Chưa dám thả giống
Từ tháng 12/2024, anh Lê Đình Lợi ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã tập trung vệ sinh 1ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình để chuẩn bị bước vào thả tôm vụ mới.
Anh Lợi cho biết, để quá trình nuôi tôm thuận lợi, việc vệ sinh ao nuôi là yếu tố hàng đầu, không chỉ giúp loại bỏ chất thải và tạp chất gây hại mà còn giúp kiểm soát các yếu tố môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và năng suất của tôm.
Theo anh Lợi, hiện các vùng nuôi tôm trên địa bàn hầu hết bà con đã hoàn tất việc vệ sinh ao và sẵn sàng thả giống vụ tôm mới. Tuy nhiên hơn nửa tháng nay thời tiết trở lạnh, nhiệt độ thấp, rất bất lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển nên người nuôi chưa dám thả giống.
Tương tự, tại vùng nuôi tôm xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bà con cũng đang tất bật cải tạo, vệ sinh ao đìa trước khi thả giống.
Anh Lê Minh Chính, một người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú cho biết, vụ nuôi cuối năm vừa qua, việc nuôi tôm của bà con không thuận lợi, nhiều ao tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP). Đây là dịch bệnh nguy hiểm do ký sinh trùng gây ra khiến tôm chậm lớn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.
Để phòng chống dịch bệnh này, trước khi vào vụ tôm mới, anh Chính đang tiến hành xử lý kỹ ao nuôi. Mặt khác thời gian qua thời tiết phức tạp, rất bất lợi cho tôm nuôi nên anh cũng dè dặt thả giống.
“Nếu thời tiết thuận lợi, dự kiến gần cuối tháng tôi sẽ thả giống. Tuy nhiên để tránh thiệt hại, tôi sẽ thả một vài ao để xem tình hình rồi mới tiến hành thả toàn bộ diện tích hơn 1ha”, anh Chính chia sẻ.
Một số lưu ý
Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cũng như đảm bảo kế hoạch nuôi tôm nước lợ năm 2025, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã ban hành văn bản hướng dẫn khung lịch mùa vụ thả giống trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Ngọc Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, đối với nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, thả giống từ tháng 1 đến tháng 8. Đối với các khu vực không thể nuôi bán thâm canh và thâm canh thì nên nuôi kết hợp như tôm sú với cá dìa, cá măng, cá đối mục hoặc cá rô phi, hải sâm, rong câu... Vùng nuôi có điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến hết tháng 9.
Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 1 đến tháng 9. Vùng nuôi ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt, điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nước đảm bảo có thể thả giống đến tháng 12.
Sở NN-PTNT Khánh Hòa lưu ý người nuôi phải có khoảng thời gian ngắt vụ giữa các vụ nuôi là 1 tháng đối với những ao nuôi hiệu quả và 2 tháng đối với những ao nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh hoặc thả nuôi các đối tượng khác (cá chẽm, cá mú, rô phi đơn tính, rong câu, hải sâm...) để diệt mầm bệnh, tăng thu nhập, cải tạo môi trường.
Căn cứ vào khung mùa vụ chung của tỉnh và tình hình thực tế ở từng vùng nuôi, các địa phương xây dựng khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể cho vùng nuôi thuộc địa bàn quản lý. Đối với những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh thì bà con có thể thả giống quanh năm.
Trước khi thả tôm 5 - 10 ngày, các hộ nuôi tôm cần theo dõi diễn biến thời tiết. Nếu thời tiết không thuận lợi cho tôm nuôi thì nên tạm dừng thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Người nuôi nên thực hiện quy trình nuôi nhiều giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt khâu chuẩn bị, vệ sinh ao đầm nuôi kỹ để loại bỏ mầm bệnh trong ao, quản lý điều kiện môi trường ao nuôi và sức khỏe tôm nuôi thường xuyên.
Các hộ nuôi trong cùng khu vực có chung hệ thống cấp và thoát nước nên tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi cũng như thả giống đồng loạt , tập trung.
Theo các hộ nuôi tôm, hiện giá tôm giống ổn định, dao động từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/vạn con giống. Giá thức ăn cũng không có biến động tăng, thuận lợi cho bà con bước vào vụ tôm mới.