Miền biên viễn Lạng Sơn mùa này không có hoa sim, bù lại sắc hoa đào tô thắm trên mọi nẻo đường biên giới. Đã từng có một mùa đào máu, sắc thắm của hoa bị ứa nhòe bởi lửa đạn chiến tranh.
Tuần lễ máu
Ngày 17/1/2019, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của Đại tá công an Triệu Văn Điện (phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn). Nghe qua giới thiệu, ông sôi nổi, đúng ngày này của 40 năm trước, khi vừa mới hoàn thành huấn luyện thuộc đại đội I cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Cao Lạng, ông được cử về lo bảo vệ nhân dân tại khu vực cửa khẩu Đồng Đăng.
Anh Hùng LLVT nhân dân Triệu Văn Điện |
Sau tết, cuộc chiến nổ ra khi chàng trai người dân tộc Nùng còn thiếu 1 tuần nữa là tròn 20 tuổi. Buổi sáng kinh hoàng, bình minh bị xé nát bởi tiếng pháo dồn dập suốt 2 tiếng từ 5h đến 7h. Ngay sau đó, lực lượng bộ binh, tăng thiết giáp của đối phương phủ đen 2 đường chính. Lệnh chống trả phát xuống, Binh nhì Triệu Văn Điện được giao sử dụng một khẩu súng trung liên. Sau 1 giờ chiến đấu, trước hỏa lực rát của địch, toàn bộ lực lượng được chỉ đạo rút xuống hang Đền Mẫu. Trên đường rút quân, đại đội còn giúp gần 500 người dân sơ tán vào hang ẩn nấp.
Cầu Kỳ Cùng bị đánh sập |
Trước tình thế bị bao vây và tấn công liên tục từ ngoài cửa hang, những đồng đội của anh ngã xuống ngay trước mặt, nhiều người dân vô tội bị đạn thù vấy máu, Triệu Văn Điện đã phải sử dụng các loại súng khác nhau để đánh trả. Đêm tối ngày 17/2/1979, anh và những đồng đội còn sống bí mật đột nhập thị trấn để lấy thực phẩm cùng nước uống mang vào hang phục vụ bà con. Ngày 18, địch tiếp tục bao vây. Từ trong hang, chọn vị trí thuận lợi, anh đã tiêu diệt được nhiều tên địch định xông vào tấn công. Trong lúc đó, kế hoạch phá vòng vây được triển khai ngay trong hang. Đêm 18, lợi dụng lúc địch dừng bắn, đoàn gần 500 người lặng lẽ rời hang dưới sự bảo vệ của các chiến sỹ. Dù có cả người già và trẻ em, nhưng cả đoàn nhất tề, cứ có tiếng đạn pháo, pháo sáng là tất cả đều nằm rạp xuống đất. Gặp toán phục kích, dân chạy trước, các chiến sỹ vừa chống trả vừa rút lui. Ngày 19, cả đoàn chạy ra đến cầu Khánh Khê. Qua ngày 20, 21, chiều ngày 22 thì về đến Văn Quan an toàn.
Bộ đội ta đánh trả đối phương tại Km số 0 (Đồng Đăng, Cao Lộc) |
Binh nhì Triệu Văn Điện được cử trả lời phỏng vấn phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân, anh dõng dạc: “Tôi, Binh nhì Triệu Văn Điện, chiến sỹ cảnh sát cơ động, từ ngày 17 đến 22/2, tôi đã cùng đơn vị tiêu diệt được hơn 60 tên địch, đưa được 4 chiến sỹ bị thương và gần 500 người dân ra khỏi vòng vây, đến tuyến sau được an toàn. Báo cáo hết”.
Năm 1980, chiến sỹ Triệu Văn Điện được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trải qua gần 30 năm công tác trong ngành công an, Đái tá Triệu Văn Điện có 3 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 lần được Bộ trưởng tặng Bằng Khen. Ông được coi là nỗi khiếp đảm của các loại tội phạm vùng biên trong giai đoạn đầu mở cửa. Ông cũng truyền tải, tổng hợp được nhiều phương pháp, lý thuyết để vận dụng vào đào tạo cán bộ, chiến sỹ công an. Năm 2017, ông về hưu.
Các phố xá của thị xã Lạng Sơn bị tàn phá |
Kinh qua những khốc liệt của chiến tranh, ông Điện cho rằng, chính sự phẫn nộ sục sôi tạo nên chất thép để chiến thắng. Hiện tại, khi cả 4 người con đã trưởng thành, ông tìm đến gia đình của những đồng đội năm xưa để hỗ trợ những người còn gian khó. Ông bốc thuốc nam gia truyền chữa bệnh cho nhân dân. “Ngoài ra, Đại tá về hưu và vợ còn lo chăm sóc cả ông “tướng” này nữa”, ông chỉ tay vào cậu bé kháu khỉnh là cháu nội của mình rồi cất tiếng cười ròn vang, hào sảng.
Chân lý không chọn giờ
Ở nghĩa trang Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn) có một ngôi mộ đặc biệt. Ngôi mộ được xây dựng theo hình một cây bút với đế rộng vững chãi, ngọn bút hướng thẳng lên cao ngạo nghễ, oai hùng. Ngôi mộ này không có hài cốt. Mộ phần là nơi tưởng niệm nhà báo Takano Ishao - một người bạn Nhật Bản đã anh dũng hy sinh khi thâm nhập vào chiến sự biên giới ngày 7/3/1979. Takano Ishao (SN 1943) là đặc phái viên tại Hà Nội của báo Akahata (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản). Trong lúc chụp ảnh để đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Takano đã anh dũng ngã xuống tại tỉnh Lạng Sơn sau khi trúng đạn của địch từ bờ bên kia sông Kỳ Cùng.
Sau chiến tranh chống Mỹ, năm 1978, Đại úy Nông Văn Đuổng được Bộ tư lệnh Quân Khu I điều về tăng cường cho thị ủy Lạng Sơn. Ngày 7/3/1979, ông Đuổng được cử dẫn đoàn nhà báo thị sát chiến trường. Bồi hồi nhớ lại giây phút định mệnh 40 năm trước với nhà báo Takano, ông Đuổng kể, mặc dù phía Trung Quốc tuyên bố rút quân từ ngày 5/3 nhưng những ngày sau đó, chúng vẫn không ngừng bắn. Chiếc xe U-oát chở đoàn nhà báo vào thị xã chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát khắp nơi. Dường như nhận thấy sự bất thường nếu công luận quốc tế lên tiếng, phía địch liên tiếp chọn chiếc xe chở đoàn nhà báo là mục tiêu hạ sát. Đến 15h chiều, khi đoàn dừng lại tại Thị ủy Lạng Sơn thì bị phía địch phục kích, bắn đạn xối xả. Những người được giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn bắn trả quyết liệt. Trước sự hiểm nguy, trong khi đang tác nghiệp, nhà báo Takano dũng cảm đã nằm xuống. Quân địch còn định xông lên cướp xác. Nhưng thi thể của anh đã được bảo vệ và chuyển về tuyến dưới.
Cựu chiến binh Nông Văn Đuổng đang khám chữa bệnh từ thiện cho bà con dân tộc Dao ở xã Công Sơn (huyện Cao Lộc) |
Ông Đuổng nhớ lại, Takano là một người bạn lớn, một trái tim dũng cảm. Khi anh đứng dậy tác nghiệp, đồng đội kéo xuống thì anh đã trả lời rằng: “Cảm ơn các anh tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp. Nhưng nếu chờ an toàn thì tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta”.
Trước khi mãi mãi dừng chân nơi biên cương xứ Lạng, Takano đã di dọc Việt Nam, thâm nhập cuộc chiến biên giới Tây Nam. Nơi Takano nằm xuống, người dân Lạng Sơn dựng một tấm bia tưởng niệm, hình ngọn bút vươn lên trời xanh; ngày nào cũng có hoa tươi, nhiều nhất là từng nhánh hoa hồi thơm ngát. Hàng ngày, các cháu thiếu nhi, người già, lẫn trong đó có người cựu binh già Nông Văn Đuổng thường đến thắp nhang.
Nhà báo Nhật Bản Takano (người đeo kính) trong chiến tranh biên giới 1979 |