Người dân làng Chiềng (xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) không biết chính xác cặp “giếng tiên” này có từ bao giờ. Họ chỉ biết khi lớn lên đã thấy và được nghe ông cha mình kể về truyền thuyết cặp giếng do "rắn thần" trả ơn, được ghi rõ trong sắc phong của dòng họ Cao Viết ở thôn Chiềng. Bao đời nay, dân làng Chiềng vẫn xem “giếng tiên” là báu vật và thay nhau gìn giữ.
Ông Cao Viết Cẩm (68 tuổi, làng Chiềng, xã Cẩm Quý) là đời thứ 6 của dòng họ Cao Viết - người đang lưu giữ sắc phong của dòng họ. Sau này, khi trở thành người trông coi cặp giếng, ông mới hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành "giếng tiên".
Theo sắc phong ghi chép, vào khoảng niên hiệu Khánh Đức, triều Lê, tại làng Chiềng có ông lão tên Cao Thuật, quanh năm hành nghề đánh cá. Một ngày nọ, khi thả lưới ở chỗ đầm sâu, ông lão vớt được một quả trứng to. Dẫu nhiều lần ném trứng đi, nhưng mỗi lần kéo lưới, ông lão vẫn vớt được quả trứng ấy.
Cho rằng quả trứng kỳ lạ, ông lão bọc vào ống tay áo rồi đem về nhà, đặt vào ổ gà treo trên cao. Khoảng một tháng sau, quả trứng kỳ lạ đó nở ra một con rắn. Con rắn này có hình thù đặc biệt, màu trắng và có mào trên đầu, phát ra ánh sáng rực rỡ.
Ông lão xem rắn như con. Mỗi khi ông lão đi đâu hay nghỉ ngơi ở xứ nào, con rắn đều bò theo sau. Người trong làng thấy vậy, ai cũng kinh sợ. Ông lão liền nói với rắn rằng: “Nhà người ắt thuộc loài rồng, chẳng phải loài vật do con người thuần dưỡng”.
Theo thời gian, con rắn ngày một to lớn, ông lão bèn nói với rắn, sẽ đưa rắn đến dải sông Hoành Giang ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) sinh sống, tránh làm dân làng kinh sợ. Lạ thay, khi ông lão vừa ngỏ ý, con rắn cúi đầu xin theo, rồi cùng ông khởi hành.
Thấy dòng sông Hoành Giang trước mắt, con rắn lao mình xuống đầm nước, cuộn khúc múa trên mặt nước như tỏ ý toại nguyện. Khi đó, ông lão nói: “Ta biết ngươi đã có được nơi chốn của mình, trong lòng ta cũng được an ủi phần nào”.
Ông lão nói xong thì mặt trời cũng lặn sau ngọn núi, rồi mưa gió nổi lên ầm ầm. Lúc bấy giờ, ông lão nấp dưới gốc cây to để trú ẩn rồi thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh lại, ông lão thấy mình đang nằm bên cạnh ngọn núi của xã nhà, trước mặt là hai cái giếng lớn vừa được đào xong. Nước giếng vừa trong vừa sâu, trong giếng có rất nhiều ba ba cư trú.
Dân làng thấy vậy liền cho rằng, "giếng tiên" là do rắn thần trả ơn, nên lập miếu ngay cạnh giếng, đặt tôn hiệu là Thủy Phủ Long Vương Chi Thần, để thờ phụng.
Cặp "giếng tiên" này hay còn có tên gọi khác là giếng Nam - Nữ. Giếng Nam có kích thước lớn hơn giếng Nữ, độ sâu giếng hơn 1m. Xung quanh cặp giếng là những gốc cây cổ thụ, mọc rễ dài, đâm sâu xuống lòng đất, tỏa bóng mát bao trùm cả một góc làng.
Theo ông Cẩm, điều đặc biệt của cặp giếng này là nước chưa bao giờ cạn, mặc dù năm đồng ruộng, vườn tược khô hạn.
“Nước giếng trong xanh như ngọc, không có mùi. Mùa hè thì nước mát rượi, trong vắt nhìn thấy đáy. Mùa đông thì nước ấm. Hàng ngày, người dân làng Chiềng vẫn thường sử dụng nước giếng làm nước tưới tiêu, sinh hoạt. Nước lấy đến đâu, ngay lập tức lại dâng lên đầy mặt giếng", ông Cẩm cho biết.
Hằng năm, cứ vào đêm giao thừa, cả làng Chiềng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa, ca hát. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất làng sẽ dâng mâm xôi, con gà để cúng “giếng tiên”. Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho những người có mặt. Sau đó, mỗi người lấy một ít nước từ đôi “giếng tiên” mang về nhà cúng để cầu sức khỏe, làm ăn thuận buồm xuôi gió…
Mặc dù cặp “giếng tiên” mang đậm nét tâm linh của người Mường ở địa phương, nhưng chưa bao người ta lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền người dân không lạm dụng vào truyền thuyết về cặp "giếng tiên" để hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện hành vi không đúng thuần phong mỹ tục.