Dự Lễ kỷ niệm có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng; ông Lê Tấn Tới, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; Cùng với các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và của tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra, các đồng chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Nguyên nhân dịp này.
Diễn văn của ông Nguyễn Linh, Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên đã nêu rõ được quá trình hình thành, phát triển và thành tựu của thành phố. Hiện này, thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và cả vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Được thành lập vào ngày 19/10/1962, là trung tâm công nghiệp gang thép của cả nước, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, TP. Thái Nguyên là trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch. Nhân dân các dân tộc TP. Thái Nguyên đã không tiếc sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Năm 2002, TP. Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 2; năm 2010, được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đến nay, thành phố Thái Nguyên có 32 đơn vị cấp phường, là thành phố đông dân thứ 3 ở miền Bắc sau thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Những năm qua, kinh tế thành phố Thái Nguyên tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân trong giai đoạn 2016 - 2021 đạt trên 15%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó thương mại, dịch vụ và công nghiệp chiếm phần lớn doanh thu. Thu ngân sách Nhà nước hằng năm tăng cao, ngày càng bền vững, không gian đô thị thành phố được mở rộng. Kết cấu hạ tầng đô thị thành phố Thái Nguyên được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao. Trong đó cây chè là cây trồng chủ lực với thương hiệu chè “Tân Cương Thái Nguyên” tạo nên thương hiệu Thái Nguyên Đệ nhất danh trà.
Các lĩnh vực khác như văn hóa, an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được nâng cao; Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được triển khai đồng trên các lĩnh vực; Tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống chính trị thành phố được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương những thành tích to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Thái Nguyên đã đạt được trong 60 năm qua. Thái Nguyên đã giữ vững vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, y tế, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc bộ. Thành phố Thái Nguyên là một trong 5 cực tăng trưởng của vùng trung du, miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị.
Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị TP. Thái Nguyên tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục củng cố, vun đắp, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị; chú trọng xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại có tính liên kết vùng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chí đô thị loại I; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số trên địa bàn theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm, tạo điều kiện để thành phố có bước phát triển đột phá mới, phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm công nghiệp của vùng phía Bắc và cả nước.