LTS: Năm Giáp Thìn 2024 đã xảy ra bão lũ lịch sử, càng cho thấy vai trò đặc biệt của cây tre trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Mang cốt cách Việt, tâm hồn Việt, cây tre không chỉ luôn chở che mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân, trở thành ngành hàng đầy triển vọng trong tương lai.
Triển vọng những giống tre khổng lồ, cao 40m
Xã hội phát triển kéo theo đô thị hóa, những lũy tre làng cũng đã dần nhường chỗ cho những công trình, cơ sở hạ tầng đua nhau mọc lên. Ở nhiều địa phương miền núi, cây tre bị người dân phá bỏ để thay thế bằng các cây trồng khác vì lợi ích kinh tế nhất thời.
Vậy nhưng những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu cùng nhiều loại hình thiên tai cực đoan, nhiều quốc gia bắt đầu chú trọng và ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện, có trách nhiệm với môi trường. Và cây tre lại được nhắc đến như một giải pháp bền vững, đáp ứng nhiều tiêu chí theo xu hướng chung của thị trường. Nguyên liệu từ cây tre, đặc biệt là tre sinh khối đang ngày càng được sử dụng nhiều trong đời sống như làm vật vật liệu xây dựng, đồ nội thất, hàng gia dụng cho đến ngành dăm gỗ, viên nén, điện sinh khối…
Xuất phát từ nhu cầu đó, những năm qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh việc phát triển cây tre, trong đó có Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). 2 giống tre được đơn vị này lựa chọn là giống Dendrocalamus Asper “Hitung” (Mạnh Tông) và giống Dendrocalamus Giganteus (bương lớn).
Đây là những giống giống có kích thước lớn, đường kính ở giai đoạn trưởng thành đạt từ 12 – 35cm, chiều cao cây khoảng 20 - 40m, thân dày từ 1,1cm – 3cm. Gỗ các giống tre này được đánh giá có chất lượng cao, gần như các bộ phận của cây đều được sử dụng để làm ra các sản phẩm trong nhiều lĩnh vực từ thủ công mỹ nghệ, công nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…
Kết quả cho thấy, các giống tre này khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ những ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Tính đến nay, Công ty đã liên kết với nhiều người dân, hợp tác xã ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum với diện tích khoảng 120ha.
Những hộ dân tham gia liên kết trồng tre sinh khối sẽ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để đảm bảo cây tre sinh trường, phát triển tốt nhất. Ngoài ra, EcoBambu cũng đưa ra các chính sách khuyến khích như thưởng cho những hộ trồng tre đạt năng suất cao, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, trả góp mua giống… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất.
Chị Lê Hồng Tuyết Nhung, Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác với đối tác và kết nối với nông dân để mở rộng diện tích trồng tre quy mô lớn. Công ty cam kết cung cấp giống tre chất lượng cao, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chi tiết cách trồng và chăm sóc, đồng thời đảm bảo tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, định hướng sắp tới của chúng tôi là tập trung vào giải pháp ESG (tiêu chí môi trường – xã hội – quản trị) từ rừng tre bền vững cho các doanh nghiệp cam kết giảm phát thải – hướng đến Netzero. EcoBambu sẽ có thành viên mới là Công ty NezBambu để thực hiện sứ mệnh đó nên sản phẩm đầu ra của tre càng được ứng dụng rộng rãi, bà con không cần lo lắng về đầu ra”.
Hiện tại, EcoBambu đã hợp tác với một số đơn vị có uy tín trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm tre như măng tre, tre nguyên cây, than tre, dăm gỗ tre, ván tre, viên nén tre. Tre được chế biến thành các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Bắc Mỹ - những thị trường có nhu cầu cao về các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tương lai, vị thế mới của cây tre
Tre sinh khối mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với các cây lâm nghiệp truyền thống, đặc biệt là cây keo. Hiện nay, chi phí đầu tư cho 1ha trồng tre sinh khối khoảng từ 80 đến 150 triệu đồng trong 5 năm tùy giống và điều kiện trồng. Trong chu kỳ sản xuất kéo dài khoảng 20 năm, cây tre liên tục tái sinh, không cần phải trồng mới. 15 năm liên tục đều có sản phẩm khai thác, lợi nhuận mang lại cho người dân có thể lên đến trên 2 tỷ đồng/ha.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm thứ 3, người trồng có thể thu măng để bán lợi nhuận ước khoảng 36 đến 78 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, với cùng diện tích, cùng thời gian thì cây keo chỉ đạt lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha (chưa tính đến rủi ro do thiên tai, bão gió).
Anh Vũ Đức Thắng (trú xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) cho biết, cách đây 2 năm, gia đình anh đã đầu tư trồng 1.000 gốc tre sinh khối trên diện tích 2,5ha. Đến nay cho thấy cây tre rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương khi đạt tỷ lệ sống lên đến 95%. Theo anh Thắng, trước đây, diện tích này anh chủ yếu trồng cây sắn và keo nhưng hiệu quả kinh tế không đáng kể.
“Qua quá trình theo dõi tôi nhận thấy so với các cây trồng khác thì cây tre tốn ít công chăm sóc và không thấy bị sâu bệnh hại gì. Ước tính khoảng 2 năm nữa, diện tích trồng tre của tôi sẽ cho thu hoạch măng. Riêng với giá bán măng hiện tại là khoảng 10.000 đồng/kg, cây tre đã cho gia đình một khoản thu nhập khá. Chưa tính đến 3 năm sau, tôi còn bán được tre lấy gỗ theo hợp đồng bao tiêu với công ty. Vậy nên tới đây, tôi đang có ý định tiếp tục mở rộng diện tích trồng tre”, anh Thắng chia sẻ.
Theo chị Trần Thị Phượng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu, ngoài hiệu quả về kinh tế, cây tre mang lại nhiều giá trị bền vững. Tre có khả năng hấp thụ CO2 cao hơn 4 lần và tạo ra cao hơn 35% oxy so với các cây thông thường góp phần giảm thiểu lượng khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí. Chưa hết, 1ha tre sinh khối ước tính có thể tạo ra trên 300 tín chỉ carbon mỗi năm khi trưởng thành.
“Trồng tre có thể tạo ra các hệ sinh thái nhỏ, là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, giúp bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học. Không những vậy, rễ tre phát triển mạnh mẽ, giúp giữ đất và ngăn ngừa xói mòn, đặc biệt là ở các vùng đồi núi và ven sông. Điều này giúp bảo vệ lớp đất mặt và duy trì độ phì nhiêu của đất. Với những hiệu quả và tác dụng này, trồng rừng tre đáp ứng được đến 9/17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”, chị Phượng nói.
Cũng theo chị Phượng, thời gian tới, EcoBambu sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng tre sinh khối tại các địa phương có điều kiện thuận lợi nhằm tăng sản lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguyên liệu tre sinh khối. Đồng thời, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới từ tre, từ măng tre, các sản phẩm gia dụng, nội thất đến nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp lớn. Điều này không chỉ tăng giá trị gia tăng cho nguyên liệu tre mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sau buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu về việc phát triển cây tre sinh khối trên địa bàn, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh này về việc cho phép công ty liên kết hoặc thuê đất các hộ dân thực hiện trồng thí điểm mô hình tại một số huyện có nhu cầu để đánh giá tính phù hợp về thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế cũng như các bài học kinh nghiệm, từ đó có đủ cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.