| Hotline: 0983.970.780

Ký ức đường Trường Sơn vẫn nguyên vẹn nhiều chi tiết sinh động

Chủ Nhật 19/05/2024 , 11:41 (GMT+7)

'Ký ức đường Trường Sơn' giúp công chúng hình dung rõ nét một bức tranh lịch sử, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2024).

Tác giả Lưu Trọng Lân qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

Tác giả Lưu Trọng Lân qua nét vẽ Huỳnh Dũng Nhân.

“Ký ức đường Trường Sơn” là là tập bút ký của tác giả Lưu Trọng Lân. Qua những câu chuyện cụ thể và sinh động như “Nhớ mãi một người anh”, “Tình đồng đội”, “Đôi bạn trên tàu”, “Dưới đáy ba lô người chiến sĩ”, cuốn sách “Ký ức đường Trường Sơn” phác họa sinh động con đường huyền thoại trong những năm chiến tranh ác liệt.

Trong “Ký ức đường Trường Sơn” có mặt từ vị chính ủy nổi tiếng Đặng Tính đến cán bộ, chiến sĩ bộ đội phòng không, công binh, lái xe, quân y, thanh niên xung phong, dân quân, tự vệ và quần chúng nhân dân.

Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm sâu sắc của tác giả Lưu Trọng Lân, nhưng hết thảy đều lóng lánh khí phách anh hùng và bản chất cao đẹp của những con người ưu tú. Gian khổ, khó khăn vô bờ bến, cuộc đọ sức, sự hy sinh diễn ra từng giờ từng phút… sự tổn thất, mất mát không thể đếm đo… nhưng ở đâu, lúc nào cũng thấy lạc quan, yêu đời, sự thông minh, sáng tạo, tình yêu, tình bạn nồng thắm, tình quân dân đậm đà cá nước.

Tác giả Lưu Trọng Lân sinh năm 1930 tại làng Cao Lao Ha, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tác giả Lưu Trọng Lân là con trai của nhà thơ Lưu Kỳ Linh, và gọi nhà thơ Lưu Trọng Lư là chú ruột.

Tác giả Lưu Trọng Lân từng là bộ đội pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ trải nghiệm cá nhân, tác giả Lưu Trọng Lân đã từng có hai cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích là “Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ” và “Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”.

Sau khi rời Điện Biên Phủ, tác giả Lưu Trọng Lân đảm nhận vai trò Trung đoàn phó, phụ trách lực lượng tiền phương của Trung đoàn 227 pháo Phòng không ở Tây Trường Sơn. Vì vậy, cuốn sách “Ký ức đường Trường Sơn” cũng được ông chắt chiu từ những ngày tháng không quên trong cuộc đời mình.

Tác giả Lưu Trọng Lân hồi tưởng về giây phút đầu tiên đặt chân đến đường Trường Sơn: “Tôi miên man suy nghĩ về nhiệm vụ nặng nề của trung đoàn trong chiến dịch vận chuyển mùa khô. Bỗng trên không trung đèn dù địch chói lòa. Tiếng động cơ phản lực của máy bay gầm rú. Những tràng đạn pháo cao xạ của ta bắn lên. Tiếp theo là bom, những loạt bom rung chuyển núi rừng. Ngọn đèn dầu tắt phụt. Quả bom nổ gần làm sạt mất một góc hang. Một tảng đá lớn sập xuống ngay cạnh chỗ tôi ngồi. Sức ép của bom khiến ngực tôi đau nhói và tức đến nghẹn thở”.

Bằng kinh nghiệm của bộ đội pháo cao xạ ở chiến trường Điện Biên Phủ, tác giả Lưu Trọng Lân quan sát vũ khí trên không của kẻ thù: “Cứ mỗi đợt điểm xạ “pập-pùng”, “pập-pùng!” là một xe ta ăn đạn cối 40 ly của nó. Tôi đã nhiều đêm trèo lên đỉnh núi Xóm Péng để nghiên cứu về loại máy bay hiểm độc đó. Những đêm đầu tôi chỉ thấy, qua ánh trăng, chiếc máy bay hai thân AC-119, loại máy bay mà tôi đã từng thấy khi nó thả dù tiếp tế cho lính Pháp ở thung lũng Điện Biên năm xưa. Sau một tiếng “Rẹ-ẹ-ẹt” dài giống như chiếc xe Zin sang số là một loạt đạn 20 ly cày xuống đường. AC- 119 bắn 20 ly cũng khá chính xác, nhưng ở đâu có pháo ta bắn mạnh là chúng chuồn ngay”.

Tác phẩm 'Ký ức đường Trường Sơn' của tác giả Lưu Trọng Lân.

Tác phẩm "Ký ức đường Trường Sơn" của tác giả Lưu Trọng Lân.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy từng giữ vị trí Phó Tư lệnh Đoàn 559 giai đoạn 1971-1976, khi đọc “Ký ức đường Trường Sơn” của tác giả Lưu Trọng Lân đã nhận xét: “Mặc dầu đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm đẹp về Trường Sơn vẫn không bao giờ phai nhạt trong ký ức của Lưu Trọng Lân. Trong lòng anh chan chứa mãi một tình cảm sâu sắc với con đường mang tên Bác kính yêu. Qua những trang viết, từng chữ từng lời không phải được anh viết ra bằng mực đen giấy trắng, mà là bằng cả trái tim đậm tình, nặng nghĩa với Trường Sơn. 

Đối với Lưu Trọng Lân, đường Trường Sơn là một mảng thiêng liêng trong cuộc đời chiến đấu sôi nổi của mình. Mỗi câu chuyện về Trường Sơn đã được anh ghi chép lại bằng lời văn chân thực và cả một nỗi niềm xúc động sâu xa. Anh nói: “nhiều lúc cổ tôi như nghẹn lại, mắt tôi nhòa đi trong khi viết, nhất là lúc nhớ lại hình ảnh những đồng đội đã ngã xuống năm xưa giữa núi rừng Trường Sơn”.

Nhân dịp 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, càng thấy thấm thía vẻ đẹp can trường của thế hệ cha ông, mà tác giả Lưu Trọng Lân gửi gắm trong “Ký ức đường Trường Sơn” đầy hoài niệm: “Trên đường Hồ Chí Minh trong những năm tháng đánh Mỹ, hệ thống đường tránh và đường ngầm đã phát huy tác dụng diệu kỳ. Nếu máy bay đánh hỏng đường này thì xe ta vòng tránh sang đường khác. Khi chúng khống chế ngầm A thì xe ta “bẻ ghi” sang ngầm B. Nếu đoàn xe từ Bắc vào vượt ngầm C thì đoàn xe từ Nam ra chạy hướng ngầm D…

Với tinh thần “Địch phá ta sửa ta đi”, “Địch đánh ta tránh ta đi”, bộ đội ta trên Trường Sơn ngày đêm vật lộn với bom đạn Mỹ, với từng chiếc ngầm, từng đoạn đường tránh, để bảo đảm cho các đoàn xe ta đi về Nam không một ngày bị tắc”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Thêm 3 CLB bị loại khỏi Champions League

Ở lượt đấu mới nhất của vòng phân hạng Champions League 2024-2025 vào rạng sáng 23/1, thêm 3 CLB chắc chắn bị loại sau vòng này là Sparta Prague, Girona và Salzburg.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất