| Hotline: 0983.970.780

Lang băm Võ Hoàng Yên đeo mác 'thần y'?

Thứ Năm 18/03/2021 , 10:40 (GMT+7)

Chữa bệnh khi không có bằng cấp chuyên môn hay chứng chỉ đào tạo từ một đơn vị nào về y học nhưng ‘lang băm’ Võ Hoàng Yên từng được ca tụng như ‘thần y'.

Ông Đặng Văn Bình đặt kỳ vọng con trai Đặng Văn Thái có thể đi lại được như trước sau khi đến Trung tâm của ông Võ Hoàng Yên chữa trị, tuy nhiên kết quả không như mong muốn. Ảnh: Gia Hưng.   

Ông Đặng Văn Bình đặt kỳ vọng con trai Đặng Văn Thái có thể đi lại được như trước sau khi đến Trung tâm của ông Võ Hoàng Yên chữa trị, tuy nhiên kết quả không như mong muốn. Ảnh: Gia Hưng.   

Chưa thống kê được ai khỏi bệnh

Từ đầu tháng 3/2021, thông tin vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng tố “thần y” Võ Hoàng Yên ăn chặn tiền xây chùa và từ thiện cứu trợ bà con miền Trung trong đợt bão lũ vừa qua đã dậy sóng dư luận khắp cả nước.

Tại buổi làm việc vào ngày 2/3 giữa đại diện Trung ương Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam với vợ chồng ông Dũng và ông Võ Hoàng Yên, “thần y” Yên đã bác bỏ và phủ nhận toàn bộ các cáo buộc mà bà Hằng đã đưa ra. Sau đó, vợ chồng ông Dũng đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo số tiền 152 tỷ đồng của ông Yên đến Công an TPHCM. Ít ngày sau ông Yên có thư gửi vợ chồng ông Dũng và hứa sẽ trả lại tiền.

Sự việc chưa có hồi kết nhưng những thông tin cho rằng “lang băm” Võ Hoàng Yên đeo mác “thần y” chữa bệnh không hiệu quả, chữa bệnh có thu tiền chứ không phải miễn phí cho bệnh nhân… dấy lên trên khắp cả nước, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh – địa phương từng “ưu ái” giao hàng nghìn mét vuông đất, “đặc cách” cấp giấy phép cho trung tâm khám, chữa bệnh của ông Yên đi vào hoạt động.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Võ Hoàng Yên làm việc tại Hà Tĩnh từ tháng 10/2011 đến tháng 4/2016 là nghỉ hẳn. Thời gian hoạt động chữa bệnh tại đây được phân theo hai giai đoạn, thời kỳ đầu hoạt động tại Hội Đông Y Hà Tĩnh. Sau đó, mở Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh trên diện tích đất do UBND tỉnh cấp tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên để chữa bệnh cho người dân.

Trung tâm này hoạt động mỗi tháng 10 ngày, từ ngày 20 - 30 trong  tháng. Thời gian đầu không thu phí, nhưng sau đó thu mỗi lượt người vào chữa bệnh  là 100 ngàn đồng. Trung tâm đi vào hoạt động được hơn 1 năm, đến 2016 ông Võ Hoàng Yên đã gửi đơn tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Đông y Hà Tĩnh xin được tạm ngừng chữa bệnh tại trung tâm trong 2 năm.

Nhiều năm hành nghề tại Hà Tĩnh nhưng cơ quan chức năng chưa thống kê được bệnh nhân nào được 'lang băm' Võ Hoàng Yên chữa khỏi bệnh. Ảnh: Gia Hưng.

Nhiều năm hành nghề tại Hà Tĩnh nhưng cơ quan chức năng chưa thống kê được bệnh nhân nào được "lang băm" Võ Hoàng Yên chữa khỏi bệnh. Ảnh: Gia Hưng.

Lý do đưa ra là để hoàn thiện các chứng chỉ, giấy phép hành nghề và giải quyết một số việc ở Bình Phước và miền Nam. Cũng từ đó tới nay, Trung tâm Phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên tại xã Cẩm Vịnh nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Đối với hoạt động khám chữa bệnh, một cán bộ Hội Đông y Hà Tĩnh cho biết, trong những năm chữa bệnh tại Hà Tĩnh, đã có hàng nghìn người đến Trung tâm của ông Võ Hoàng Yên điều trị nhưng chưa thống kê được một ai trong số đó khỏi được bệnh.

Theo cán bộ này, ông Yên là người thuộc kiểu có năng khiếu về y học, không qua đào tạo trường lớp. Do không được đào tạo nên tính khoa học không cao; trình tự chuyên ngành khám, chữa bệnh thực hiện cũng không đúng. Tỷ lệ tại thời điểm được chữa bệnh thì có người khỏi, nhưng về mặt lâu dài thì Hội Đông y không đánh giá được.

“Hồi đó người đến khám rất đông, mỗi ngày bình quân ông chữa cho 100 - 120 người. Trung tâm chỉ hoạt động 10 ngày mỗi tháng, còn việc thu tiền thì mỗi lượt khám 100 ngàn đồng/ người”, vị cán bộ nói. Đồng thời thông tin thêm, khi Hội Đông y đến làm việc, ông Yên không đưa ra được bằng cấp chuyên môn hay chứng chỉ từng được đào tạo từ một đơn vị nào về y học.

Liên hệ gặp nhiều bệnh nhân trên địa bàn Hà Tĩnh được ông Yên chữa trị, tất cả đều không khỏi bệnh. Trường hợp đầu tiên là anh Đặng Văn Thái (SN 1984), ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà.

Anh Thái bị tai nạn giao thông vào năm 2014 dẫn đến liệt nửa người, não bị ảnh hưởng, không đi lại được. Năm 2015, gia đình đưa anh Thái tìm đến ông Võ Hoàng Yên để cứu chữa. Sau nhiều lần điều trị, do không đỡ nên gia đình ngừng tới trung tâm để chữa trị.

“Hồi đó đưa con đi chữa gia đình hi vọng lắm. Tính ra tổng thời gian điều trị là 15 lần, con tôi được day ấn, bấm huyệt, kéo chân nhưng về nó kêu đau quá, không có tiến triển gì nên tôi từ bỏ không tới nữa. Và từ lần đó trung tâm cũng ngừng hoạt động”, ông Đặng Văn Bình, bố anh Thái nhớ lại.

Cách nhà anh Thái không xa, trường hợp con trai ông N.V.H., trú cùng xã cũng đưa con trai N.V.T bị câm, điếc bẩm sinh đến chữa trị tại Trung tâm của ông Yên nhưng không đạt hiệu quả.

Theo ông H., sau khi nghe tin ông Yên mở trung tâm, gia đình đã đưa anh T. tới điều trị với hi vọng con trai có thể nghe và nói được, bởi nhiều người giới thiệu ông Yên từng chữa được cho nhiều trường hợp bị câm điếc bẩm sinh.

Người thân anh Hoan kể lại quá trình ông Yên chữa bệnh cho cháu của mình nhưng không đạt hiệu quả. Ảnh: Gia Hưng.

Người thân anh Hoan kể lại quá trình ông Yên chữa bệnh cho cháu của mình nhưng không đạt hiệu quả. Ảnh: Gia Hưng.

“Có người bị liệt ngồi xe lăn, khi được ông Yên chữa thì thấy đi được, nhưng những người chữa được tôi không quen biết ai cả, còn tới lượt con trai mình thì không chữa được”, ông H. buồn bã nói.

Cũng trường hợp bị câm điếc bẩm sinh, anh Nguyễn Trọng Hoan (SN 1985), trú tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên từng được gia đình tìm đến ông Yên để chữa trị, nhưng không khỏi bệnh. Theo người nhà anh Hoan, cách ông Yên chữa trị chỉ là dùng tay kéo lưỡi, vỗ hai cái phía bên phải mặt. Ban đầu ở Trung tâm có ú ớ được vài tiếng nhưng về nhà “đâu lại vào đó”, không nói được, không nghe được.

Hà Tĩnh không chỉ 'ưu ái' cấp hàng nghìn m2 đất mà còn hỗ trợ hơn nửa tỷ đồng cho Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên hoạt động. Ảnh: Gia Hưng.

Hà Tĩnh không chỉ "ưu ái" cấp hàng nghìn m2 đất mà còn hỗ trợ hơn nửa tỷ đồng cho Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên hoạt động. Ảnh: Gia Hưng.

Cấp hơn 500 triệu đồng cho Trung tâm của Võ Hoàng Yên

Trong thời gian hoạt động tại Hà Tĩnh, Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh của ông Võ Hoàng Yên không chỉ được Sở Y tế “đặc cách” cấp phép hoạt động khi ông Yên chưa có bằng cấp mà tỉnh Hà Tĩnh còn giao hàng nghìn m2 đất, cấp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho Trung tâm này hoạt động.

Theo đó, từ năm 2012 đến năm 2016, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định cấp 506 triệu đồng hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Võ Hoàng Yên hoạt động. Số kinh phí trên được thực hiện cấp thông qua Hội Đông y Hà Tĩnh, được Kho bạc Hà Tĩnh kiểm soát chi.

Từ năm 2016 Trung tâm của 'lang băm' Võ Hoàng Yên, ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên ngừng hoạt động, nay trở thành một địa điểm để chăn thả trâu bò, nhếch nhác và bẩn thỉu. Ảnh: Gia Hưng.

Từ năm 2016 Trung tâm của "lang băm" Võ Hoàng Yên, ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên ngừng hoạt động, nay trở thành một địa điểm để chăn thả trâu bò, nhếch nhác và bẩn thỉu. Ảnh: Gia Hưng.

Cụ thể, năm 2012 hỗ trợ 200 triệu mua sắm một số phương tiện, thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh (theo quyết định số 2768 của UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 25/9/2012). Năm 2014, hỗ trợ 150 triệu đồng mua sắm vật tư phục vụ khám chữa bệnh (theo Quyết định số 345 ngày 24/1/2014 của UBND tỉnh, có ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình).

Năm 2015 hỗ trợ 100 triệu đồng mua vật tư, tu sửa nhà làm việc, nhà nghỉ cho bệnh nhân (theo quyết định số 768 của UBND tỉnh ngày 3/3/2015 có ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Võ Kim Cự giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí). Năm 2016 hỗ trợ 56 triệu đồng (hỗ trợ kinh phí thuê bảo vệ quản lý tài sản và bảo vệ Trung tâm mặc dù Trung tâm đã dừng hoạt động từ đầu năm 2016).

Được biết, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Võ Hoàng Yên thực hiện trước cả khi Trung tâm này được Sở Y tế “đặc cách” cấp phép hoạt động về chuyên môn (năm 2015)!.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!