| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh đa Hội Yên bám nghề

Thứ Năm 23/02/2012 , 11:20 (GMT+7)

Làng nghề làm bánh đa Hội Yên, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2004.

Làng nghề làm bánh đa Hội Yên, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, Hải Dương được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2004. Tuy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhưng người dân vẫn cần cù bám trụ lấy nghề.

Theo lời của người già trong làng, nghề làm bánh đa được gia đình cụ Vũ Duy Tộ, người làng Hội Yên, khởi lập từ cuối thế kỷ XVIII. Ông Nguyễn Văn Ngọc, trưởng thôn Hội Yên cho biết: Hiện nay, làng còn 25 hộ làm nghề, với 25 máy tráng, mỗi máy thu hút 3- 5 lao động địa phương tham gia SX. Nguyên liệu làm bánh được nhập từ các xã lân cận trong huyện như Ngô Quyền, Thanh Giang, Tứ Cường, sau đó tiến hành xay bột bằng mô tơ điện, thái bánh đa bằng máy… Người dân quê vừa SX vừa tiêu thụ, ngày ngày mang hàng đi giao trực tiếp tại các cửa hàng phở, cửa hàng bán tạp hóa trên phố quanh vùng.

Mỗi ngày, Hội Yên cho ra lò khoảng 30 tấn bánh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Bánh đa Hội Yên có mặt ở khắp các cửa hàng cửa hiệu, các quán phở trên phố của huyện Thanh Miện, sang Hưng Yên, lên Hà Nội; rồi xuất cả vào miền Nam. Bánh đa Hội Yên được nhiều người tin tưởng, bởi là thứ bánh không dùng hóa chất, không hàn the, phẩm màu.

Người dân quanh vùng cũng đến Hội Yên học hỏi kỹ thuật làm bánh, nhưng không có được bí quyết làm bánh trắng và dai của làng. Bánh đa Hội Yên có bí quyết ủ bột, trộn bột riêng, khắt khe trong lựa chọn nguyên liệu, trong công đoạn tráng và phơi bánh mà người vùng khác khó học hỏi cho được.

Theo tính toán, cứ 1,2 tạ gạo thì làm ra 1 tạ bánh thành phẩm. 1 kg bánh thành phẩm có giá dao động từ 17.000- 20.000 đồng. Người dân làng nghề có thể kiếm được tiền lãi từ 300.000- 4.000 đồng/ngày, tùy theo lượng bánh thành phẩm bán ra. Ông Ngọc cho biết, dù lãi cao nhưng các hộ gia đình chủ yếu vẫn hoạt động theo phương thức bán SX, chỉ có vài hộ là bỏ ruộng đồng nông nghiệp hoàn toàn. Đó là các gia đình có truyền thống lâu đời theo nghề, từ đời cha, đời ông đên đời con, đời cháu như gia đình ông Vũ Duy Tác, Nguyễn Văn Cẩm, Vũ Duy Xuân, Đỗ Văn Tứ…

Một chủ hộ làm bánh đa có thâm niên, ông Vũ Duy Biển cho biết, một ngày làm việc của vợ chồng ông bắt đầu từ 3h sáng, kéo dài đến tận 11h đêm, công việc vất vả, nhiều công đoạn, cả ngày luôn chân luôn tay, không lúc nào ngơi nghỉ. Nếu trời nắng to, nhiều gió thì bánh còn ngon, thơm và trắng giòn, chứ trời mưa, ẩm ướt thì bánh xấu lắm, cứ gãy vụn cả ra, mà người làm thì chẳng còn lãi. Lúc ấy, cả nhà lại thay phiên nhau trực bên lò than, phơi phơi sấy sấy, nhọc công lắm, mà lại không ăn thua gì.

Hỏi về thu nhập gia đình, ông Biển thành thật: “Gia đình làm ít thôi, chỉ được tạ bánh một ngày, cũng được khoảng 100.000- 200.000 đồng. Nhưng có hộ làm nhiều, có ngày làm từ 2- 7 tạ gạo, lãi lên đến cả triệu".

Trưởng thôn Nguyễn Văn Ngọc cho hay, 3 khó khăn lớn nhất mà làng nghề chưa tìm ra biện pháp xử lý, đó là điện sản xuất, môi trường và giao thông. Điện thì chập chờn, lúc mạnh lúc yếu, mặc dù đã nâng cấp lưới điện đến 2 lần. Bực nhất là khi đang làm bánh, mất điện, đành bỏ bột, để mấy ngày hỏng hết, lại đổ cho lợn ăn.  Về nước thải cũng khó xử lý. Người dân SX không tập trung, nước dùng để làm bánh thải trực tiếp ra sông. Cán bộ môi trường có về xử lý hóa chất nhưng tình hình không mấy khả quan.

"Điều người dân mong mỏi hơn cả, là xây dựng thương hiệu bánh đa Hội Yên. Chúng tôi có đề nghị lên trên, nhưng cứ ông nọ báo cáo ông kia rồi để đấy, thành ra dân cứ tự làm tự mang đi bán, nhiều người biết tiếng tăm đấy nhưng cũng chưa thỏa lòng", ông Ngọc nói.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.