| Hotline: 0983.970.780

Kỹ nữ có chồng được phong hậu triều Tống

Thứ Hai 04/07/2016 , 08:35 (GMT+7)

Chốn hậu cung thời phong kiến luôn được che phủ bởi tấm màn bí mật. Nơi đó có những câu chuyện kỳ lạ như thái giám cưỡng gian cung nữ, thái hậu thích tình một đêm với các thanh niên tuấn tú... Xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài về những bí ẩn trong cung đình Trung Quốc thời xưa.

Hiến Minh Túc hoàng hậu Lưu Nga là vợ vua Tống Chân Tông Triệu Hằng thời Tống (960-1279).

Người được phong làm hoàng hậu thường là danh môn khuê các, hoặc ít nhất cũng là mỹ nữ hiền dịu nết na, băng thanh ngọc khiết (trong trắng như như băng như ngọc). Tuy nhiên, hoàng hậu Lưu Nga (968-1033) của vua Tống Chân Tông Triệu Hằng (968-1022) lại là dân thường và đã qua một đời chồng. Tống Chân Tông mê đắm sắc đẹp của Lưu Nga, thậm chí còn biết ơn chồng nàng. Vua đã vụng trộm với nàng suốt 15 năm trời trước khi Lưu Nga chính thức trở thành hoàng hậu.

Nhà nghiên cứu sử học Trung Quốc, ông Đoàn Tiền Long cho biết Lưu Nga là cháu của Hữu kiêu vệ đại tướng quân Lưu Diên Khánh thời Hậu Tấn (936-946) và Hậu Hán (947-950), con gái thứ sử Giá Châu Lưu Thông. Hậu Hán và Hậu Tấn là hai giai đoạn ngắn thuộc thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (T907-979) trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi triều Đường diệt vong, kéo dài đến khi triều Tống thống nhất Trung Quốc.

Lưu Nga từ nhỏ sống tại Tứ Xuyên. Khi mang thai, mẹ nàng mơ thấy trăng sáng, nghĩ con mình do nàng Hằng Nga xinh đẹp đầu thai nên đặt tên Lưu Nga. Thế nhưng, dù là đời sau của gia đình danh môn nhưng sau này vì cha bỏ mạng nơi chiến trường nên gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.

Chồng trước của Lưu Nga là Cung Mĩ, một nghệ nhân hát Cổ Từ (hát gõ mái chèo). Cung Mĩ nhanh nhẹn lại có tài nhưng nhà nghèo. Giọng hát của chàng khiến bao cô gái mê đắm, trong đó có Lưu Nga.

Hai người đem lòng yêu thương nhau và muốn kết hôn. Do Lưu gia ngăn cấm cuộc hôn nhân này, cả hai cùng đưa nhau bỏ trốn và nên duyên vợ chồng. Để che giấu thân phận, Cung Mĩ bỏ nghề hát để làm thợ bạc, Lưu Nga học hát Cổ Từ và dựa vào đó kiếm sống. Cuộc sống hai người giản dị mà hạnh phúc.

Triệu Hằng lúc này là quan lớn phủ Khai Phong, muốn mời Cung Mĩ vào phủ rèn bạc. Vì khéo nịnh bợ, Cung Mĩ quen với Trương Kỳ, chỉ huy sứ trong phủ. Trương Kỳ tiết lộ, vương gia Triệu Hằng sắp tuyển thiếp, lại vô cùng hứng thú với con gái nước Thục. Cung Mĩ nghe xong liền vội vã về nhà, ấp úng kể lại truyện vương gia Triệu Hằng muốn tuyển thiếp, muốn Lưu Nga giả làm con gái nước Thục, dâng nàng cho Triệu Hằng.

14-55-05_nh-1
Tranh vẽ hoàng hậu Lưu Nga. Ảnh: baike

 

Lưu Nga vô cùng kinh ngạc, một kỹ nữ ca hát như nàng sao có thể được Triệu Hằng xem trọng. Huống hồ nàng cùng Cung Mĩ là tình nghĩa vợ chồng, sao nỡ bỏ chàng tìm người khác. Cung Mĩ nói sẽ không để bụng, không muốn Lưu Nga xinh đẹp, thông minh phải sống cả đời trong nghèo khổ, làm vợ một người thợ bạc bình thường. Cuối cùng, Lưu Nga giả làm em gái Cung Mĩ, tham gia đợt tuyển thiếp của Triệu Hằng.

Lưu Nga lúc này mới 15 tuổi nhưng nhiều năm bán nghệ nơi đường phố nên từng trải hơn những cô gái khác. Nàng biết cách ăn mặc, trang điểm và tạo cử chỉ duyên dáng khiến Triệu Hằng mê đắm. Cung Mĩ cũng che giấu tình cảm với Lưu Nga, tận tâm làm phụ tá cho Triệu Hằng.

Chẳng bao lâu, vua Tống Thái Tông (939-997), cha của Triệu Hằng muốn con trai lập chính thất (tức vợ cả). Trong số thê thiếp của Triều Hằng có Phan Thị, con gái của khai quốc công thần Phan Mĩ, vốn được nhắm trước. Vua Thái Tông biết Triệu Hằng sủng ái Lưu Nga thì vô cùng tức giận, cho người đuổi nàng khỏi phủ. Năm 983, Triệu Hằng không còn cách nào khác, sắc phong Phan Thị (968-989) làm vương phi nhưng vẫn lén đưa Lưu Nga tới nhà Trương Kỳ. Hai người vụng trộm qua lại với nhau suốt 15 năm trời.

Năm 989, Phan Thị qua đời mà không có con. Năm 992, vua Thái Tông lập tiếp Quách Thị (975-1007) làm chính thất của Triệu Hằng.

Năm 997, vua Thái Tông qua đời, Triệu Hằng kế vị cha, lấy hiệu Tống Chân Tông. Chân Tông nhanh chóng đưa Lưu Nga về cung. Năm 1007, hoàng hậu Quách Thị bệnh qua đời. Vua Chân Tông muốn lập Lưu Nga làm hoàng hậu nhưng bị triều thần phản đối. Tới năm 1012, nàng được phong làm hoàng hậu.

Sau này, việc làm của Cung Mĩ bị bại lộ. Vua thậm chí còn cảm kích Cung Mĩ bao năm theo mình chăm sóc Lưu Nga chu đáo. Để bịt miệng các đại thần trong cung, vua chính thức đổi cho Cung Mĩ thành họ Lưu. Lưu Mĩ trở thành anh trai Lưu Nga, sống trong vinh hoa phú quý.

Sau này, khi vua Chân Tông băng hà, Lưu Nga trở thành hoàng thái hậu và là một trong những phụ nữ nhiếp chính đầu tiên của thời Tống. Bà được coi là người có tài năng sánh ngang Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc. Nhận định về Lưu Nga, giới sử học cho rằng bà "hữu Lữ Võ chi tài, vô Lữ Võ chi ác (Có tài năng của Lữ hậu, Võ Tắc Thiên, nhưng không có sự độc đoán hung ác của họ).

14-55-05_nh-2
Chân dung Triệu Hằng, tức vua Tống Chân Tông. Ảnh: baike

 

Cuộc đời kỳ lạ của Lưu Nga cũng xuất hiện trong giai thoại dân gian Trung Quốc. Khán giả Việt Nam quen thuộc với phim truyền hình Bao Thanh Thiên không xa lạ tập phim: Ly miêu hoán thái tử. Lưu Nga chính là nhân vật trong phim. Dân gian kể lại rằng năm đó Lý Thần phi cùng Lưu hoàng hậu cùng lúc có thai.

Khi cả hai hạ sinh, Lưu hoàng hậu sinh ra một công chúa mà chết yểu, còn Lý Thần phi sinh ra được một hoàng tử. Lưu hoàng hậu sợ hãi, bèn cùng hoạn quan tráo con của Lý Thần phi bằng một con cáo (ly miêu), vu khống Lý thần phi sinh hạ quái thai, yêu nghiệt.

Họ Lý vì cái án tày trời mà bị đuổi khỏi cung, lưu lạc dân gian. Có tài liệu cho rằng Lý Thần phi bị Lưu Nga ra lệnh phải uống thuốc độc tự tử. Thi thể Lý Thần phi thậm chí còn bị táng bằng thủy ngân để hồn phách không thể thoát ra. Trong khi đó, con trai do bà mang nặng đẻ đau lại gọi Lưu Nga là mẹ. Tài liệu khác cho rằng Lý Thần phi lưu lạc nhiều năm, đến gần cuối đời gặp được Bao Chửng, còn gọi là Bao Thanh Thiên. Vị quan thanh liêm họ Bao minh oan cho Lý thị. Bà được vua đón vào cung phong làm Hoàng thái hậu.

Lưu Nga được coi là một trong những thái hậu có tài trị quốc. Nhiều nhà sử học cho rằng Thái hậu xuất thân từ kỹ nữ nhưng “thiên hạ đại sự đều lo ổn thỏa, nghiêm minh trên dưới, với người nhà cũng không bao che”. Nhờ những năm tháng lăn lộn kiếm sống bằng giọng hát trên đường phố, Lưu Nga rất biết cách dẹp yên những cá nhân không thuận ý mình. Những trọng thần triều trước nếu có ý chống đối đều dần bị truất quyền hoặc đày đi biên ải. Trong 11 năm cầm quyền, Lưu Nga đã khiến cho quốc gia hưng thịnh, làm nền móng cho thời thịnh trị sau này của triều Tống Nhân Tông.

Thái hậu Lưu Nga qua đời năm 65 tuổi. Lúc sắp qua đời, dù không thể nói được nữa, bà vẫn lấy tay chỉ vào y phục của mình, hàm ý trả lại cổn, miện - biểu tượng cho quyền lực tối cao trong triều. Lưu Nga được mai táng trong trang phục dành cho hoàng hậu.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.