Trải qua 3 năm quyết tâm phục hồi lại diện tích quýt hồng bị nhiễm dịch bệnh vàng lá thối rễ và héo xanh của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, đến nay hầu hết diện tích quýt hồng Lai Vung đã hoàn toàn “sạch” bệnh. Đây là cơ sở để UBND huyện Lai Vung tự tin tổ chức Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023.
Sự kiện do Báo Nông nghiệp Việt Nam và UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức, với mục tiêu quảng bá rộng rãi hình ảnh địa phương và sản phẩm quýt hồng đến các doanh nghiệp, người dân trong khu vực và cả nước. Từ đó, khẳng định tiềm năng phát triển của quýt hồng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông sản theo chiều sâu và bền vững. Góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị đến người dân huyện Lai Vung về phát huy tiềm năng, khơi dậy nguồn lực và khát vọng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất Ban tổ chức mong muốn gửi gắm, thông qua sự kiện nhằm tôn vinh giá trị cũng như tinh thần kiên trì “bám đất, bám cây” của nhiều bà con trồng quýt hồng của huyện Lai Vung.
Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Khát vọng vươn lên” sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 5 – 8/1/2023 với hơn 15 hoạt động nổi bật, ý nghĩa như: tuyển chọn biểu trưng (logo) huyện Lai Vung, diễu hành quảng bá lễ hội, không gian trưng bày sản phẩm, hội thi cây quýt hồng đẹp, vườn quýt hồng kiểu mẫu, mâm ngũ quả đẹp, vẽ tranh thiếu nhi “mùa quýt quê em” và các trò chơi dân gian... tạo không gian văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch, dịp Tết đến xuân về cho bà con nông dân trong huyện và du khách gần xa đến với Lai Vung.
Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, còn có hoạt động tổ chức đoàn famtrip tham quan các điểm du lịch cộng đồng, làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP… để du khách tìm hiểu về những thế mạnh, tiềm năng du lịch của huyện Lai Vung. Qua đó ghi nhận ý kiến của du khách để hoàn thiện các sản phẩm du lịch của địa phương đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển mới.
Hiện nay, Ban tổ chức lễ hội đã công bố danh sách 8 vườn quýt trên địa bàn huyện để phục vụ du khách đến tham quan, bao gồm: Vườn quýt hồng Hưng Phát, Lan Anh, Ba Liên, Văn Tánh, Hai Kiệt, Hồng Danh, Út Hớn và Linh Trang.
Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện lần này là Hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng” diễn ra lúc 10 giờ ngày 5/1/2023 và Tọa đàm “Quýt hồng - tiềm năng của địa phương và cơ hội mới cho khách hàng” tổ chức lúc 8 giờ 30 phút ngày 8/1/2023. Hai hoạt động này với mục tiêu tìm ra giải pháp công nghệ, quy trình sản xuất và quy trình chăm sóc, khắc phục các bệnh trên cây quýt hồng. Từ đó, nghiên cứu bảo tồn quýt hồng Lai Vung, thúc đẩy trao đổi sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ quýt hồng.
Tất cả các hoạt động xuyên suốt của lễ hội sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lai Vung.
Năm 2012, quýt hồng Lai Vung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Toàn huyện hiện có trên 200 ha quýt hồng với sản lượng khoảng 5.000 tấn, đảm bảo phục vụ Tết Nguyên Đán năm 2023. Hiện nay, các nhà vườn đang phát triển mô hình trồng quýt hồng theo hướng VietGAP, canh tác hữu cơ, nhờ đó, chất lượng quýt hồng được đảm bảo: trái không bị khô đầu, giữ được lâu. Nếu trưng trong gia đình ngày Tết có thể để được hơn 20 ngày.