Lịch sử đau thương
Chiến tranh biên giới phía bắc đã qua đi được 40 năm. Nhưng với người dân Cao Bằng đã từng trải qua khoảng thời gian đó thì vẫn nhớ như in trong trí óc về sự ác liệt, mất mát đau thương của trận chiến này. Ám ảnh nhất và không thể phai nhòa trong ký ức những người dân, những nhà báo trong nước và quốc tế có mặt tại làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay thuộc TP Cao Bằng) là hình ảnh 43 người bị giết hại và bị vứt xác vào một cái giếng khơi. Sau này sự kiện này được gọi là “vụ thảm sát Tổng Chúp”.
Cánh đồng Tổng Chúp năm xưa là trận địa pháo của quân địch, nay đã là ruộng đồng xanh tốt |
Theo những tài liệu lịch sử ghi lại, vụ thảm sát xảy ra vào tối 9/3/1979, 43 người, mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em đã bị giết hại một cách dã man bởi những tên lính Trung Quốc. Đây là những người thuộc công nhân và con cái của họ làm ở trại lợn Đức Chính đã không kịp chạy thoát khi quân xâm lược Trung Quốc đi qua. Với một số ít người ở Tổng Chúp còn nhớ sự kiện ấy, thì cảnh tượng kinh hoàng khi tìm thấy những thi thể ở giếng cổ, là các nạn nhân đều bị khăn bịt mắt, 2 tay buộc chéo đàng sau, đầu thì bị móp hẳn vào bởi những cú đánh tàn nhẫn. Có người thì bị hàng chục vết đâm bởi những lưỡi lê sắc nhọn vào cơ thể. Lúc thu gom, người ta còn tìm thấy cả một chiếc gậy tre dính đầy máu, cong queo. Quân Trung Quốc đã dùng chiếc gậy này đánh đập từng người cho đến chết. Có lẽ, chúng đã chọn những cách hành quyết dã man nhất, vô nhân đạo nhất.
Những chứng nhân lịch sử
Để tìm hiểu sự kiện này, phóng viên Báo NNVN đã được bà Hoàng Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo cho biết, khu vực làng Tổng Chúp nay thuộc xóm 1 Ngọc Quyến của xã Hưng Đạo. Dấu tích của chiến tranh Trung Quốc xâm lược đến nay đã bị thay đổi rất nhiều theo thời gian. Nên không có người địa phương chỉ đường thì người nơi khác đến sẽ khó mà đến được vị trí năm xưa, nơi diễn ra vụ thảm sát của 40 năm trở về trước.
Ông Đàm Thế Chính đứng cạnh tấm bia ghi lại sự kiện thảm sát Tổng Chúp năm 1979 |
Ngoài 1 cán bộ xã, PV đã được ông Đàm Thế Chinh - Bí thư Chi bộ xóm 1 Ngọc Quyến dẫn ra hiện trường của vụ thảm sát năm xưa. Từ đường chính của xóm đi bộ chừng hơn 10 phút qua một quãng đường ngoằn ngoèo dọc theo bờ suối, và những thửa ruộng là đến được ví trí di tích. Đây là khu đất đã bị những cây dại, bụi tre mọc kín xung quanh. Một tấm biển cũ bằng bê tông ghi lại sự kiện: “Vụ thảm sát ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”. Ngoài ra dấu vết của chiếc giếng khơi vẫn còn, đường kính khoảng 3m, đáy giếng đã bị đất đá vùi lấp nhiều nên không có nước.
Ông Chinh cho biết lúc xảy ra chiến tranh, nhà ông ở cách khu vực này chỉ khoảng hơn 20m. Thời điểm đó, khi quê nhà bị giặc xâm chiếm thì bản thân ông đang đi lính và đóng quân ở Sơn Tây. Sau khi biết tin trở về, quân địch đã rút, nhà cửa bị thiêu rụi hoàn toàn, 43 phụ nữ và trẻ em bị giết hại dã man, sau đó bị vứt xác xuống giếng. Bản thân ông còn bị sốc nặng khi biết rằng quân xâm lược đã lấy chính chiếc búa bổ củi của gia đình mình làm hung khí đập chết những người phụ nữ và trẻ con vô tội.
Cùng đi với PV còn có ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch Hội CCB của xã Hưng Đạo, là một người dân địa phương và trực tiếp tham gia chiến đấu với tư cách là một chiến sỹ dân quân tự vệ của địa phương, làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, đưa cơm, tải gạo, đạn và cáng thương binh giúp dân quân và bộ đội. Ông Quân cho biết giếng khơi mà quân Trung Quốc vứt xác 43 người chết trước đó là giếng của tập thể đại đội 2, Tiểu đoàn 19 Công binh dùng sinh hoạt. Sau khi quân địch tiến vào quá đông, bộ đội, dân quân và nhân dân phải rút về những vùng an toàn để tránh kẻ địch.
Vị trí của giếng nước, nơi quân Trung Quốc vứt xác 43 nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp |
Theo lời kể của ông Quân, ngày ấy ông mới chỉ 18 tuổi, là một thanh niên của xã tham gia phục cách mạng. Vì vậy mà được chứng kiến sự thảm khốc, tàn bạo do quân xâm lược Trung Quốc gây ra. Những nơi nào quân địch đi qua thì những công trình nhà cửa, trường học… gần như bị phá hủy, đốt cháy và đổ nát. Cả thị xã Cao Bằng lúc bấy giờ chỉ còn sót lại vài ngôi nhà. Những người không kịp thoát, sẽ bị bắt giữ và rơi vào hoàn cảnh bị bi thảm, nhất là phụ nữ, một số sẽ bị chúng làm làm nhục, rồi giết hại.
Trong đó, những ký ức không thể nào quên của ông Quân về Tổng Chúp thời kỳ bị quân Trung Quốc chiếm đóng từ từ ngày 19/2/1979 đến ngày 20/3/1979. Quân địch sử dụng chính cánh đồng rộng lớn của làng làm trận địa pháo để bắn vào các làng mạc, dân và quân ta. Theo lời kể của ông Quân, sau khi địch rút quân, đã đốt phá hoàn toàn hơn 50 ngôi nhà của dân Tổng Chúp. Ông cùng tham gia với dân quân, bộ đội, và đơn vị cứu trợ thu dọn tàn tích của chiến tranh, sắp xếp nơi ăn nghỉ, dừng lều trại cùng những người đi lánh nạn trở về. Chỉ thu dọn, chôn cất xác người và động vật thôi cũng phải mất tới 40 ngày để thực hiện. Phải mất tới nhiều năm thì cảm giác ghê rợn về mùi hôi thối người chết vì bị phân hủy qua đi, nhưng không thể quên được.
Vươn mình đứng dậy
Sau chiến tranh 1979, người dân Tổng Chúp trở về làng xây dựng lại cuộc sống mới. Từ đống đổ nát, hoang tàn, không nhà cửa, tài sản… đến nay đã mọc lên những ngôi nhà biệt thự, nhà tầng, nhà xây, đường làng, ngõ xóm được dải nhựa, bê tông hóa. Người dân Tổng Chúp đã vươn lên, kinh tế, xã hội phát triển rực rỡ với 131 hộ dân, 531 nhân khẩu và không có hộ nghèo. Tổng Chúp đã mang một cái tên mới là xóm 1 Ngọc Quyến. Xóm đã đạt chuẩn nông thôn mới và tiêu biểu không chỉ của xã Hưng Đạo, mà còn của cả TP Cao Bằng.
Tổng Chúp là xóm nông thôn tiêu biểu của xã Hưng Đạo, nơi không có người nghèo |
Trại lợn Đức Chính ngày nay vẫn tiếp tục hoạt động (đơn vị có 43 công nhân và con em bị giết hại) |
Trại lợn Đức Chính ngày ấy, đơn vị có 43 công nhân, trẻ em là nạn nhân của vụ thảm sát 1979 hiện nay vẫn còn hoạt động, với quy mô lớn hơn. Với tên gọi Trại lợn cấp I Đức Chính của tỉnh Cao Bằng, có địa chỉ tại xóm Đức Chính, xã Vĩnh Quang, TP Cao Bằng. Hiện trại do Cty CP Giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng quản lý. |