| Hotline: 0983.970.780

Làm cán bộ phải biết xấu hổ

Thứ Hai 07/10/2019 , 13:59 (GMT+7)

TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam: 'Nếu Quy định số 205-QĐ/TW ra đời sớm hơn thì chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian 'dọn dẹp rác rưởi', vất vả bắt 'sâu bọ'… như mấy năm vừa qua'.

Ông Nhị Lê là một trong những người tham gia xây dựng và tu chính Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

nhi-le3141832192
Nhà báo, TS Nhị Lê. Ảnh: Minh Phúc.

“Công tác cán bộ là gốc, là căn cơ, nếu chúng ta làm tốt thì bệnh hoạn của cán bộ, sự xộc xệch của bộ máy tổ chức cán bộ, của sự tha hóa và thoái hóa quyền lực trong công tác cán bộ sẽ được cảnh báo, bị khắc chế, bị ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Lẽ tất nhiên, không thể kỳ vọng các quy định có thể bít kín ngay được hết mọi khe hở cuộc sống. Nhưng ở thời điểm trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp thì rõ ràng, đây là một Tuyên ngôn, một Cương lĩnh hành động, một Danh dự và một Uy tín trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị Trung ương Đảng”, nhà báo Nhị Lê mở đầu cuộc trò chuyện.
 

Nếu buông lỏng sự giám sát của nhân dân, sẽ có những kẻ sâu mọt lẻn vào bộ máy

Thưa ông, những khái niệm công tác cán bộ, giám sát quyền lực hay dân chủ lâu nay chúng ta nói đến khá nhiều, nhưng cảm giác vẫn chưa thực sự rõ ràng. Có một sự mơ hồ trong bối cảnh cán bộ tha hóa, tham ô, tham nhũng và vô vàn bất cập, mờ ám trong lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ. Rõ ràng nhân dân cần cụ thể hơn nữa, minh bạch hơn nữa. Ông có nghĩ rằng Quyết định 205 là một “phương thuốc” thực sự để kiểm soát quyền lực hay không?

Tôi mạnh dạn gọi Quy định 205 là một Tuyên ngôn về chính trị của Bộ Chính trị trên một lãnh địa hết sức quan trọng là cán bộ và công tác cán bộ. Nói rộng ra, đó là Tuyên ngôn về công tác xây dựng Đảng, mà công tác cán bộ là khâu then chốt, trong thời kỳ mới, thời kỳ chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Tôi quan sát 20 năm nay, trong nhiều quyết định của chúng ta trên nhiều phương diện xung quanh công tác xây dựng Đảng, có thể nói Quy định 205 lần này là căn cơ nhất, gốc rễ nhất. Lần đầu tiên Đảng đặt vấn đề công tác cán bộ là một quyền lực, chính thức xác định ở một văn bản có tính chất quy phạm trong Đảng. Và, đã là quyền lực thì không thể không kiểm soát.

Nếu những quy định về vấn đề cán bộ trước đây thường chỉ giải quyết được phần thân, phần ngọn, khi đảng viên vi phạm rồi mới xử lý thì quy định lần này mang tính chất gốc rễ, căn cơ để giải quyết vấn đề.

Điều kỳ thú mà tôi rất thích là các quy định trước đều do Thường trực Ban Bí thư ký, nhưng đối với Quy định 205, đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ký. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói rồi: Sau khi có đường lối đúng thì quyết định thành bại là ở cán bộ. Đó là sự tiếp nối của Tư tưởng Bác Hồ: Công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém. Thực tiễn chỉ ra rằng, sau khi có đường lối đúng thì nắm được khâu then chốt là cán bộ và công tác cán bộ sẽ có tất cả.

Và đó cũng là cơ sở vực dậy lòng tin của nhân dân, lòng tin mà ông vẫn thường hay gọi là quốc bảo của dân tộc?

Tôi khu biệt tối thiểu 5 mối quan hệ mà Quy định này phải giải quyết. Thứ nhất là mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân cán bộ, thứ hai là cá nhân cán bộ với tổ chức làm công tác cán bộ, thứ ba là cán bộ cấp trên và cấp dưới làm công tác cán bộ, thứ tư là cán bộ và cán bộ cấp trên trực tiếp hoặc cao hơn nữa, thứ năm, điều quan trọng nhất là mối quan hệ giữa tổ chức công tác cán bộ và nhân dân.

Nếu 4 mối quan hệ trước là trong nội bộ của Đảng thì mối quan hệ thứ 5 giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và nền móng của Đảng là nhân dân. Xưa nay người ta nghĩ công việc của Đảng chỉ là của Đảng, nhưng không phải. Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh rằng phải dựa hẳn vào dân để xây dựng Đảng. Đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Không có nhân dân thì không có gì cả. Sự nghiệp này là của nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng. Đảng dẫn dắt dân tộc, dẫn dắt nhân dân cho nên ở Quy định này bao hàm những điểm rất mới, điểm vượt tầm so với những quy định trước.

nhi-le2141831315
Nhà báo, TS Nhị Lê trao đổi cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Nói đến nhân dân, chúng ta vẫn thường nói, phát huy dân chủ là biện pháp giám sát quyền lực, nâng cao vai trò giám sát xã hội. Nhưng thực tế từ trước đến nay, vai trò của giám sát xã hội dường như chưa được như kỳ vọng. Có một điều dễ nhận thấy, trong công cuộc “đốt lò”, quá nhiều cán bộ lãnh đạo, những người đứng đầu cơ quan đơn vị vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng ta nói “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, nhưng cơ chế dường như cũng chưa đủ mạnh thực sự. Quy định 205 liệu có giải được bài toán này không, thưa ông?

Tôi nghĩ, để kiểm soát quyền lực, cơ chế gồm có ba thành tố: Đảng cương, Quốc pháp và điều quan trọng bậc nhất là việc giám sát của nhân dân, rộng ra là Lòng Dân.

Thực ra điều này đã thể hiện trong trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng đối với dân tộc. Lâu nay, chúng ta cứ nói mãi về kiểm soát quyền lực chính trị, trực tiếp ở đây là công tác cán bộ, nhưng kiểm soát như thế nào? Không thật rõ. Quy định 205 là một sự rõ ràng trong vấn đề xử lý trách nhiệm bằng cơ chế phù hợp, với 5 mối quan hệ như tôi vừa nói. Trách nhiệm đến đâu thì kiểm soát đến đó, quyết không để bất cứ một trách nhiệm nào không trong vòng kiểm soát cả.

Trong 3 thành tố nói trên, trong Đảng có các quy định, các điều lệ, pháp luật thì rõ rồi, còn vai trò giám sát của nhân dân là vấn đề khó khăn nhất.

Cán bộ ta phải mang nhiều tư cách, đứng ở nhiều cương vị . Còn đương chức thì chịu sự giám sát của toàn thể cán bộ công chức ở cơ quan. Rời khỏi đơn vị đi công tác nước ngoài hoặc về nơi cư trú là giám sát của tổ dân phố, của đại sứ quán.

Đây là lãnh địa mà xưa nay chúng ta có phần coi nhẹ. Khoảng 10 năm trở lại đây khi thực hiện Chỉ thị số 76 của Bộ Chính trị về đảng viên sinh hoạt 2 chiều cũng có những bước tiến thể hiện vai trò giám sát nhưng vẫn còn nặng về hình thức.

Có thể nói, quy định lần này trong việc giám sát quyền lực cán bộ bao hàm cả vai trò giám sát xã hội, giám sát mọi nơi, mọi lúc. Nhưng theo tôi vẫn cần phải ban hành thêm quy định khác để làm rõ hơn vị thế, vai trò và trách nhiệm giám sát nhân dân, giám sát xã hội. Không chỉ về mặt pháp lý mà còn cả về mặt đạo lý.

Tôi lại kể một câu chuyện bản thân trực tiếp chứng kiến. Có một anh Vụ trưởng nọ, cơ quan tổ chức làm thủ tục để đề bạt anh ta lên làm Thứ trưởng, nhưng điều hết sức bất ngờ là bố anh ta, vốn từng là một cán bộ cao cấp, lại đi gặp những người làm tổ chức nói: Không được đâu, tôi đẻ nó ra tôi biết, cứ để nó làm Vụ trưởng thôi, đưa lên Thứ trưởng làm hỏng mất nó đấy. Quả nhiên vị Thứ trưởng vào tù. Ông bố vị ấy nói với bố tôi và lại nói với những người làm tổ chức: Có 2 điều tôi bất ngờ về con mình. Một là nó leo lên được cao như thế, hai là không nghĩ nó giàu thế.

Kiểm soát nhân dân bắt đầu từ những việc như thế. Hãy để nhân dân, trước hết là người thân của anh xem anh có xứng đáng không. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “đừng để nhân dân khinh”. Tôi mong có thêm những quy định khác về cán bộ với nhân dân, để nhân dân có thể thật sự tham gia, phát huy vai trò kiểm soát quyền lực. Bởi nếu buông lỏng sự giám sát nhân dân sẽ tiếp tục có những kẻ sâu mọt lẻn sâu vào bộ máy của chúng ta.
 

Lý nào nhân dân không kiểm soát được công bộc của mình

Từ câu chuyện giám sát của nhân dân, có ý kiến cho rằng cần công khai quy hoạch nhân sự Trung ương để tránh những “râm ran tin đồn”, “ông này, ông kia sẽ vào cấp ủy”, để nhân dân có thể biết được mình sẽ bỏ phiếu cho người như thế nào, ông nghĩ sao?

Tôi đề nghị trong phạm vi cho phép và khả năng có thể, chúng ta công bố về cán bộ và công tác cán bộ ở những khâu cần thiết , tôi nhấn mạnh, để nhân dân giám sát. Công bố về tài sản, về thân nhân và nhân thân của cán bộ. Nếu anh sợ lộ bí mật đời tư, không chấp nhận thì thôi, mời anh ra khỏi quy hoạch xây dựng bộ máy. Công minh chính đại, đại đạo chính nghĩa, tự nguyện làm công bộc của nhân dân, thử hỏi sợ gì?

nhi-le1141830411
Ảnh: Minh Phúc.

Trước mắt anh cung cấp cho tôi nhân sự dự kiến dưới cấp Trung ương, các cấp tỉnh thành, quận huyện... Ở tỉnh nào anh công bố ở tỉnh đó để cho người ta biết, người ta giám sát. Như tôi nói là lựa chọn một thang bậc trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, như Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Tỉnh ủy phải công bố.

Tuy nhiên, theo tôi, căn cơ để lựa chọn được cán bộ tốt thì một ngày nào đó chúng ta phải tổ chức tranh cử trong Đảng. Phải vượt qua được sự kiểm soát. Bầu Bí thư cần phải có cương lĩnh tranh cử đàng hoàng, có chương trình hành động đàng hoàng... Tranh cử trong Đảng sẽ thúc đẩy dân chủ, nâng cao quyền lựa chọn của dảng viên, tức là tăng cường giám sát quyền lực.

Cần phải nhớ rằng có những quy chế tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Không có điều gì giấu được nhân dân cả. Anh không xứng đáng là một người cha tốt trong gia đình, không xứng đáng là công dân tốt ở khu phố thì chắc chắn không thể trở thành một cán bộ tốt. Tôi chưa thấy ai sống tệ bạc với vợ con, bất kính với cha mẹ, không tốt với cộng đồng dân cư mà lại trở thành người lãnh đạo mẫu mực cả. Máu thịt không thương thì đừng nói đến thương đồng chí của mình. Hắt hủi vợ con thì chắc chắn không sống tốt được với bạn bè. Nếu có chăng thì họ phân thân rất giỏi và chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu.

Minh bạch và giám sát, chúng ta có cả những quy định về kê khai tài sản rồi đó thôi, thưa ông? Chỉ có điều có người kê khai biệt phủ từ buôn chổi đót, người cầm hối lộ những 3 triệu USD nhưng giờ không biết ở đâu, rồi nhan nhản những nhà lầu, đất đai, thậm chí là tiền bạc ở nước ngoài...

Hình thức. Không ai giám sát được tài sản cả. Cho nên tôi đề nghị đối với tài sản phải kiểm tra thường kì đột xuất, những vi phạm về việc kê khai tài sản lập tức đưa ra khỏi bộ máy, tới mức vi phạm luật thì pháp luật xử lý. Khiếp sợ ngay.

Giám sát kê khai tài sản đòi hỏi đồng bộ, chứ vẫn còn tiêu tiền mặt thì không kiểm soát được đâu. Mơ ước kiểm soát cái này thì phải là xây dựng nền kinh tế số, tức là trong đó không dùng tiền mặt. Chúng ta nhất định phải làm. Trong tài khoản có tiền mà không giải trình được thì tịch thu. Tất cả cần sự đồng bộ và thống nhất giữa Đảng và Nhà nước cùng toàn xã hội.

Việc công khai chính là tôn trọng nhân dân, tôn trọng đảng viên, bởi vì đó là những căn cứ để đảng viên lựa chọn ra cơ quan lãnh đạo của mình, để nhân dân lựa chọn lấy công bộc xứng đáng cho mình và của mình. Đó chính là một biểu hiện của việc kiểm soát quyền lực, để ngăn chặn tất cả những vùng tối, những nẻo khuất của công tác cán bộ và cán bộ. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Công khai luôn là thanh bảo kiếm tự nó sẽ chữa lành những vết thương do nó gây ra. Xưa nay, những điều đó thường bị bỏ quên, hoặc cố tình quên, hoặc nghĩ tới rồi nhưng chưa đủ sức để làm.
 

Làm cán bộ phải biết xấu hổ

Với Quy định 205, Bộ Chính trị nghiêm cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ, xử lý hình sự việc đưa hối lộ chạy chức chạy quyền. Đó đều là những vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội bấy lâu nay và việc Bộ Chính trị “gọi tên” trực diện, thẳng thắn như vậy sẽ rất đáng để nhân dân kỳ vọng. Nhưng sẽ là một công cuộc vô cùng gian nan, thưa ông?

Thực tế, Quy định này không chỉ kiểm soát quyền lực cán bộ mà với cả quyền lực của cán bộ có trọng trách làm công tác cán bộ. Cực kỳ nhạy cảm. Cực kỳ khó khăn.

Vì vậy, đối với những người có trọng trách phụ trách công tác cán bộ, tôi chỉ xin họ thực thi nghiêm cách 10 chữ thôi: Trung thực - Dũng cảm - Trách nhiệm - Trong sạch - Liêm sỉ.

Trung thực là yếu tố tiên quyết bởi vì làm công tác cán bộ mà không trung thực thì là dối trá. Không trung thực có nghĩa là anh lừa dối Đảng, bội thề với Đảng. Anh lừa dối cấp trên, cấp dưới. Đôi khi là “yêu nên bụt ghét ra ma”, một quyết sách tham mưu của người làm công tác cán bộ cho lãnh đạo không trung thực có thể giết một đời cán bộ, có thể phá tan cả bộ máy.

Làm công tác cán bộ cần sự dũng cảm và trong sạch và trách nhiệm. Cái đúng không bảo vệ, cái sai không đấu tranh, thấy người tài hơn mình không giới thiệu thì cũng hỏng. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh, liêm sỉ là rường cột nhân cách, là nền móng đạo đức của cán bộ. Liêm sỉ là chiều sâu nhất mà cổ nhân ta luôn coi trọng, tức là phải biết xấu hổ. Hàng nghìn năm trước cha ông đã nói rồi, “người không có liêm sỉ thì không thành người được”, mà đã không thành người được thì lấy đâu ra trung thực, dũng cảm, trách nhiệm, trong sạch....

Tham nhũng đáng sợ và tham nhũng quyền lực đáng sợ khủng khiếp. Tại sao lại chạy chức chạy quyền. Bởi vì dùng tiền để đầu tư mua quyền mua chức để rồi quyền lại đẻ ra tiền. Kiểm soát thật chặt vấn đề này, để thể không mua quan bán tước, để không dám chạy chức chạy quyền. Quả là hết sức khó khăn.

nhi-le4141832899
Ảnh: Minh Phúc.
Trong vấn đề Đảng cầm quyền, gồm rất nhiều phương diện. Đảng cầm thời là nắm được thời thế. Đảng cầm đạo là cầm lấy con đường đi của đất nước. Đảng cầm cương thì nắm chắc Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và chủ trì xây dựng và nêu gương thực thi Quốc pháp. Đảng cầm tướng, tức là kiến tạo và nắm lấy đội ngũ cán bộ lãnh đạo chiến lược của Đảng, của Nhà nước và của toàn hệ thống chính trị chứ Đảng không cầm quân. Và hơn hết vẫn là Đảng cầm tâm, tức cầm lấy lòng người. Lãnh đạo phải thuyết phục được lòng người, đức tin chính là đạo đức vậy. Pháp trị kết hợp với đức trị, mà tôi nói nhiều lần, một phần cơ bản ở chính chỗ này.

Thực tiễn từng xảy ra, cứ đến đại hội, một là huyên náo như chợ, hai là “nhất ngồi lì nhì lặng im” không nói gì cả để giữ mình. Một nhiệm kỳ 5 năm, năm đầu làm quen, năm thứ hai biết việc, năm thứ ba nhúc nhích, năm thứ tư ngồi im đến năm cuối cùng hoàn toàn im lặng.“Ngồi im mà chạy, chạy mà ngồi im”, trước “trận đánh” đôi khi có thể nghe được cả tiếng côn trùng. Những đợt sóng ngầm âm thầm nhưng sôi sục. Anh ngồi im nhưng vợ con, đệ tử anh lại chạy. Đường dây đường rợ, khe trên khe dưới... Nếu không kiểm soát được vấn nạn này thì lấy đâu ra cán bộ tốt, lấy đâu ra tổ chức tốt. Cơ đồ theo đó mà nguy nan.

Nhân nói đến liêm sỉ cán bộ, yếu tố cổ nhân cho là chiều sâu nhất, nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, nếu có liêm sỉ thì không thể có chạy chức chạy quyền, có liêm sỉ thì không thể “cả họ làm quan”, có liêm sỉ thì không nâng điểm cho con, không nhận hối lộ để rồi trước cơ quan điều tra bố bảo đưa tiền con bảo không nhận... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây nói rằng “có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng tham thế, chưa làm gì đã nghĩ đến chấm mút”, ông nghĩ sao?

Cách đây tròn 30 năm, trên báo Nhân Dân, tôi viết bài “Các Chi bộ họ ta”. Mấy tháng sau tiếp tục viết “Các Đảng ủy họ ta”. Và đến nay, qua 30 năm, tình trạng ấy nặng quá. Hình như chúng ta buông trôi vấn đề này. Nay thì, “Bố quan, con bố cũng phải quan”, “Thường vụ Huyện ủy họ ta”, thậm chí cả họ làm quan. Tôi chứng kiến nhiều cuộc họp cấp ủy biến thành họp họ. Dòng họ kéo bè kéo cánh trong Đảng, tạo nên những sự cát cứ dòng họ, cát cứ thân tộc, thậm chí là cát cứ phường hội ở trong Đảng...

Từ xa xưa vấn đề này đã nhức nhối nên mới có Luật "Hồi tỵ". Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ cấm quan lại lấy vợ tại nơi làm quan, nhằm "ngăn chặn từ xa" tình trạng các quan vợ "chỉ huy" các quan chồng, nhằm thao túng quyền hành. Vua Minh Mạng cấm cha con, anh em ruột, anh em con chú con bác với nhau, những người có quan hệ thông gia, thầy trò, đồng môn, người cùng quê quán… cùng làm quan tại một công đường...

Bác Hồ cũng từng nói: Việc của Đảng chứ không phải việc của họ nhà nào. Kỳ thực là lâu nay, tôi không dám nói là tránh nhưng mà dường như coi nhẹ vấn đề này. Râm ran từ Bắc chí Nam, khoảng 15 năm nay thành ra như cả một tử dịch làm nhân dân xao xuyến, dư luận râm ran, thậm chí phẫn nộ.

Nhiều nơi kéo bè kéo cánh khuất tất tối tăm, gây bè kết mối bất chấp cả dư luận, khiến bao người tài bỏ đi, làm cho bộ máy xộc xệch, cái đáng sợ làm cho muôn dân nổi giận. Bất minh, bất chính, bất nghĩa, bất công là nằm ở chỗ này. Nhân - Lễ - Liêm - Sỉ là 4 sợi dây cấu tạo nên một nền tảng đạo đức xã hội. Thiếu một dây thì nước nghiêng, thiếu hai dây thì nước nguy, thiếu ba dây thì nước đổ, thiếu bốn dây thì nước diệt.

Ngày xưa, nhiều bậc tiên hiền, sĩ phu từ quan vì họ có liêm sỉ. Nhưng bây giờ hiếm có chuyện từ chức lắm, là vì nhiều quan “đi ngang về tắt”, lén lút quan trường, rồi “bổ nhiệm thần tốc”, “nhân danh quy trình”… vì chạy chức, chạy quyền, thậm chí cả mua quan bán tước... Năm 1949, Cụ Hồ nói tới “đạo vị” (tức là ăn trộm chức vụ). Chạy chức chạy quyền chính là hành động ăn trộm chức vụ, như Cụ Hồ chỉ thẳng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo tôi, Quy định 205 rất căn cơ, có tính chất nền tảng, không chỉ là một quyết tâm chính trị mà là một hành động chính trị có ý nghĩa thành bại, tồn vong trong toàn bộ việc kiến tạo đội ngũ cán bộ của chúng ta.

Với Quy định 205, công tác cán bộ trở thành công tác vô cùng sinh tử, thành bại của cách mạng. Cán bộ cũng là hạt nhân của toàn bộ công tác đổi mới của Đảng. Cán bộ là trung tâm của mọi quyết sách chính trị, nhân tố quyết định thành bại của mọi quyết sách chính trị, điểm hạt nhân để nhân ra toàn bộ những quyết sách của Đảng vì sự phát triển của dân tộc. Công tác cán bộ trở thành nhân tố quyết định sự phát triển.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…