| Hotline: 0983.970.780

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Thứ Sáu 03/01/2025 , 08:23 (GMT+7)

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!

Một góc cánh đồng thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc cánh đồng thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

1.

Lâm Bình là huyện được thành lập sau cùng của tỉnh Tuyên Quang. Lâm Bình phát triển như thế nào? Câu hỏi ấy đặt ra trong đầu bao nhiêu con người, vùng đất thấy núi nhiều hơn nhà, cây rừng nhiều hơn bóng người, vậy chẳng lẽ nhìn vào núi để phát triển?

Hơn 10 năm đi qua, những gian khó của huyện mới ngày nào dần được giải quyết. Quốc lộ 2C từ Na Hang đi sang Lâm Bình vượt qua bao nhiêu cung đèo, núi đá cao ngất, hiểm trở, xóa tan ranh giới của bao vùng biệt lập đưa các thôn xóm ở trong thung lũng, núi đồi tiến gần miền xuôi. Tỉnh lộ 188 từ thị trấn Vĩnh Lộc của huyện Chiêm Hóa cũng vượt núi, băng sông nối liền mạn Thổ Bình, Bình An, đến thị trấn Lăng Can của huyện Lâm Bình.

Những cung đường ấy, mang cơ man hàng hóa, nông sản của bà con ở các bản làng mà ùn ùn theo mỗi chuyến xe tải chở về miền xuôi. Những chuyến hàng lớn, nhỏ được chuyển đi để cho người làng từng cọc tiền, giúp người già có bữa cơm đủ đầy, trẻ nhỏ được đến trường, người trẻ, đám thanh niên chung sức kiến thiết quê hương. Những cung đường ấy, cũng mở ra cơ hội phát triển du lịch cho mảnh đất xinh đẹp này.

Cánh đồng Thượng Lâm rộng khoảng 100ha, nơi có 99 ngọn núi đá bao quanh. Ảnh: Đào Thanh.

Cánh đồng Thượng Lâm rộng khoảng 100ha, nơi có 99 ngọn núi đá bao quanh. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Quan Văn Phùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Bình mời tôi ghé thăm nhà anh ở vùng Thượng Lâm. Quê anh Phùng được mệnh danh là mảnh đất đẹp nhất xứ Tuyên. Nơi có 99 ngọn núi hùng vĩ, cao vời vợi soi bóng bên dòng Gâm tráng lệ. Nơi đây, chàng Tài Ngào khổng lồ trong chuyện cổ năm xưa thương dân làng chịu cảnh hạn hán cơ cực mà ngăn sông, đắp đập bắt nước về ruộng đồng. Để lại cọc buộc trâu trời (cọc Vài) bằng đá sừng sững giữa dòng nước mênh mông.

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Phùng to và cổ kính. Từ ngôi nhà ấy, nhìn ra thấy cánh đồng Thượng Lâm rộng lớn cả trăm ha. Cánh đồng chạy dọc theo con suối, bắc nước từ dòng sông Gâm vào tưới mát cho ruộng đồng, cho những bao lúa, bao ngô chất đầy góc nhà sàn của dân bản. Đôi bờ suối là những lũy tre xanh mỡ màng. Rặng tre chất chứa cả vóc dáng và linh hồn của bao thế hệ ở bản Tày.

Thuận tiện đường sông, đường bộ, có núi, có hồ, có cả các bản làng cổ của người Tày, người Dao nên từ lâu Thượng Lâm đã phát triển sôi động, rực rỡ như một chú phượng hoàng trong bức tranh du lịch nông thôn của vùng cao xứ Tuyên.

Nghề thêu dệt thổ cẩm đang phát triển rực rỡ hơn ở Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề thêu dệt thổ cẩm đang phát triển rực rỡ hơn ở Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Bình Quan Văn Phùng chia sẻ rằng, từ chủ trương phát triển du lịch, những bản làng mọc lên nhiều nếp nhà truyền thống. Người phụ nữ bảo nhau giữ khung cửi, trồng bông dệt vải giữ lấy nghề thổ cẩm. Người già bảo cho đám trẻ câu Then, câu Cọi, câu Páo Dung. Nghi lễ nhảy lửa, lễ cấp sắc được phục dựng trao truyền…

Du khách lên Lâm Bình là tìm những ngôi làng để trải nghiệm văn hóa bản địa, cùng ăn, cùng ở với bà con. Để được thả hồn mình vào những buổi chiều lặng lẽ kéo dải nắng vàng giấu sau bóng núi, quyện trong sương mờ; được ngắm nhìn từng đàn chim trời chao liệng lẫn vào bóng chiều bảng làng màu khói bếp, đẹp, bình yên huyền bí và mê đắm.

2.

Chợ cuối năm ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình phiên nào cũng có những gian hàng chất đầy thổ cẩm. Thổ cẩm làm quần áo, làm gối, làm chăn, làm cả những chiếc ví, chiếc khăn, chiếc mũ đội đầu… xinh xắn sặc sỡ, sống động như hoa, như cây mọc trên núi rừng.

Một phụ nữ người Tày ở xã Thượng Lâm miệt mài bên khung cửi. Ảnh: Đào Thanh.

Một phụ nữ người Tày ở xã Thượng Lâm miệt mài bên khung cửi. Ảnh: Đào Thanh.

Thổ cẩm nhiều ở chợ phiên, người xem, người mua cũng đông vui, khiến lòng của người phụ nữ ngày đêm miệt mài bên khung cửi như bà Chẩu Thị Kiều, thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm vui như ấm nước gặp được bếp than hồng. Bà Kiều bảo, mấy năm nay, thổ cẩm về nhiều trong mỗi gia đình của các làng Tày ở huyện Lâm Bình. Thổ cẩm phát triển sống động thì chiếc khung cửi không còn bị mọt hay nằm cô đơn nơi góc nhà làm bạn với mạng nhện.

Việc lớn trong đời của một phụ nữ Tày là không chỉ biết đẻ cho gia đình nhà chồng một đứa con, mà còn biết thêu thùa, dệt vải để truyền dạy cho những bé gái nối nghề của bà, của mẹ… Phụ nữ Tày ở Thượng Lâm giỏi cả hai việc ấy.

Điểm du lịch homestay tại thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Điểm du lịch homestay tại thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Thượng Lâm cũng là vùng đất đầu tiên ở huyện Lâm Bình tìm được cây bông truyền thống trở về với đất mẹ. Đó là câu chuyện về hành trình hơn 10 năm rong ruổi khắp các làng có nghề trồng bông dệt vải nổi tiếng để đi tìm giống bông cổ truyền của người Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm xã Thượng Lâm - cô giáo Ngô Thị Phin.

Hơn 10 năm bôn ba, đôi chân vượt cả trăm quả núi không biết mỏi, hễ nghe ở đâu có giống bông ta truyền thống, cô giáo Phin đều tìm cách kết nối đem về gieo hạt, nhưng thất bại. Mãi đến năm 2022, tình cờ tâm sự với người học trò cũ sau hơn 20 năm xa cách. Khi nghe cô giáo Phin kể về nỗi khát khao muốn khôi phục giống bông xưa cũ, người học trò của bà bảo rằng tại tỉnh Lai Châu, vùng Tây Bắc, vẫn còn những gia đình đang trồng giống bông thuần chủng mà bà tìm kiếm bấy lâu.

Nhận được tin tức này, bà Phin tìm cách kết nối với gia đình có giống bông quý ở Lai Châu. Và những hạt bông của vùng đất Tây Bắc xa xôi ấy đã trở về với núi đồi Thượng Lâm quê bà như thế.

Giống bông truyền thống ngày xưa đã trở về và bung nở trên đồi nương ở xã Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Giống bông truyền thống ngày xưa đã trở về và bung nở trên đồi nương ở xã Thượng Lâm. Ảnh: Đào Thanh.

Từng hạt bông được tằn tiện góp nhặt gieo xuống đất, tí tách nứt vỏ, bật chồi. Vượt qua gió mưa, nắng hạn chẳng cần chăm bón nhiều vẫn lớn nhanh, cây nào cũng mỡ màng, bời bời xanh tốt. Đồi bông ra hoa, rồi mỗi quả khi chín cho những cục bông trắng ngần, chiếc gùi của phụ nữ trong bản đã chất đầy, mà quả bông vẫn bạt ngàn trắng xóa trên nương.

Bà Kiều dừng tay đặt tấm thổ cẩm đang thêu dở xuống bàn, tôi nhìn thấy một vài đường thêu bị lỗi, rối bời. Giọng bà nghèn nghẹn như đuối hơi: “Anh biết không, cô giáo Phin là người mở rộng cánh cửa cho chị em phụ nữ nuôi dưỡng khát vọng phát triển giống bông truyền thống. Nhiều phận đời nghèo khó, gian truân được bà giúp đỡ, tham gia Tổ dệt thổ cẩm Thượng Lâm có thu nhập.

Giờ đây chị em trong Tổ dệt thổ cẩm ai cũng thạo nghề, vượt qua những đận khó khăn. Quả bông cũng đã về trắng ngần trên núi đồi ở bản Tày vậy mà cũng không giữ nổi người Tổ trưởng của chúng tôi. Những ngày cuối năm 2024, căn bệnh ung thư quái ác đã mang cô giáo Phin của dân bản về trời”.

Tôi và bà Kiều bỗng lặng yên, lắng nghe tiếng khung cửi đang dệt theo từng nhịp thoi đưa trong nếp nhà sàn ở bản Tày, xuyên qua lớp sương chiều dày như mưa vọng lại.

Những phụ nữ người Tày ở Thượng Lâm hào hứng khi tìm được giống bông ngày xưa. Ảnh: Đào Thanh.

Những phụ nữ người Tày ở Thượng Lâm hào hứng khi tìm được giống bông ngày xưa. Ảnh: Đào Thanh.

3.

Rong ruổi theo lời giới thiệu của Trưởng phòng NN-PTNT Quan Văn Phùng, chúng tôi đến thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, một trong những thôn đầu tiên được huyện Lâm Bình lựa chọn phát triển du lịch nông thôn.

Ở đây, hoàng hôn bao giờ cũng về sớm hơn các bản làng khác ở trên rẻo núi cao. 5 giờ chiều, nắng đã chạy ra khỏi cánh đồng về bên kia đỉnh núi. Mùa hè, ban ngày nóng hầm hập, nhưng đến tối lại dịu mát lạ thường.

Người ta bảo, Bản Biến có khí hậu lạ kỳ như vậy bởi nơi đây được dãy núi đá cao ngất như mái vòm khổng lồ, chở che ấp ôm vào lòng. Cũng bởi đặc điểm lạ kỳ ấy, mà thôn được huyện Lâm Bình chọn là một trong những địa điểm đầu tiên của huyện phát triển du lịch nông thôn.

Cánh đồng thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Cánh đồng thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn. Ảnh: Đào Thanh.

Bà Trương Thị Tiên, rực rỡ như bông hoa chuối rừng trong bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Nhà bà to nhất ở bản Dao. Làm được cái nhà to ấy bà và chồng mình thức khuya dậy sớm lên nương, xuống ruộng, nuôi nhiều gà, nhiều lợn. Làm xong căn nhà, bà tiếp tục làm thêm cái sân rộng gần bằng sân nhà văn hóa thôn.

Năm 2020, khi huyện vận động cộng đồng làm du lịch nông thôn, bà là người tiên phong. Nhưng làm du lịch homestay không giống như trồng ngô, cấy lúa cứ chịu khó chăm bẵm việc ruộng nương, đồng áng là ngô, lúa sẽ đầy bồ.

Chờ từ mùa gieo hạt ngô xuống đất đến khi cây ngô trổ bông, cho bắp nhà bà vẫn chưa có khách ghé thăm. Bao nhiêu cái miệng người làng để ý, ì xèo: “Nghe cán bộ làm cái nhà to, sân rộng cũng chỉ để hai vợ chồng tự ngắm, tự đi du lịch trong nhà mình”. Chồng bà động viên, mình không đón khách, không làm du lịch nồi cơm của gia đình đã khi nào bị vơi. Nhưng bà nghe được nỗi niềm trong giọng nói chẳng khác nào dòng suối mùa khô hạn của chồng mình.

Phụ nữ Dao đỏ ở xã Phúc Sơn rực rỡ như những bông hoa chuối rừng trong ngày hội làng. Ảnh: Đào Thanh.

Phụ nữ Dao đỏ ở xã Phúc Sơn rực rỡ như những bông hoa chuối rừng trong ngày hội làng. Ảnh: Đào Thanh.

Bao mùa trăng lặn, rồi trăng lên, bà tưởng hi vọng làm du lịch homestay đã nguội như bếp củi lâu ngày không được nhóm lửa hồng thì bỗng có đoàn khách đến làng rồi ghé thăm nhà bà. Người làng vội vàng bỏ ruộng, bỏ vườn đến xem mặt khách lạ.

Bà Tiên đun nước mời khách, ấm trà nóng hôi hổi suýt nữa tuột khỏi tay khi bà nghe người khách hỏi xin ở lại qua đêm vì người ta giới thiệu cả làng chỉ có nhà bà làm homestay. Qua facebook, tiktok… của đứa con học dưới Hà Nội, khách biết đến ngôi làng của bà, họ khen làng của bà đẹp và lạ lẫm.

Tối hôm ấy, bà Tiên mang rượu ngô, thứ rượu được lên men bằng lá cây rừng, mở nắp chum ra hương thơm khắp gian nhà. Khách uống vào thở ra mà người bên cạnh còn muốn say. Bà bảo, khách đã đến làng muốn ghé thăm quê bà thì đầu họ cũng yêu quý mảnh đất này như người Dao Bản Biến.

Nghề thêu dệt thổ cẩm cũng được người phụ nữ ở thôn Bản Biến giữ gìn và phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Nghề thêu dệt thổ cẩm cũng được người phụ nữ ở thôn Bản Biến giữ gìn và phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Cầm những đồng tiền đầu tiên do khách du lịch trả, nó giống như đồng tiền bà vẫn kiếm được từ trồng ngô, nuôi lợn nhưng không hiểu sao những đồng tiền ấy khiến tay bà run rẩy, tim bà đập mạnh như lần đầu tiên bà gặp được ông Lý Tiến Phương chồng bà trong ngày hội làng năm xưa. Ngoài bìa rừng, bao nhiêu chiếc lá già trên cành xào xạc rụng, thân cây bỗng nhẹ tênh, dưỡng sức nuôi những mầm xanh non mơn mởn.

Giờ cả Bản Biến đã có 6 nhà làm homestay đón khách du lịch. Người làng, học và ủng hộ bà Tiên cùng giữ gìn dòng suối của làng sạch đẹp, cùng nấu những chum rượu ngô thơm ngon, cùng nở nụ cười thật tươi và thân thiện khi khách lạ ghé thăm… Họ muốn giữ vẻ đẹp của làng như cách người đàn ông Dao giữ gìn phong tục lễ cấp sắc để đánh dấu tuổi trưởng thành, người phụ nữ Dao giữ nghề thêu dệt thổ cẩm, giữ gìn điệu Cọi, điệu Páo Dung…

Cùng với Bản Biến, hiện nay toàn huyện Lâm Bình có nhiều bản làng phát triển du lịch nông thôn như thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang… Huyện cũng đã có 55 hộ gia đình thực hiện mô hình du lịch homestay.

Một ngôi nhà làm du lịch homestay ở thôn Bản Biến. Ảnh: Đào Thanh.

Một ngôi nhà làm du lịch homestay ở thôn Bản Biến. Ảnh: Đào Thanh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch vốn có của địa phương, chính quyền huyện Lâm Bình đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; đa dạng hoá các hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Huyện xác định, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng không gian du lịch xanh, sạch đẹp, thân thiện và an toàn.

4.

Tôi hỏi anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang: Đến xứ Tuyên, người ta nghĩ nhiều về cây đa Tân Trào, về Trung thu Tuyên Quang, người ta còn có thể nghĩ về điều gì và địa danh nào nữa không? Anh Hòa trải lòng: Tuyên Quang có 22 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc là một sắc màu đậm đà riêng biệt trong bức tranh đa sắc của xứ Tuyên.

Nếu so về phố thị, xứ Tuyên sẽ không thể theo kịp miền xuôi, nhưng đến các bản làng trên núi, thì sắc màu văn hóa của xóm bản nơi đây đủ làm say lòng và níu chân du khách.

Một góc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Một góc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Sau nhiều năm phát triển du lịch, Tuyên Quang đã có những bản làng người Tày ở Thượng Lâm, Lăng Can, huyện Lâm Bình; Năng Khả, Thượng Giáp ở Na Hang; bản làng người Pà Thèn, ở xã Thượng Minh, huyện Lâm Bình; bản làng người Dao ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang; bản người Cao Lan ở xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn. Đặc biệt, tại vùng chiến khu cách mạng Tân Trào có bản người Tày với những nếp nhà sàn đậm đà văn hóa miền núi…

Những bản làng ấy chính là luồng gió mát thổi hồn cho du lịch nông thôn phát triển, khơi nguồn cảm hứng đến nhiều bản làng khác cùng chung tay giữ gìn tinh hoa dân tộc, cội nguồn văn hóa làng.

Với du lịch nông thôn, Tuyên Quang không chỉ tô vẽ thêm sự chói lọi rực rỡ của văn hóa bản địa, mà đang giúp kho báu văn hóa bản địa được tổ tiên mỗi dân tộc để lại cải thiện cuộc sống của thế hệ con cháu hôm nay. Tuyên Quang mong muốn giữ được truyền thống của mỗi ngôi làng xưa, từ văn hóa, kiến trúc nhà vườn, trang phục, tiếng nói, nghề truyền thống… Địa phương tin rằng, bản chất nguồn cội khác biệt của mỗi ngôi làng được đánh thức, chính là thứ di sản mà du khách phương xa muốn tìm về.

Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa bản địa là vấn đề cốt lõi giúp du lịch nông thôn ở xứ Tuyên hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa bản địa là vấn đề cốt lõi giúp du lịch nông thôn ở xứ Tuyên hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Nhưng đi đường ngắn thì hành trang mang theo đơn giản, đi đường dài cần có sự chuẩn bị thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, bài bản. Sự chuẩn đó chính từ các cơ chế, chính sách, các chương trình mục tiêu, nghị quyết sẽ dẫn đường, chỉ lối, sẽ theo chân người nông dân, doanh nghiệp, HTX ra đồng, lên nương, về xóm làng… để xây dựng nông thôn miền núi Tuyên Quang thêm tươi đẹp mỗi ngày.

Để du khách gần, xa tìm đến du lịch xứ Tuyên là tìm về ở nhà trên núi, để dừng chân, thư giãn và đắm mình vào không gian văn hóa bản địa mộc mạc, thân tình, bản sắc… Để đi rồi vẫn nhớ thương lưu luyến, hẹn ngày trở lại!

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...