| Hotline: 0983.970.780

Rà soát, đề xuất chính sách mới cho lâm nghiệp

Thứ Năm 20/08/2020 , 19:52 (GMT+7)

Ngày 20/8, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản. 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị sớm rà soát, đề xuất Chính phủ có chính sách đầu tư cho ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Bền.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đề nghị sớm rà soát, đề xuất Chính phủ có chính sách đầu tư cho ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Bền.

Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm rà soát, kịp thời đề xuất Chính phủ có chính sách, nguồn lực đầu tư mới cho ngành Lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

Một số chính sách chưa được triển khai trên thực tế

Về nhóm chính sách dành cho chế biến và thương mại lâm sản và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành chế biến gỗ, theo Tổng cục Lâm nghiệp, những năm qua, đã có nhiều chính sách như: Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 06/7/2018 của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Cụ thể theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg về Hỗ trợ chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh nghèo: Hỗ trợ đầu tư 20 tỷ đồng/nhà máy sản xuất gỗ MDF quy mô trên 30.000m3 MDF/năm trở lên; 10 tỷ đồng/nhà máy đối với các nhà máy chế biến ván dăm, tre ép công nghiệp có quy mô trên 20.000m3 trở lên.

Bên cạnh đó, hỗ trợ 10 tỷ đồng/nhà máy đối với nhà máy ván dán quy mô trên 100.000m3 để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và xử lý chất thải... Hỗ trợ sau đầu tư tính theo khoảng cách vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km...

Theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị.

Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng...

Triển khai những chính sách này, những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ một số dự án đầu tư nhà máy sản xuất gỗ MDF có quy mô trên 30.000 m3/năm; nhà máy chế biến ván dăm, tre ép công nghiệp có quy mô trên 20.000 m3/năm; nhà máy ván dán quy mô trên 100.000 m3/năm tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Sơn La... cùng với hỗ trợ đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và hệ thống xử lý chất thải.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhiều chính sách lớn, hiệu quả hơn nữa cho chế biến và thương mại lâm sản trong giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Bền.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần nhiều chính sách lớn, hiệu quả hơn nữa cho chế biến và thương mại lâm sản trong giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Lê Bền.

Ngoài ra, một số địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản quy mô nhỏ, sản xuất sản phẩm sơ chế sang sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Nhìn chung, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản bước đầu đã khuyến khích một số doanh nghiệp xây dựng và phát triển các nhà máy chế biến gỗ tại một số tỉnh miền núi, góp phần phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản, giải quyết công ăn việc làm.

Tuy nhiên, một số chính sách chưa được triển khai trên thực tế như chính sách hỗ trợ vận chuyển sản phẩm gỗ sau chế biến do thiếu kinh phí hỗ trợ, khó đáp ứng được các điều kiện nhận hỗ trợ; chính sách tín dụng ưu đãi chưa được thực hiện rộng rãi đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ...

Cần đầu tư tương xứng hơn cho rừng sản xuất

Cùng với các chính sách thu hút đầu tư, chế biến, thương mại ngành gỗ, những năm qua, cũng đã có một số chính sách phục vụ cho đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất, nhất là định hướng trồng rừng gỗ lớn.

Cụ thể theo các chính sách đầu tư đối với rừng sản xuất (Quyết định 38/2016/QĐ-TTg; Nghị định 75/2015/NĐ-CP): Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa được hỗ trợ với mức 8 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây trồng phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha) 5 triệu đồng/ha...

Rừng sản xuất chưa thực sự được dành chính sách đầu tư đích đáng trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù đây là nguồn nguyên liệu đặc biệt quan trọng cho ngành chế biến gỗ. Ảnh: Lê Bền.

Rừng sản xuất chưa thực sự được dành chính sách đầu tư đích đáng trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù đây là nguồn nguyên liệu đặc biệt quan trọng cho ngành chế biến gỗ. Ảnh: Lê Bền.

Các Quyết định, Nghị định trên cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho trồng rừng khảo nghiệm (giống mới, trên vùng đất mới); hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm; hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng.

Đặc biệt, việc cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được hỗ trợ một lần với 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng)...

Bên cạnh những tác động tích cực nhất định thúc đẩy việc trồng rừng sản xuất, theo đánh giá, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng còn thấp. Đặc biệt chưa khuyến khích phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn.

Kinh phí Nhà nước còn hạn chế cho hỗ trợ trồng rừng sản xuất, nên trong thời gian qua, nguồn ngân sách chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà chưa quan tâm đầu tư đúng mức đối với rừng sản xuất. Đặc biệt, đối với các diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được khai thác, trong khi mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thấp, không đủ nên công tác quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các công ty lâm nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách thu hút, huy động các nhà đầu tư tư nhân vào sản xuất kinh doanh rừng. Thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng sản xuất gỗ lớn, chính sách phát triển lâm đặc sản, cây trồng phân tán...

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Cùng với Luật Lâm nghiệp ra đời, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 886/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đã có hệ thống các cơ chế, chính sách toàn diện cho việc đầu tư bảo vệ phát triển rừng, chính sách cho đầu tư, hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ...

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Bền.

Tuy nhiên đến nay, trước yêu cầu trong giai đoạn mới của ngành lâm nghiệp, cần phải tiến hành đánh giá, rà soát lại toàn bộ các cơ chế chính sách đã có nhằm kịp thời trình Chính phủ dành nguồn lực đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Trong đó, nhóm các chính sách đầu tư cho lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào ngành lâm nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, có tính quyết định tới chiến lược đưa ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, cần rà soát để tập trung cho chính sách, tạo đột phá về một số nội dung như giống lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn, hỗ trợ đầu tư vào chế biến gỗ...

Trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, địa phương liên quan, Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao Tổng cục Lâm nghiệp, sớm có đánh giá kỹ những chính sách nào còn phù hợp; những nội dung mà Luật Lâm nghiệp đề cập nhưng hiện nay còn trống về chính sách dành cho đầu tư; những chính sách còn chồng chéo... để sớm trình Bộ NN-PTNT và Chính phủ xem xét, phê duyệt nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho ngành lâm nghiệp.

    Tags:
Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm