Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2024 tăng trưởng không cao, nhưng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt 9,547 tỷ USD (tăng 0,9% so với năm 2023).
Cùng với các nguồn vốn ngoại tệ khác, kiều hối chuyển về năm 2024 đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM, phát huy vai trò nguồn cung ngoại tệ để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ ngoại hối, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Châu Á và châu Mỹ là 2 khu vực có lượng kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất với 82,2% tổng lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024. So với cùng kỳ năm 2023, lượng kiều hối chuyển về của khu vực châu Á tăng 2,5%; châu Mỹ tăng 7,4%; châu Đại dương tăng 8,7%.
Ở chiều ngược lại, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Âu giảm 23% và châu Phi giảm 33% so với năm 2023”, ông Lệnh nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, những yếu tố khách quan về tình hình kinh tế thế giới; thị trường lao động; thu nhập và việc làm của kiều bào và người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và công ty kiều hối tiếp tục là các yếu tố tác động trực tiếp đến lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhìn nhận, kết quả và tình hình kiều hối chuyển về trong năm 2024 đã cho thấy các yếu tố tác động tích cực. Đồng thời, phản ánh hiệu quả chính sách tiền tệ ngoại hối, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, cũng như các giải pháp cụ thể của UBND TP.HCM trong thực hiện đề án thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn. Đây cũng sẽ là động lực thu hút nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2025 và giai đoạn tới.
Trong năm 2024, giá USD trong nước biến động liên tục, tăng hơn 5% và có lúc lên 7%. Kiều hối được xem là một trong những nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ.
Với mức lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay ở mức 0%, thêm vào đó chênh lệch giữa giá mua USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng không lớn dẫn đến người dân nhận kiều hối thường có nhu cầu bán lại cho các đơn vị kiều hối, chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm. Điều này hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực kiều hối, gần đây nhất, vào tháng 9/2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn đến năm 2030, nhằm có giải pháp định hướng nguồn kiều hối phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đề án cũng đặt mục tiêu dịch chuyển nguồn kiều hối vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.