Ngư dân Bình Định trúng mùa cá ngừ đại dương trái vụ |
Ngược lại, những tàu hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa đang trong chính vụ nhưng làm ăn thất bát, ngư dân đói dài.
Mùa cá trái vụ, trúng mùa được giá
Theo ngư dân Bình Định, niên vụ đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD) bắt đầu từ tháng 10 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 3 âm lịch năm sau. Hiện đã cuối tháng 6 âm lịch, chính vụ đánh bắt đã qua, nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên trong chuyến biển gần đây, các tàu khai thác đạt hiệu quả. Theo ông Trần Văn Phúc, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định, sản lượng khai thác CNĐD của ngư dân trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 6.900 tấn, tăng 43% so cùng kỳ năm 2016.
Ngư dân Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), chủ 2 tàu cá mang số hiệu BĐ 96776 TS (420CV) và BĐ 97587 TS (720CV) chuyên đánh bắt CNĐD, cho biết: “Chuyến biển 2 tàu cá của tui cập bờ gần đây nhất vào ngày 13 tháng 5 âm lịch vừa qua. Mỗi chiếc đánh bắt được 24 con CNĐD, bình quân 40kg/con, bán được 94.000đ/kg, mỗi thuyền viên chia được hơn 5 triệu đồng. Dù không phải chính vụ đánh bắt nhưng biển dày cá. Ít có năm nào trái vụ mà đánh bắt sản lượng đạt cao như năm nay”.
Lão ngư Nguyễn Văn Việt ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) cho biết thêm: Hiện tuy không còn chính vụ, cá đánh bắt không được nhiều, nhưng nhìn chung chuyến biển nào cũng đạt sản lượng khá, mỗi chuyến ngư dân được chia 5 - 6 triệu đồng. Thời điểm này năm ngoái tàu câu CNĐD nào đi đánh bắt hầu hết đều lỗ chứ không có thu nhập như năm nay.
“Tôi đang sở hữu 4 tàu vỏ gỗ chuyên đánh bắt CNĐD, gồm: BĐ 98217 TS, BĐ 97244 TS, BĐ 95686 TS và BĐ 96684 TS, chiếc nào cũng có công suất từ 400CV - 720CV. Chuyến biển vừa cập bờ vào ngày 13 tháng 5 âm lịch vừa qua, cả 3 chiếc tàu đều đánh bắt được trên 2 tấn CNĐD. Hiện tất cả 4 tàu đang đánh bắt ngoài khơi. Mấy năm nay nhờ giá CNĐD ổn định nên mùa cá trái vụ dù đánh bắt được ít hơn nhưng ngư dân vẫn kiếm ăn được”, ông Nguyễn Văn Việt bộc bạch.
Cá ngừ sọc dưa thất bát
Cũng tại thời điểm này, trong khi những tàu chuyên đánh bắt CNĐD phấn khởi bao nhiêu thì tàu chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa rầu rĩ bấy nhiêu. Bởi lẽ, từ đầu năm đến nay, dù biển xuất hiện rất nhiều các loại thủy sản khác nhưng riêng cá ngừ sọc dưa lại “vắng bóng”.
Những tàu lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa làm ăn thất bát do mất mùa |
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên tại các ngư trường, nhiều loại hải sản có gía trị kinh tế cao như mực, cá thu, CNĐD xuất hiện nhiều, đánh bắt đạt sản lượng khá cao, các loài cá nổi xuất hiện tại vùng lộng rất dày. Các tàu hành nghề lưới vây ánh sáng vùng lộng, mành chụp đạt năng suất ổn định, sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấy vậy nhưng riêng cá ngừ sọc dưa thì rất vắng, hầu hết những tàu cá hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở Bình Định từ đầu năm đến nay đều làm ăn thất bát!
Ông Trần Văn Phúc cho biết: “Sản lượng khai thác thủy sản của Bình Định trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 90.000 tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ, riêng sản lượng cá ngừ sọc dưa chỉ ước đạt 14.500 tấn, kém rất xa so cùng kỳ năm trước”.
Hơn ai hết, lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1957) ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), người đang “cầm chịch” đội tàu cá 16 chiếc, tất cả đều hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa, đang rất thấm đẫm nỗi buồn mất mùa của loài cá này.
Ngư dân Bùi Thanh Ninh chia sẻ: “Không biết thời tiết biến đổi như thế nào mà từ đầu năm đến nay cá ngừ sọc dưa xuất hiện rất thưa, tất cả các tàu cá trong đội tàu của tui đều làm ăn thất bát. Trong 6 tháng vừa qua, chiếc tàu nào có chuyến biển trúng nhất cũng chỉ đánh bắt được 4 tấn cá ngừ sọc dưa, hầu hết các chuyến biển những tàu cá của tui chỉ đánh bắt được 1 - 2 tấn. Năm trước, đến thời điểm này, những thuyền viên đi bạn trong đội tàu của tui có thu nhập 70 - 80 triệu đồng thì năm nay do thường xuyên bị lỗ tổn nên thu nhập chẳng có là bao”...
+ “Ngoài yếu tố khách quan do thời tiết thay đổi nên cá ngừ sọc dưa xuất hiện không nhiều như các loài hải sản khác, còn có nguyên nhân khác là do ngày càng có nhiều tàu khai thác thủy sản xa bờ tham gia đánh bắt, khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Sản lượng đánh bắt cá ngừ sọc dưa đã giảm mạnh, vì lượng cá trên biển đã ít mà còn chia cho quá nhiều tàu”, lão ngư Bùi Thanh Ninh phân tích. + “Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng ở Bình Định đã cấp 1.937 giấy phép khai thác thủy sản, tăng 27% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó cấp mới 238 hồ sơ, cấp đổi và cấp lại 733 hồ sơ, gia hạn 966 hồ sơ; giấy phép chủ yếu được cấp cho các tàu cá hành ghề lưới vây và câu với 1.647 hồ sơ, chiếm 85% số tàu được cấp phép”, ông Trần Văn Phúc. |