| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 21/01/2019 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 21/01/2019

Lại chuyện tài sản công

 Trụ sở là nơi bất khả xâm phạm, không ai được phép sử dụng trụ sở vào việc riêng. Việc bà chủ tịch hội phụ nữ xã Lý Trạch chiếm giữ tài sản công là trụ sở UBND xã dùng vào việc riêng trong suốt hai ngày làm việc... là một việc làm không thể chấp nhận.

Vụ dùng xe biển xanh vào tận chân cầu thang máy bay ở sân bay quốc tế Nội Bài để “đón bộ trưởng đi công tác về”, nhưng thực ra là đón...Vợ bộ trưởng, còn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, dư luận xã hội lại một phen rúng động bởi trong 2 ngày làm việc tuần qua, trụ sở UBND xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bỗng bị trưng dụng để làm rạp phục vụ đám cưới con trai út bà chủ tịch hội phụ nữ xã.

Rạp cưới dựng ngay trong sân UBND xã Lý Trạch

Bất cứ ai trong xã khi đến trụ sở UBND xã giải quyết công việc, cũng phải đi qua cái rạp lúc nào cũng đinh tai nhức óc vì tiếng nhạc xập xình, tiếng MC choang choác và tiếng ồn ào của những mâm tiệc cưới, mới vào được nơi làm việc. Nhưng có vào cũng chẳng gặp được ai, vì từ lãnh đạo xã đến các phòng ban chuyên môn đều cửa đóng then cài, chủ nhân của chúng còn bận “trăm phần trăm” trong đám cưới.

Cũng như xe công, trụ sở UBND các cấp là tài sản công, là cơ sở vật chất của cơ quan công quyền, được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, được dùng để các cơ quan giải quyết các việc công phục vụ người dân theo quy định của pháp luật. Trụ sở là nơi bất khả xâm phạm, không ai được phép sử dụng trụ sở vào việc riêng. Việc bà chủ tịch hội phụ nữ xã Lý Trạch chiếm giữ tài sản công là trụ sở UBND xã dùng vào việc riêng trong suốt hai ngày làm việc trong tuần, gây cản trở công việc của cơ quan nhà nước, là một việc làm không thể chấp nhận. Là người đứng đầu một tổ chức trong xã, bà chủ tịch Hội phụ nữ xã Lý Trạch không thể không biết điều đó.

Nhưng điều hết sức lạ lùng là trước khi đám cưới diễn ra, biết được thông tin ấy, chủ tịch UBND huyện Bố Trạch đã cử người xuống lập biên bản, yêu cầu dời rạp cưới ra khỏi trụ sở UBND xã, nhưng chủ nhân của đám cưới vẫn kiên quyết không chấp hành.

Và lại càng kỳ lạ hơn là cách giải trình của ông Chủ tịch UBND xã Lý Trạch sau đó. Trước sóng gió của dư luận, ông đã lên tiếng phân bua rằng do cùng thời điểm, tại xã Lý Trạch có tới 5 đám cưới, nên đám cưới của con bà chủ tịch Hội phụ nữ xã “không biết dựng rạp tại đâu”. Lại không gần nhà hàng, nên đành phải bắc rạp tại sân trụ sở UBND xã.

Lời giải thích này thật khó nghe, nó hoàn hoàn mang tính chất bao biện, lấp liếm. Lý Trạch là một xã miền núi, đất rộng người thưa. Xưa nay, những đám cưới thường được dựng rạp ngay tại nhà chủ, nếu chật thì có thể nhờ các nhà hàng xóm cạnh đó. Trong xã, dù có diễn ra 5 chứ 50 đám cưới, vẫn thừa chỗ dựng rạp. Hơn thế nữa, việc tổ chức cưới cheo ở nhà quê mà có kèm theo ăn uống, thì cỗ bàn đa số là do bà con nội ngoại của cô dâu, chú rể tham gia nấu nướng, chứ ít khi phải đặt nhà hàng bên ngoài.

Phải chăng việc bà chủ tịch hội phụ nữ chiếm sân trụ sở UBND xã để dựng rạp cưới con, chỉ là để giải quyết khâu “oai”, khiến đám cưới trở thành phản cảm, gây sóng gió trong dư luận?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm