| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 01/09/2017 , 07:20 (GMT+7)

07:20 - 01/09/2017

Kỳ lạ căn bệnh 'nhớ nhớ, quên quên' trong giới cán bộ, công chức

Đọc báo trong khoảng thời gian này, dễ thấy một hiện tượng khá kỳ lạ là nhiều cán bộ, công chức nhà nước bỗng dưng có thói đãng trí đến kỳ lạ. Nhiều người quên, để mất, làm rơi... những thứ mà thật khó tin có thể quên, nhầm, làm mất một cách đơn giản như vậy.

Chuyện khó tin đang "nóng" nhất là vụ mất hồ sơ vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ. Vụ việc được phát hiện từ cuối tháng 7 và được nêu ra tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng trước và được đại diện Bộ Nội vụ trả lời là: Bộ đang phối hợp với cơ quan Công an truy tìm.

Cho đến ngày 31/8, cũng tại phiên họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức, câu hỏi: Ai để mất hồ sơ Trịnh Xuân Thanh lại được giới phóng viên đặt ra. ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng vẫn chỉ đáp: "Hiện nay các cơ quan chưa có kết luận cụ thể cá nhân nào nên chúng tôi chưa thể nói".

Chao ôi, một sự việc nghiêm trọng như vậy, một bộ hồ sơ cán bộ - chứng cớ rất quan trọng để cơ quan điều tra xem xét, làm rõ tội của Trịnh Xuân Thanh - một trọng phạm của Nhà nước đang bị tạm giữ đâu phải là cái kim, sợi chỉ mà dễ dàng "không cánh mà bay" như vậy. Mà đến hơn 1 tháng trời, không biết ai làm mất, vì sao mà mất?

Giờ có vẻ như, cả Bộ Nội vụ không ai nhớ bộ hồ sơ đó nằm ở Vụ nào, ai giữ và xử lý. Thật kỳ lạ.

Tình trạng trí nhớ của một số cán bộ, công chức bỗng dưng trở lên tệ hại rõ nhất trong việc kê khai tài sản, nhất là ở thời điểm này, khi báo chí, dư luận xã hội giám sát chặt chẽ, sâu sát hơn khối tài sản của nhiều "công bộc".

Trong báo cáo phòng chống tham nhũng của UBND thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm nay cũng đã nêu 8 trường hợp cán bộ "quên" kê khai tài sản. Trong đó, có một cán bộ còn bị kỷ luật vì "kê khai tài sản không trung thực". Nhưng cũng kỳ lạ, Hà Nội nhất định không nêu rõ tên của những người có trí nhớ tệ như vậy trong báo cáo trên.

Đáng kể nhất là cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương vừa được Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức vụ là bà Hồ Thị Kim Thoa có vẻ như trí nhớ cũng không được tốt lắm khi kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Có lẽ một phần chính vì cái sự đãng trí này, bà Thoa mới bị cách hết các chức vụ về Đảng và chính quyền và buồn quá, bà Thoa đã có đơn xin... nghỉ hưu và may mắn được chấp thuận cho nghỉ từ 1/9 này, dù chưa đến tuổi.

Trước bà Thoa thì có bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã bị kỷ luật theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi đầu tháng 7/2017 mà Dân trí đã đưa tin. Một trong những lý do bị kỷ luật là bà Thanh cũng "quên", chưa kê khai đủ số tài sản theo quy định của Nhà nước.

Có một kiểu "quên" khác cũng rất đáng sợ là đi thu tiền thuế, phí xong quên, để ngoài sổ sách, không nộp vào ngân sách nhà nước. Những người mắc bệnh 'quên" này có lẽ hơi nhiều vì báo chí liên tục đưa tin.

Mới nhất là ngày 29/8, như Dân trí và nhiều tờ báo cũng đã đưa tin, ông Ngô Hữu Bàn, Chủ tịch Phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa "bỏ quên" ngoài sổ sách tới 700 triệu đồng. Và vì các sự "quên này", ông Bàn được nhận hình thức kỷ luật: Cảnh cáo.

Còn nhiều dạng quên, đãng trí, nhầm lẫn... trong giới cán bộ, công chức lắm. Có chỗ làm sai thì bảo "ký nhầm", "viết nhầm". Phê bình bổ nhiệm quá nhiều người nhà thì nói: Bổ nhiệm vài trường hợp nhầm...

Than ôi, căn bệnh nhầm lẫn, đãng trí, nhớ nhớ, quên quên như vậy đang hoành hành trong giới cán bộ, công chức Nhà nước từ Trung ương đến địa phương thật là nguy hiểm. Các giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong các cơ sở y tế công làm sao tìm được phương thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh quái ác này thì quá đỡ cho công tác điều hành của Nhà nước.

Chứ nếu không, nay chỗ này báo: Tôi đánh mất hồ sơ, mai chỗ kia bảo: Tôi quên chưa kê khai, chỗ khác khi bị phát hiện việc này, việc kia làm trái thì bảo: Tôi ký nhầm, giao việc nhầm người... thì thật tệ hại. Mọi công việc của nhà nước không khéo hỏng với chứng bệnh "quên quên, nhầm nhầm" có vẻ như đang ngày càng trầm trọng này.

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm