và người nông dân để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, mặc dù chúng ta đã có nhiều đổi mới, trở thành nền kinh tế có sự bứt phá về năng lực cạnh tranh, nhưng thành thật mà nói, cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đứng ở bậc trung bình của thế giới về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, trong tổng số 141 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng thì Việt Nam xếp ở vị trí khoảng 70. Còn trong khu vực ASEAN, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 7, môi trường kinh doanh mới xếp thứ 5. Điều đó có nghĩa là, so với thế giới, chất lượng thể chế, chất lượng thủ tục hành chính của Việt Nam mới ở mức trung bình, nên chúng ta còn dư địa để vượt lên.
Do đó, những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt quyết tâm rất cao, để vươn tới chuẩn mực của OECD, chuẩn mực của bốn nền kinh tế hàng đầu ASEAN, chứ không phải nhóm “khoá đuôi” như bây giờ.
Muốn làm được điều đó, chúng ta vừa phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, vừa phải có chính sách khuyến khích đặc thù thông qua cơ chế hợp tác tự nguyện giữa các doanh nghiệp, hiệp hội trong nước với các doanh nghiệp của người Việt ở nước ngoài và lực lượng các nhà khoa học để hợp sức phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Đây là hướng đi quan trọng.
Hội nhập kinh tế tạo ra cả sức ép và cơ hội cải cách thể chế
Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do là một trong những điểm sáng quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam trong thời kỳ cải cách và mở cửa thời gian qua. Việc chúng ta mở cửa thị trường, tham gia các hiệp định thương mại tự do không chỉ tạo ra một không gian lớn hơn cho xuất khẩu, tạo ra một không gian lớn hơn cho thu hút đầu tư mà quan trọng hơn nó tạo ra cơ hội và áp lực để thúc đẩy cải cách thể chế và hệ thống chính sách, pháp luật cho phù hợp với các cam kết của chúng ta với các đối tác trong các hiệp định tự do dựa trên những chuẩn mực cao nhất của môi trường đầu tư kinh doanh.
Và bây giờ, dịch bệnh Covid-19 và yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế trong 2-3 năm tới tạo ra sức ép (cũng là động lực) vô cùng lớn để chúng ta nhanh chân hơn trong cải cách thể chế. Việc GDP của Việt Nam tăng trưởng âm trong Quý III năm 2021 (trong khi hầu hết các nước tăng trưởng dương) kéo theo tăng trưởng GDP cả năm 2021 chỉ đạt khoảng 3% (trong khi hầu hết các nước đều duy trì nhịp độ tăng trưởng 4-6%, riêng Trung Quốc là 8%) cho thấy chúng ta đã lỡ nhịp so với tiến trình phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu.
Chúng ta không có dư địa thời gian nên phải tranh thủ thời gian để vượt lên. Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra quyết sách rất quan trọng về chương trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Chúng ta đưa ra các gói hỗ trợ về tài khoá tiền tệ và các gói hỗ trợ khác phi tài chính, đó là cải cách thể chế mạnh mẽ, qua đó giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Do vậy, trong 2-3 năm tới sẽ là một “phòng thí nghiệm” cho những đột phá về cải cách thể chế theo hướng đơn giản hơn, thuận lợi hơn, chuyển đổi số, chuyển sang hậu kiểm... qua đó, chúng ta định hình nền kinh tế Việt Nam sau giai đoạn phục hồi.
TS. Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)