Đến dự có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cùng đại diện Vụ tài chính, Vụ KHCN&MT; Công đoàn NN-PTNT Việt Nam; Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom, Hiệp hội gỗ Đồng Nai, các đơn vị đối tác liên kết với Phân hiệu, các lãnh đạo lão thành cùng đông đủ sinh viên nhà trường.
Trong diễn văn kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Nhà giáo nhân dân. GS.TS Trần Văn Chứ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai tự hào về truyền thống của nhà trường. Đặc biệt, năm 2020 là năm phát triển rực rỡ nhất của Phân hiệu sau 12 năm thành lập.
Đóng góp vào những thành tựu vẻ vang trong suốt chặng đường phát triển 45 năm xây dựng và phát triển của Phân hiệu, có công lao to lớn của tập thể CBVC, HSSV và các thế hệ nhà giáo.
Nhà giáo nhân dân GS.TS Trần Văn Chứ nhấn mạnh: "Nghề giáo luôn được tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Là nhà giáo – chúng ta đi trồng người, nhưng là nhà giáo Lâm nghiệp chúng ta vừa trồng cây lại vừa trồng người".
Phát biểu chào mừng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thay mặt Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chúc mừng tới Ban giám hiệu Nhà trường qua các thời kỳ, các thế hệ thầy cô giáo, các CBVC, cùng toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của trường.
Sau 12 năm kể từ năm 2008, Trường Trung cấp Lâm nghiệp số 2 sáp nhập vào Trường đại học lâm nghiệp (ĐHLN) và trở thành Phân hiệu đầu tiên của Trường ĐHLN. Phân hiệu Đồng Nai cùng với Trường ĐHLN luôn đi đầu trong đổi mới mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, mở rộng quy mô phát triển ngành nghề.
Kể từ khi sáp nhập đến nay, Phân hiệu Đồng Nai đã cùng Trường ĐHLN đào tạo cho đất nước gần 50.000 kỹ sư, cử nhân, trên 4.500 thạc sĩ và trên 100 tiến sĩ, đặc biệt là trên 2.500 HS phổ thông dân tộc nội trú. Quy mô HSSV của Nhà trường hiện nay với trên 11.000 ở 37 ngành đào tạo đại học, 10 ngành bậc thạc sỹ và 6 ngành tiến sĩ.
Nhà trường thường xuyên xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, từ 128 cán bộ lúc mới thành lập, đến nay đã có 1.000 CBVC, HĐLĐ (trong đó có trên 600 giảng viên với 7 Giáo sư, 37 Phó Giáo sư, 170 Tiến sĩ, trên 500 Thạc sĩ); GV có trình độ trên đại học đạt xấp xỉ 85%.
Năm 2020, trong bối cảnh các trường đại học đang khó khăn trong công tác tuyển sinh nhưng Nhà trường vẫn tập trung mọi nguồn lực và tuyển được 2.300 sinh viên và học viên.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ thầy và trò Nhà trường trong những năm qua. Đồng thời, Thứ trưởng chia sẻ với sinh viên đến từ các vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid và thiên tai, bão lụt những ngày vừa qua.
“Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong năm học 2020-2021, Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ giảng viên của Nhà trường cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo phù hợp; tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội; đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giáo dục, đẩy nhanh hơn nữa mô hình đại học thông minh, đảm bảo theo kịp xu hướng phát triển chung, xứng đáng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo.