Song thực tế hiện nay nghề câu vàng cá ngừ ở Phú Yên ngày càng trở nên phập phồng, trước nghề câu tay kết hợp ánh sáng áp đảo.
Vậy đâu là hướng đi của nghề câu cá ngừ Phú Yên?
Nghề câu vàng ngày càng thu hẹp
Nghề câu cá ngừ ở Phú Yên bắt đầu từ năm 1994 do ông Trần Văn Liên, làng biển Phú Câu thuộc phường 6, TP Tuy Hòa phát hiện ra. Tàu ông Liên trong một chuyến đi đánh cá chuồn vô tình kéo lưới dính giàn câu của một số tàu Đài Loan, Nhật trong đó có nhiều con cá ngừ mắc câu. Và, từ chính những đoạn dây câu này, ngư dân Phú Yên đã nghiên cứu và cải tiến làm ra những vàng câu dài từ 20 - 30 hải lý, có từ 600 - 800 lưỡi câu.
Nghề câu vàng cá ngừ ở Phú Yên ngày càng thu hẹp |
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ khi cá ngừ đại dương được xuất khẩu, giá trị kinh tế của nó tăng lên nên ngư dân càng phát triển nghề câu vàng cá ngừ. Có thời điểm toàn tỉnh có hơn 500 tàu câu vàng cá ngừ, sản lượng 2 - 3 tấn/chuyến biển, giá cá bán trung bình 170.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao cho ngư dân.
Thấy vậy ngư dân nhiều tỉnh như Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi… học hỏi ngư dân Phú Yên và phát triển nghề câu cá ngừ. Từ đó đã lan rộng và hình thành nghề câu cá ngừ đại dương ở nước ta cho đến hôm nay.
Trải qua nhiều năm, hiện nay nghề câu vàng ở Phú Yên ngày càng thu hẹp do các tỉnh phát triển câu cá ngừ bằng đèn (câu tay kết hợp ánh sáng), đã làm sáng cả vùng ngư trường nên câu vàng cá không ăn câu nữa. Vì vậy, ngư dân Phú Yên tiếc nuối cho nghề câu vàng.
Một tàu câu vàng (bên phải) ở Phú Yên |
Hiện nay sản phẩm cá ngừ câu vàng ở Phú Yên được đánh giá cao hơn 20 - 30% so với nghề câu đèn ở các tỉnh khác. Bởi khi câu đèn cá vùng vẫy mạnh trước khi đưa lên tàu gây phản ứng duỗi cơ, tạo ra axit phôtphoric; đồng thời quá trình phân giải của glucozel tạo ra axit lactic tích tụ ở cơ thịt của cá, làm độ pH trong thịt cá giảm. Chính axít này đã khiến cho thịt cá bị mềm, có vị đắng, chuyển từ màu đỏ tươi sang tím bầm. |
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, so sánh giữa 2 nghề câu: Nghề câu vàng có tính chọn lọc cao nên không tàn phá nguồn lợi và môi trường, ít chi phí năng lượng. Hơn nữa, nghề câu vàng có thể câu nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá kiếm, cờ… Còn câu bằng đèn chỉ câu được duy nhất là cá ngừ. Bên cạnh đó, sản phẩm cá câu vàng có giá trị cao hơn câu đèn từ 30 - 40% nếu bảo quản tốt và thường đạt tiểu chuẩn xuất khẩu hơn câu bằng đèn. Cho nên giữa câu vàng và câu đèn tôi thấy câu vàng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan như lao động ngày càng khan hiếm (câu vàng cần lao động gấp đôi câu đèn) và nghề câu đèn phát triển đã thu hẹp ngư trường đánh bắt câu vàng. Do vậy, trong số 500 tàu đánh bắt cá ngừ ở Phú Yên hiện chỉ còn 16 tàu giữ được nghề truyền thống câu vàng.
Áp dụng KHKT trong khai thác
Dù biết lợi thế của nghề câu vàng, tuy nhiên để gìn giữ và phát huy thế mạnh là cả một vấn đề lớn, vì phải phụ thuộc vào yếu tố cốt lõi đó là hiệu quả chuyến biển. Do vậy tỉnh Phú Yên không đặt mục tiêu vực dậy nghề câu vàng, mà tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo hiệu quả nghề câu cá ngừ.
Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ và cho phép nghề khai thác cá ngừ bằng câu tay kết hợp ánh sáng hoạt động, nhưng có cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay tại Phú Yên, ngư dân đã dần thử nghiệm các tiến bộ KHKT để tăng năng suất và hiệu quả chuyến biển như dùng sock điện, hầm ngâm hạ nhiệt, hầm bảo quản bằng xốp thổi PU, đèn led... đề nâng giá trị sản phẩm.
|
Chất lượng cá ngừ câu vàng tốt hơn câu đèn nên giá bán cũng cao hơn |
Do vậy, sản phẩm cá ngừ Phú Yên vẫn đang từng bước khẳng định và mở rộng thị trường nhiều nước. Theo thống kê, trong năm 2016 sản lượng cá ngừ vây vàng và mắt to toàn tỉnh là 4.212 tấn, trong đó khoảng gần 50% sản phẩm cá ngừ Phú Yên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU… với 4 DN chủ lực trên địa bàn có năng lực chế biến cá ngừ xuất khẩu như Hồng Ngọc, Lợi Anh, Bá Hải, Trang Thủy.
Cũng theo ông Phương, bên cạnh áp dụng KHKT trong khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức lại khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
Nâng cấp, cải hoán tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ đại dương; chú trọng đầu tư, nâng cấp máy tàu có công suất nhỏ hơn 400CV thành tàu từ 400CV trở lên, trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm, thông tin liên lạc hiện đại. Khuyến khích các DN Phú Yên sử dụng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu tập thể cá ngừ đại dương Phú Yên “PHU YEN TUNA”...
Trong năm 2016, tỉnh Phú Yên hỗ trợ, vận động ngư dân đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp, cải hoán 465 tàu. Đến năm 2020 sẽ đóng mới 315 tàu, nâng cấp, cải hoán 705 tàu cá theo hướng hiện đại. Hoạt động đánh bắt ở giai đoạn này chủ yếu tập trung vào hai nghề chủ lực là câu cá ngừ đại dương và lưới vây. |