Cụ thể, theo nội dung tại buổi lễ ký kết ngày 1/9 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) sẽ trực tiếp gặp gỡ để thông báo, trao đổi thông tin, tài liệu, trao đổi thông qua văn bản, điện thoại, hệ thống thư điện tử.
Tổ chức các đoàn công tác và cử cán bộ phối hợp, tổ chức các cuộc họp hàng năm, hai bên sẽ luân phiên tổ chức họp để đánh giá việc thực hiện các hoạt động đề ra mà hai bên đã thống nhất trước đó, đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp cho thời gian tiếp theo hoặc có thể tổ chức họp bất thường nếu thấy cần thiết.
Về nguyên tắc phối hợp, việc trao đổi thông tin và phối hợp công tác giữa hai bên phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên. Yêu cầu quản lý chế biến và thương mại lâm sản, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, phù hợp với quy định của pháp luật. Nội dung thông tin trao đổi và phối hợp công tác giữa hai bên được thực hiện theo Luật Lâm nghiệp và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của buổi lễ ký kết này với hệ sinh thái ngành kinh tế lâm nghiệp của Việt Nam hiện tại và trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020 chỉ tiêu tỉ lệ che phủ rừng cơ bản đạt 42%, vượt kế hoạch đề ra, trong khi trung bình thế giới chỉ là 29%. Với mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 12 tỷ USD năm 2020, Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, một thành tích rất đáng tự hào.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh sự sáng tạo, thích ứng của ngành Lâm nghiệp khi vừa chạy vừa xếp hàng, từ việc phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, nay Việt Nam đã chủ động được trên 60% nguyên liệu cho chế biến, trong đó đã làm chủ được nhiều hệ sinh thái về kinh tế lâm nghiệp, lâm sinh. Từ đó, là nền tảng hình thành các quỹ và mô hình xã hội hóa cho việc chăm sóc trên 14 triệu hecta rừng, tạo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp có chứng chỉ để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, dù đã đạt được thành quả to lớn nhưng ngành Lâm nghiệp không được chủ quan mà cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị và sản phẩm hơn nữa, từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh, từ xuất khẩu tinh sang xuất khẩu có thương hiệu theo chuỗi.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ, trong bối cảnh ngành Lâm nghiệp thế giới có nhiều biến động, ngành lâm nghiệp Việt Nam gặp thách thức rất lớn từ rủi ro thương mại và đại dịch Covid-19, việc kết nối hiệu quả về thông tin, chính sách giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp và các bên liên quan là động lực quan trọng thúc đẩy ngành lâm nghiệp phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ, chiếm 29,9% giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6%, lâm sản ngoài gỗ 511 triệu USD, tăng 21,6%.
8 tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam.