Mùa xuân thời tiết ấm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Đây cũng là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và một số khu vực miền núi khác như Tây Nguyên. Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một chùm ca ngộ độc nấm khi một gia đình có 8 trong số 9 người ăn nấm tử vong.
Cách phân biệt sai lầm
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc cho biết, nơi này thường tiếp nhận những ca bị ngộ độc nấm rất nặng, tỷ lệ tử vong cao tới 50%. Hầu hết người bệnh mắc là do không phân biệt được nấm độc và nấm lành do đó hái nhầm nấm độc về chế biến cho cả nhà ăn. Thời điểm xuất hiện ca ngộ độc bắt đầu lác đác từ cuối tháng hai và tăng đột biến vào tháng 4 và 5.
Bệnh nhân bị ngộ độc nấm
“Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng đáng tiếc, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng nấm độc là loại có màu sắc sặc sỡ, còn loại nấm mà côn trùng ăn được thì cũng an toàn đối với người. Tuy nhiên, đây là cách hiểu hết sức sai lầm. Bởi trên thực tế, Trung tâm từng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loại nấm trắng, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc. Ngược lại, có trường hợp người nhà bệnh nhân kể lại nhìn thấy kiến ăn nấm, nghĩ không độc nên yên tâm nhưng ăn xong thì tử vong. Tất cả cá loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn”, TS Dũng nêu.
Ngoài ra, lại có trường hợp thử bằng cách cho gà, chó ăn trước. Tuy nhiên, theo TS Dũng thì việc sau 1 - 2 giờ chó, gà không chết hoặc không bị ngộ độc là nghĩ nấm ăn được cũng không hẳn chính xác. Bởi cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm có độc tố cực mạnh, tác dụng nhanh. Còn những loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12 - 24h mới có triệu chứng đầu tiên. Với động vật phải sau 4 - 5 ngày mới chết.
“Thậm chí, một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu”, TS Dũng nêu.
Không nên hái nấm hoang ăn
Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả nhà chuyên môn. Tại Cao Bằng, các chuyên gia đã tìm thấy đến 13 loại nấm độc. Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội) khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả… Chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng nấm.
Nấm độc
Với nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc; không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu.
“Khi có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt thì nên uống ngay với liều 2g/15kg cân nặng. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để xác định sơ bộ loại nấm”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong trường hợp từ lúc ăn đến khi có biểu hiện bệnh dưới 6 tiếng thì bệnh nhân có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 tiếng thì phải đưa đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.
Theo các bác sĩ, triệu chứng ngộ độc nấm thường gặp đầu tiên là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại nấm mà người bệnh sẽ có các biểu hiện sau đây: Với loài nấm đỏ (nấm mặt trời, tên khoa học: Amanita muscaria), nấm mụn trắng (nấm tán da báo, tên khoa học: Amanita pantheria): buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu, ảo giác, sảng, giật cơ, co giật; nấm mực (tên khoa học: Coprinus atramentarius): nếu khi ăn, bệnh nhân có uống rượu, bia sẽ biểu hiện đỏ mặt, cổ, ngực, cảm giác bốc hoả, vã mồ hôi, trống ngực, nhịp tim nhanh, đau ngực, thở nhanh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ huyết áp; nấm phiến đốm chuông (tên khoa học: Paneolus campanulatus): điều hoà các động tác vận động kém, tăng vận động, ảo giác, hoang tưởng. Có thể giãn đồng tử (con ngươi mắt giãn), kích thích vật vã, co giật.
Biểu hiện ngộ độc muộn: Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng. Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen) 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh (thậm chí có thể cả cán bộ y tế) nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 - 4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
Tuy nhiên, theo ông Nguyên thì nấm độc có loại chỉ gây rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đi ngoài nhưng có loại dẫn đến tổn thương gan, gây chảy máu, nguy cơ tử vong rất cao. Triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ: đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người nghĩ đỡ không đến bệnh viện nhưng các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê gan, tổn thương gan.
Do đó, một lần nữa ông Nguyên nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không lên rừng hái nấm hoang ăn dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả.