Nợ đến bao giờ?
Theo văn bản số 3136/STC-HCSN do Sở Tài chính Hà Nội ban hành ngày 11/7/2012, tổng nguồn vốn thực hiện dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là 119 tỷ 677 triệu đồng, trong đó kinh phí giai đoạn 1 (2006 - 2011) của dự án đã được giải ngân hết toàn bộ từ năm 2011 là 60 tỷ 952 triệu đồng.
Sách dự án Tủ sách Thăng long được bày bán tại nhiều hiệu sách trên địa bàn Hà Nội
Nhưng trên thực tế, một số hạng mục của của dự án trong giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể, các đầu sách như: Ngàn năm sân khấu Thăng Long; Thành Thăng Long Hà Nội; Chảy mãi văn hóa Hà Thành; Hoa thở; Thăng Long Hà Nội 1.000 sự kiện lịch sử vẫn chưa được in ấn. Riêng cuốn Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội, theo kế hoạch phải được hoàn tất vào năm 2011 thì mãi đến đầu năm 2016 mới được in ấn, xuất bản.
Tại sao NXB Hà Nội “rút tiền ngân sách” suốt 5 năm liền mà không trả nợ UBND TP Hà Nội những cuốn sách kể trên? Mặc dù trong suốt thời gian từ 2012 đến nay, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc Văn phòng dự án, kế toán NXB Hà Nội tổng nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ quyết toán dứt điểm phần dự án đã thực hiện của giai đoạn 1. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các thủ tục thanh quyết toán theo đúng quy định.
Tại điều 2 của Quyết định số 5089/QĐ-UBND, ngày 23/8/2013 của UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án (NXB Hà Nội) phải chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn giám sát độc lập với chủ đầu tư về tổ chức và tài chính để giám sát các gói thầu do chủ đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về đấu thầu trước khi thực hiện các gói thầu được phê duyệt”. “Triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư, về đấu thầu và quy định quản lý chuyên ngành”.
Tuy nhiên, dường như NXB Hà Nội phớt lờ quy định này của UBND TP Hà Nội khi không thuê đơn vị tư vấn giám sát độc lập mà tự mình thực hiện. Và, khi đứng trước một “sân chơi không có trọng tài”, chủ đầu tư “vừa đá bóng vừa thổi còi”, việc tuân thủ luật chơi khó có thể thực hiện nghiêm chỉnh.
Mở rộng dự án
Mặc dù khối lượng công việc của dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 1 vẫn tồn đọng và chưa được giải quyết dứt điểm, NXB Hà Nội cùng các nhà khoa học, quản lý nghiên cứu và hội đồng tư vấn khoa học dự án Tủ sách tiếp tục kiến nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận việc mở rộng dự án.
Bảng thanh toán tiền công của cán bộ, nhân viên thực hiện dự án Tủ sách Thăng Long của NXB Hà Nội tháng 12/2016
Kết quả, một số tiền khổng lồ nữa (hơn 58 tỷ đồng) lại tiếp tục được phân bổ cho NXB Hà Nội thực hiện dự án giai đoạn 2 (kéo dài từ năm 2013 đến hết năm 2017), với khoảng 70 đầu sách. Liệu rằng, với năng lực hiện có, NXB Hà Nội có đảm đương được nhiệm vụ quan trọng này? Câu hỏi đó có lẽ phải chờ đến hết năm 2017 mới rõ. Nhưng, xem xét kỹ các tài liệu của dự án, thấy có một vài điểm chưa thực sự thoả đáng và cần được làm sáng tỏ.
Ví dụ, NXB Hà Nội hợp đồng với Cty DVTM Phú Thịnh thuê diện tích kho 220m2 để lưu trữ tài liệu, các ấn phẩm là sách thuộc dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2. Thời gian thuê kho 12 tháng (1/1/2016 đến 31/12/2016) với tổng giá trị hợp đồng là 336.000.000 đồng (toàn bộ số tiền này đã được giải ngân vào ngày 31/12/2016).
Tuy nhiên, trong suốt 9 tháng đầu kể từ khi hợp đồng thuê kho trên có hiệu lực, NXB không có sách để lưu kho. Bởi, mãi đến ngày 1/10/2016 cuốn sách đầu tiên của dự án giai đoạn 2 là Khâm định An Nam kỷ lược mới có quyết định xuất bản. Phải chăng số tiền khá lớn chi từ ngân sách Nhà nước (28.000.000 đồng/tháng x 9 tháng = 252.000.000 đồng) bị sử dụng lãng phí?
Đặc biệt hơn, theo bảng thanh toán tiền công của cán bộ nhân viên thực hiện dự án Tủ sách Thăng Long trong tháng 12/2016 của NXB Hà Nội, mà tác giả bài viết có được, thì ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng kiêm Phó trưởng ban quản lý dự án nhận được 21.912.000 triệu đồng/tháng bao gồm lương hệ số (14,8) và các khoản tiền công khác như tiền ăn trưa (550.000 đồng), tiền điện thoại (300.000 đồng), tiền công tác phí (300.000 đồng), tiền đóng BHYT + BHXH + BHTN (32,5% - tương đương 2.902.000 đồng). Liệu việc chi lương này có đúng theo quy định pháp luật hiện hành?
Phóng viên NNVN đã liên hệ với ông Lê Tiến Dũng để tìm hiểu vấn đề này. Nhưng, NXB Hà Nội từ chối trả lời phỏng vấn trực tiếp. Diễn tiến sự việc sẽ được Báo NNVN phản ánh trong các số báo tới.
Ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NXB Hà Nội từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên NNVN về dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Trước khi ông Lê Tiến Dũng được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NXB Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có đánh giá, nhận xét về năng lực, trình độ của ông Dũng tại văn bản gửi UBND TP Hà Nội số 1319/BTTTT ngày 05/05/2015 như sau: “Ông Lê Tiến Dũng với cương vị là Phó Giám đốc phụ trách NXB Văn hoá - Thông tin do nhiều nguyên nhân, trong 4 năm (2010 - 2014) NXB Văn hoá - Thông tin hoạt động không hiệu quả và để xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động xuất bản”. Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị UBND TP Hà Nội tăng cường giám sát hoạt động NXB Hà Nội và cá nhân ông Lê Tiến Dũng trong việc điều hành NXB. |