| Hotline: 0983.970.780

Nôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

Thứ Tư 08/01/2025 , 08:51 (GMT+7)

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Mô hình nuôi tôm thương phẩm 3 giai đoạn tuần hoàn nước được thử nghiệm thành công sau nhiều vụ nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi tôm thương phẩm 3 giai đoạn tuần hoàn nước được thử nghiệm thành công sau nhiều vụ nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Nuôi tôm không xả thải

Ngành nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của nước ta nhưng thời gian gần đây, người dân tập trung phát triển mạnh ngành này kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường đáng báo động. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, công ty thủy sản, hộ nuôi tôm đang cấp bách tìm giải pháp xử lý nước thải. Nhiều địa phương có diện tích nuôi tôm lớn tại ĐBSCL đang chú trọng thực hiện công tác nghiên cứu, cũng như từng bước triển khai mô hình nuôi tôm không xả thải để phát triển bền vững.

Tại Cà Mau thời gian qua, nuôi tôm quy mô công nghiệp ngày càng phát triển mạnh. Tuy nhiên, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường lại chưa được nâng cao, do vậy tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không hề nhẹ tới môi trường cũng như sức khỏe người dân.

Cụ thể như bùn thải, thức ăn dư thừa, phân do tôm thải ra không được xử lý đúng cách, sau một thời gian dài tích tụ sản sinh ra nhiều chất độc hại. Nước thải trong quá trình nuôi cũng như trong chế biến xả trực tiếp theo đường ống thải ra các khu vực lân cận, gây ảnh hưởng đến con người và vật nuôi...

Hệ thống xử lý nước thải qua nhiều giai đoạn. Ảnh: Trọng Linh.

Hệ thống xử lý nước thải qua nhiều giai đoạn. Ảnh: Trọng Linh.

Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm không xả thải tại huyện Cái Nước và Đầm Dơi. Mô hình nuôi tôm không xả thải hay còn gọi là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn, sử dụng công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và an toàn sinh học đã được đầu tư và thử nghiệm lần đầu tiên tại tỉnh Cà Mau.

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh Cà Mau đề tài cấp nhà nước là nghiên cứu công nghệ xử lý nước tuần hoàn và bùn thải trong ao nuôi tôm siêu thâm canh. Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, Sở đã sản xuất thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học.

Ông Thanh đánh giá, đây là mô hình có công nghệ nuôi 100% không xả thải hoặc khi xả thải ra môi trường đã có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định, bảo vệ môi trường.

Theo đó, đề tài “3R cho nuôi trồng thuỷ sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng hạ lưu ĐBSCL của Việt Nam - 3R4CSA” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II được thực hiện tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước từ tháng 5/2023 đến nay.

Mô hình mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu được chi phí hóa chất và nhân công trong xử lý và thay nước cho ao nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu được chi phí hóa chất và nhân công trong xử lý và thay nước cho ao nuôi tôm. Ảnh: Trọng Linh.

Kể từ khi mô hình nuôi tôm không xả thải được nghiên cứu và ứng dụng thành công, các ban ngành chức năng đã giảm bớt lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường nước. Theo chia sẻ của các hộ dân tại huyện Cái Nước, mô hình mang lại hiệu quả cao, giảm thiểu được chi phí hóa chất xử lý cũng như nhân công và chi phí thay nước cho ao nuôi tôm, năng suất tôm nuôi tăng hơn 20% so với trước đây.

Ông Huỳnh Thái Nguyên, chủ cơ sở nuôi tôm ở ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước cho biết: "Sau khi tiếp cận dự án từ Sở Khoa học và Công nghệ và đưa vào vận hành, tôi thấy tôm nuôi phát triển rất tốt, giảm được chi phí cơ bản như hóa chất xử lý nước đầu vào, nhân công… Hệ thống tuần hoàn khép kín không xả thải mang lại nhiều lợi ích từ quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt bảo vệ môi trường bên ngoài do không phải xả thải ra môi trường như trước đây".

Theo ông Nguyên, mô hình này cần 4.500m2 để làm ao nuôi và ao dèo. Hệ thống tuần hoàn nước gồm 2 ao giá thể, 1 ao nuôi cá và 3 ao nuôi rong biển (diện tích 6.500m2) cùng 1 ao cấp bù nước hỗ trợ khi hệ thống nước trong ao bị rò rỉ. Tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 2,1 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nuôi truyền thống. Tuy nhiên, mô hình công nghệ này mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế rất cao, giúp kiểm soát được yếu tố môi trường, nâng cao tỷ lệ sống và đảm bảo an toàn sinh học. So với trước đây, mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước 3 giai đoạn lợi nhuận cao hơn khoảng 30%.

Theo người dân tham gia mô hình, hệ thống nuôi tuần hoàn kép kín này cho phép tái sử dụng tới hơn 90% lượng nước nên giảm thiểu được nguy cơ lây truyền bệnh từ quá trình cấp nước. Tuy nhiên, mầm bệnh cũng có thể lây lan từ dụng cụ dùng để sản xuất của từng giai đoạn nuôi nên cần phải vệ sinh và dùng riêng biệt dụng cụ để chống nhiễm chéo. Ao sẵn sàng cần được xử lý và rào kín để kiểm soát vật chủ trung gian lây bệnh trong quá trình nuôi như cua, còng và cá tạp.

Người dân thu hoạch tôm trong mô hình với nâng suất cao. Ảnh: Trọng Linh.

Người dân thu hoạch tôm trong mô hình với nâng suất cao. Ảnh: Trọng Linh.

Ngoài ra, nước sử dụng để thay phải được diệt trùng và ký chủ trung gian. An toàn sinh học cho người lao động cũng phải được thiết lập để tránh lây lan mầm bệnh, hạn chế thấp nhất đối tượng có khả năng mang mầm bệnh như khách tham quan, người trực tiếp lao động phải có dụng cụ riêng và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Thành tựu lớn trong ngành tôm

Ông Lê Đăng Thanh (Phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi) cho biết, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn không xả thải là kỹ thuật mới giúp giảm được chi phí sản xuất, năng suất tôm nuôi có thể đạt tới 60 - 70 tấn/ha/vụ, bình quân mỗi năm có thể nuôi từ 6 - 8 vụ, từ đó tăng cao được sản lượng trên đơn vị diện tích ao nuôi. Đặc biệt, lượng carbon thải ra của 1kg tôm rất thấp, đáp ứng được xu hướng của ngành tôm trong tương lai. Người tiêu dùng cũng không phải lo sợ tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nuôi. Ðây là thành tựu lớn trong ngành tôm.

Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để người nuôi tôm áp dụng. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để người nuôi tôm áp dụng. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, do chi phí đầu tư của công nghệ này khá cao nên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã đề xuất chủ trương với UBND tỉnh này để thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm cho người nuôi vay vốn ưu đãi để đầu tư. 

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết, Sở sẽ tiếp tục duy trì, triển khai mô hình công nghệ nuôi tôm tuần hoàn không xả thải ở các vụ tới nhằm tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả để chính thức khuyến khích nhân rộng. Trong quá trình thử nghiệm, nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ hoàn thiện lại công nghệ, sau đó đánh giá hiệu quả.

Nếu mô hình xử lý triệt để các chất thải thải ra môi trường, đồng thời tái sử dụng các chất thải thành những nguồn dinh dưỡng có ích cho các loài vật khác, Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau sẽ nghiệm thu dự án và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con nuôi tôm nhân rộng mô hình.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.