| Hotline: 0983.970.780

Làm xoài sạch, truy xuất nguồn gốc

Thứ Năm 11/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Để phát triển xoài bền vững, tỉnh Khánh Hòa đã và đang hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng sạch, truy xuất nguồn gốc để rộng đầu ra tiêu thụ.

Cam Lâm là thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cam Lâm là thủ phủ trồng xoài ở Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Thăng.

Đầu ra quả xoài chưa bền vững

Huyện Cam Lâm là “thủ phủ” trồng xoài ở tỉnh Khánh Hòa, với diện tích lên đến trên 5.000 ha, năng suất trung bình khoảng 8 tấn/ha, sản lượng trên 44.000 tấn quả tươi/năm.

Ông Đặng Chí Liêm, Phó phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, cho biết, trong tổng số diện tích xoài trên, khoảng 3.000 ha là giống xoài Úc bao gồm trồng mới và cả ghép nêm đọt trên gốc giống xoài Canh nông (giống địa phương), còn lại là các giống xoài như cát Hòa Lộc, Tứ quý…

Đối với xoài Úc được du nhập vào Khánh Hòa từ năm 2003. Giống này có nhiều ưu điểm hơn so với giống xoài truyền thống.

Cụ thể, xoài Úc có hình dáng to tròn đều, màu sắc đỏ hồng và vỏ dày nên có khả năng vận chuyển đi xa. Thêm vào đó xoài Úc lại ít ngọt, nên rất phù hợp khẩu vị với người nước ngoài.

Vụ chính xoài này cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5, còn vụ nghịch cho thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Đặc biệt xoài Úc rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. 

Tuy nhiên theo ông Liêm, việc tiêu thụ xoài Úc trong vài năm gần đây cho thấy chưa ổn định. Phần lớn người dân đều bán qua thương lái nên dễ bị ép giá, chưa có chuỗi liên kết giữa nhà nông và các công ty lớn có năng lực xuất khẩu. Đặc biệt từ đầu năm 2019 khi thị trường Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, giá xoài Úc bắt đầu giảm.

Ông Nguyễn Tiến, một người trồng xoài xã Cam Hải Tây (Cam Lâm) cũng xác nhận, giá xoài Úc được thu mua không ổn định, nhất là thời điểm thu hoạch rộ lại rớt giá.

Xoài Úc thay thế giống xoài địa phương cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Xoài Úc thay thế giống xoài địa phương cho thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Như vụ chính năm 2018, giá xoài Úc đầu mùa và cuối mùa được thu mua khoảng 30 - 40 ngàn đ/kg, nhưng giữa vụ chỉ khoảng 12 ngàn đ/kg. Còn năm 2019, vụ chính xoài Úc loại 1 có thời điểm chỉ còn 30-35 ngàn đồng/kg, còn loại 2 từ 20-25 ngàn đồng/kg.

Không những thế, thương lái họ thu mua xoài rất kén chọn, 1 tấn xoài Úc chỉ chọn được 4 - 5 tạ xoài đạt tiêu chuẩn xuất bán sang Trung Quốc. Điều này khiến nông dân thu hoạch không lãi nhiều so với trước đây.

“Những năm trước đây ở vụ chính, xoài Úc được thương lái thu mua với giá trung bình từ 40-50 ngàn đ/kg (loại 1). Còn nghịch vụ từ 80-100 ngàn đồng/kg, thậm chí nhiều lúc giá xoài còn cao hơn nữa.

Với giá trên, trung bình 1 ha xoài Úc nếu được mùa cho sản lượng từ 7-10 tấn, sau khi trừ chi phí bà con lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha”, ông Tiến nói và cho biết thêm, đối với các giống xoài khác như Canh nông, cát Hòa Lộc, Tứ quý... cũng rơi vào cảnh tương tự. Như xoài Canh nông được giá cũng chỉ từ 15 - 20 ngàn đ/kg, nhưng nhiều thời điểm rớt xuống chỉ còn 4-5 ngàn (loại 1) và 1-2 ngàn (loại 2).

Còn thời điểm này, theo ghi nhận chúng tôi nhiều diện tích xoài Úc ở Khánh Hòa bắt đầu vào thu hoạch chính vụ.

 Bà Nguyễn Thị Hiền, trồng xoài ở Cam Thành Bắc than vãn: Chưa năm nào giá xoài Úc lại thấp như năm nay. Hiện thương lái thu mua chỉ từ 15 - 20 ngàn đ/kg. Với giá này nếu làm xoài đạt, cho năng suất từ 5-7 tấn, may ra kiếm chút ít. Còn kém hơn có thể thua lỗ, vì chi phí đầu tư lên đến từ 70-80 triệu đồng/ha.

Như gia đình bà Hiền vụ này có 1,5/3 ha xoài Úc cho thu hoạch. Vừa rồi gia đình bà thu khoảng 10 tấn tươi, bán với giá trung bình 18 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí chỉ lãi trên 30 triệu đồng, thấp nhất từ trước với nay. 

Về nguyên nhân giá xoài giảm mạnh, các vựa xoài ở Cam Lâm cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên việc để đưa hàng sang Trung Quốc rất khó khăn. Các chi phí đều tăng cao, từ thuế phí hải quan qua cửa khẩu đến công bốc xếp hàng lên xuống 2 đầu, nhất là chi phí vận chuyển.

Xoài Úc trồng tại Khánh Hòa có chất lượng thơm ngon, năng xuất cao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Xoài Úc trồng tại Khánh Hòa có chất lượng thơm ngon, năng xuất cao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Một chủ vựa xoài ở xã Cam Hải Tây cho biết, hiện thuế phí hải quan qua cửa khẩu tại Việt Nam khoảng 22 ngàn đ/rổ (mỗi rổ 25 kg). Riêng thuế phí bên cửa khẩu Trung Quốc là 160 ngàn đ/rổ, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Bên cạnh đó chi phí bốc cũng tăng từ 20 - 30%. Tuy nhiên các chi phí trên, các vựa có thể “gánh” được.

Nhưng chi phí chi vận chuyển hàng sang Trung Quốc hiện lại cao ngất ngưởng. Cụ thể, trước đây 1 xe container xoài (20 tấn) vận chuyển sang Trung Quốc chỉ mất 90 triệu đồng, nay tăng lên 160 triệu đồng.

 “Do tình hình dịch bệnh nên các xe không ai chịu đi. Qua đó, họ sợ bị giam xe nằm mười mấy ngày. Có xe mất cả 1 tháng mới về đến Việt Nam, nên giá chi phí trước đây không đủ. Nên họ tính chi phí vận chuyển cao lên mới nhận hàng vận chuyển. Với chi phí này, họ đi về có dư từ 10 - 20 triệu mới đi”, chủ vựa này giải thích.

Hướng tới sản xuất sạch

Để giúp quả xoài xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, TX, TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân, các doanh nghiệp nắm bắt các quy định về ATTP để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Xoài Úc được thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Thăng.

Xoài Úc được thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Thăng.

Theo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản tỉnh, đối với mặt hàng xoài, muốn xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc phải đáp ứng quy định về ATTP, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc và phải đăng ký mã số vùng với Hải Quan Trung Quốc và phải có chứng nhận ATTP do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp.

Về vấn đề này, ông Đặng Chí Liêm, Phó phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, cho biết, trong năm 2019 huyện Cam Lâm đã phối hợp Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh triển khai xây dựng các mô hình trồng xoài VietGAP, để truy xuất nguồn gốc.

Từ đó trên địa bàn huyện bước đầu đã có hơn 82 ha xoài, chủ yếu xoài Úc được chứng nhận VietGAP thuộc các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức. Và, trong kế hoạch trong năm 2020, huyện Cam Lâm tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất xoài VietGAP với diện tích thêm 60 ha.

“Lâu nay nông dân trồng xoài trên địa bàn ít chú trọng vào sản xuất xoài theo hướng VietGAP có nhãn, tem truy xuất nguồn gốc nên thị trường tiêu thụ hạn chế.

Chính vì vậy, để đa dạng thị trường tiêu thụ xoài, định hướng của huyện là hướng bà con trồng xoài sản xuất theo hướng sạch. Từ đó mới đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu, nâng cao giá trị quả xoài, cũng như nâng cao thu nhập cho người trồng xoài”, ông Liêm nói.

Người dân Khánh Hòa đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Thăng.

Người dân Khánh Hòa đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Thăng.

Ngoài việc định hướng, hỗ trợ giúp nông dân sản xuất theo hướng xoài sạch, ông Liêm còn cho biết, huyện sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản tỉnh kết nối với các doanh nghiệp, các công ty đủ năng lực để thu mua xoài của người dân với giá cao, phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện cũng đang định hướng, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình du lịch sinh thái vườn (trong đó có vườn xoài) để khai thác hết tiềm năng của quả xoài.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến các sản phẩm từ xoài như xoài sấy, bánh xoài, kẹo xoại, nước ép xoài... cũng như khuyến khích các chủ thể đăng ký, xét duyệt đưa xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài Cam Lâm vào chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ông Liêm cho biết, hiện nay việc xuất xoài Úc sang thị trường Trung Quốc trên địa bàn chưa ách tắc, nhưng về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng. Bởi để đi xoài chính ngạch không chỉ thị trường Trung Quốc, mà các thị trường khác đòi hỏi rất khắt khe, phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mã vùng và bảo đảm ATTP.

Về mã số vùng trồng hiện Cục BVTV đến nay đã cấp 6 xã trên địa bàn gồm Cam Đức, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Suối Tân và Cam Hiệp Bắc. Ngoài ra xoài trong huyện cũng đã đạt giấy chứng nhận thương hiệu xoài Cam Lâm, có tem dán và chỉ dẫn địa lý cho 7 xã trên địa bàn huyện.

Ông Diệp Thế Thanh, Tổ trưởng tổ liên kết trồng xoài an toàn Cam Hải Tây - Cam Đức (Cam Lâm), cho biết, cuối năm 2019, tổ liên kết của ông gồm 13 nông dân trồng xoài,với diện tích hơn 15 ha, tổng sản lượng 82 tấn quả tươi/năm được chứng nhận VietGAP. Hiện nay các nông dân trong tổ đều sản xuất xoài theo đúng quy trình quy định, từ sử dụng thuốc, bón phân có nguồn gốc hữu cơ cho đến đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất