Nằm trong chuỗi Lễ hội Quýt hồng Lần thứ I do Báo Nông nghiệp Việt Nam và UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức, đã diễn ra Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Quýt hồng”. Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng cây có múi là 8.056 ha, trong đó riêng huyện Lai Vung có diện tích là 5.776 ha, chiếm 72% diện tích trồng toàn tỉnh, chủ yếu là quýt hồng, quýt đường và cam xoàn.
Theo đó, huyện Lai Vung có hơn 2.000 ha quýt, trong đó có trên 840 ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30-50 tấn trái/ha. Từ lâu, quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản có tiếng ở vùng ĐBSCL và là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp khi thương hiệu quýt Lai Vung đã "phủ sóng" tại nhiều thị trường trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều vườn quýt đã già cỗi, năng suất, chất lượng đều giảm. Nông dân cho biết, canh tác cây quýt trên 20 năm thì năng suất có thể giảm khoảng 30%, trái nhỏ, màu sắc không đẹp, do vậy, giá bán không cao.
Trải qua những năm vàng son, giá quýt hồng có thời điểm cao ngất ngưởng nhưng đến thị trường tết Nguyên đán năm 2016 giá quýt thấp, đầu ra thu hẹp khiến cho những người trồng quýt hồng phải nhói lòng. Vụ quýt tết năm 2016, lượng trái còn tồn đọng rất nhiều tại vườn. Nếu vụ tết năm 2015, vào đợt cao điểm giá quýt từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, được thương lái đặt hàng khá sớm từ đầu tháng chạp âm lịch. Tết Nguyên đán 2016, giá chỉ còn từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Mặc dù nông dân trồng quýt có lãi nhưng mức lãi thấp.
Quảng bá thương hiệu quýt hồng, ông Nguyễn Văn Tồn - Phó Trưởng phòng NT-PTNT huyện Lai Vung cho biết, Phòng NN-PTNT đã cung cấp nhãn cho một số nhà vườn (chủ yếu thành viên Tổ Liên kết sản xuất quýt hồng) dán vào trái quýt trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.
Theo bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, tổ Liên kết sản xuất quýt hồng muốn đạt chứng nhận VietGAP bắt buộc cần phải có nhà sơ chế và đóng gói quýt hồng. Vì vậy, tỉnh và huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng. Nhưng với trái quýt hồng không thể hái xong rồi mang đến nhà sơ chế rửa như các loại trái cây khác được. Huyện đã hỗ trợ người dân dán nhãn cho trái quýt, ngoài dán trên trái quýt, địa phương triển khai dán trên các thùng quýt để quảng bá thương hiệu.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề tài “Cải thiện phẩm chất trái quýt hồng huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì. Qua đó, đưa vào sản xuất giống quýt hồng mới ngoài những đặc tính tốt hiện có được giữ nguyên. Đồng thời, chỉ có tối đa 5 hạt/trái, hàm lượng dịch trái trên 30%, chỉ số TSS/TA trên 15) và phải có tính ổn định.
Song song đó Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mới đề tài “Nghiên cứu biện pháp tổng hợp phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ và héo xanh trên cây quýt hồng” do Trường Đại học Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ chủ trì.
Còn theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, để cây quýt tỉnh Đồng Tháp giữ vững được thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Đồng thời, nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng được thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, chuỗi giá trị cây quýt, đặc biệt và công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt cần được quan tâm và nghiên cứu để thấy được bức tranh tổng thể về ngành, về đa dạng thị trường. Song cần bảo quản và phong phú sản phẩm giúp vận chuyển sản phẩm xa, ổn định chất lượng và đầu ra cho trái quýt từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.