Vàng son một thưở
Về gốc gác của cái nghề độc đáo này, anh Đỗ Văn Dũng-Chủ tịch xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), bảo cách đây chừng nửa thế kỷ ở thôn Đại có cụ quản Lập (Chử Văn Lập) là người tiên phong đưa cây trà về làng, gieo mầm nên một thời hoàng kim của loại cây quan. Khác với nhiều loại cây cảnh thường nhân giống bằng hạt trà được giâm bằng ngọn. Bùn ao trộn với tro trấu cùng phân chuồng ủ ngấu trong những cái mẹt sao cho không khô cũng chẳng ướt, nắm vào bàn tay đủ để nước chỉ rịn ra giữa kẽ ngón mà đất vẫn giữ nguyên hình hài, mới đủ chuẩn để cắm ngọn trà xuống. Trà giâm xong hết che nắng lại che mưa để giữ gìn mầm sống.
Hoa trà nở |
Lúc đầu kỹ thuật thô sơ như thế nên ai giâm trà mà 10 cành cắm xuống mọc lên được 5 cây đã được dân làng liệt vào hạng nghệ nhân rồi. Những nghệ nhân thường giấu bí quyết nhà nghề đến mức khi giâm ngọn trà tuyệt đối không cho ai bén mảng đến gần dù là người quen. Đang cắm ngọn trà mà nhác thấy bóng người lạ ngoài cổng là lập tức dừng lại vì sợ lộ. Có những người còn cẩn thận đến mức đem giấu đám mẹt giâm trà vào…gầm giường vừa cho có bóng mát, vừa phòng người gian. Ngày ngày phải vất vả lôi ra tưới đủ ba lần để giữ ẩm cho chúng. Giờ thì ngay cả lũ trẻ con của xã Phụng Công cũng biết giâm trà, 100 ngọn cắm xuống có khi mọc lên đủ 100 cây.
Từ trên 100 hộ của làng Đại, nghề trồng trà lan dần ra làng Bến, làng Đầu, làng Ngò, làng Khúc Tháp mà đỉnh cao là quãng 1995-2000 khắp trong làng, ngoài xã có hơn 1.000 hộ tham gia. Trà trong vườn, trà trên sân, trà lân la ra ngoài đồng, đâu đâu cũng thấy, có nhà trồng hàng vạn cây. 1 cây trà 1 năm ra hàng trăm, hàng ngàn ngọn, 1 ngọn trà giâm xuống mẹt dăm bữa nửa tháng ra rễ, thành cây bán được 20-30.000đ. Nói không ngoa chứ với người Phụng Công thủa ấy tiền kiếm dễ như lá hái ở trong vườn nhà.
Cũng ngọn cây ấy đem trồng xuống đất 2 năm sau sẽ bán được 200.000đ. Mỗi gốc trà 10-15 tuổi có giá vài ba triệu, bán vài gốc là đủ để mua một suất đất trước cửa UBND xã. Cứ quy đổi từ cây ra đất như thế mỗi vườn trà nhà các anh Chử Văn Cự-con ông quản Lập, Chử Văn Chiến, Lưu Văn Mạnh…đều có giá tương đương với vài chục lô đất. Nếu bán tất đi có khi mua hết cả đất của cả thị trấn Văn Giang.
Nhưng nào có ai học hết chữ ngờ, đang lên như diều gặp gió, từ năm 2000, nghề chơi trà ở Phụng Công bỗng gặp một cơn “đại hồng thủy” vùi dập xuống tận đáy. Giá trà trước mươi phần chưa còn nổi một phần. Đa số nản chí bỏ nghề đuổi theo nghiệp chơi cây sanh lúc đó đang nổi như cồn chỉ còn 30-40 hộ vẫn kiên tâm nối nghiệp ông cha. Quãng 2011-2012, sanh lại rơi vào quỹ đạo xuống giá không phanh trong khi trà dần hồi phục khiến cho những người từng rũ bỏ nó đâm ra hối hận. Nhưng tất cả đã là quá muộn màng...
Dòng chảy ngầm mạnh
Chử Văn Biên ở thôn Đại tuy mới vào độ tuổi tứ tuần nhưng lại là người chơi trà có thâm niên, "số má" nhất vùng. Trước năm 1995 anh từng có trong tay hàng trăm gốc trà cổ, có những gốc đắt tới 8 triệu đồng- tương đương với vài cây vàng theo thời giá. Khác với những người thối chí, bỏ nghề, quãng thời gian lận đận nhất anh vẫn gắng gượng đeo bám trà.
Anh Biên bên vườn trà trị giá gần chục tỉ đồng của mình |
Năm 2003 khi giá xuống tới cực điểm anh mua vét được 30 gốc cổ trà của những nhà vườn bán tháo với giá rẻ không tưởng, chỉ 3-4 triệu/cây. Vì nể nang cuối cùng anh lại để 30 gốc trà cổ này cho một vị sư. Nhưng vạ vật trong vườn chùa, không có cách chăm sóc phù hợp chúng đã bị chết gần hết, chỉ còn sót lại mỗi 1 cây khiến cho lòng anh như xát muối. Tiếc. Giá mỗi gốc như thế hiện tại ít nhất cũng 100 triệu…
Vào vườn của anh chẳng khác gì lạc vào thiên đường của trà với 150 gốc cao to lừng lững 3-4 mét. Xưa người ta trồng trà trong chậu sành hay chậu đất nung, nhưng giờ để chứa những gốc trà cỡ đại như thế này chỉ có chậu xi măng mới kham nổi.
Cây trà phát triển rất chậm, nhất là trà bạch mỗi năm chỉ ra 2 lần lộc, mỗi lần cao thêm được chừng 10cm nên đám trà “thiếu niên” trong vườn cũng đã 20 năm tuổi, “trung niên” cỡ 30 năm còn “lão niên” phải trên 50 năm, đường kính gốc lên tới 10-15 cm, giá cả từ 30-40 triệu đến 100-150 triệu. Đó là giá bán ngay tại vườn, còn tới tay người chơi qua 2-3 cầu nữa đội lên thường phải gấp đôi, gấp ba.
Thấy tôi để ý đến một “cụ cây” nghe chừng ốm yếu, hình hài gầy guộc, cành lá xanh xao, anh Biên giải thích: “Cây trà bạch này của một người chơi ở Hà Nội mua năm 2008 đã 95 triệu, theo thời giá bây giờ không đưới 200 triệu nhưng đang bị bệnh vì đất trồng quá trũng gây nghẹt rễ, rụng lá, cần phải cấp cứu kịp thời. Công chăm sóc cho cây này là 20 triệu đồng/năm”.
Anh Biên đang chăm sóc trà |
Chưa có loại cây nào mà quan chức lại chơi nhiều như trà, theo anh Biên ước lượng khách hàng của anh đến 50% là cán bộ từ Trung ương, tỉnh, sở đến huyện. Đặc điểm chung của họ là rất kín tiếng về đời tư, chơi âm thầm nhưng cũng không kém phần dữ dội, khi đã phải lòng gốc trà nào là theo đuổi đến cùng. Chính họ đã tạo nên một mạch ngầm mạnh mẽ về trà hoa bên cạnh những dòng chảy chủ đạo của giới chơi cây như sanh, như đa, như tùng, như bách…
Bên cạnh vườn cây khủng của Chử Văn Biên còn có vườn của Chử Văn Hải sở hữu khoảng 150 gốc trà hàng đại (hàng lớn) có giá từ 20-30 đến 70-80 triệu/gốc, Chử Văn Tá sở hữu 500 gốc hàng trung (hàng vừa) có giá 4-5 triệu/gốc…Nhưng người lưu giữ được những gốc trà đỉnh cao nhất của đất Phụng Công phải kể đến ông Chử Văn Vỹ. Tuy số lượng trà trong vườn nhà ông rất khiêm tốn (vì là người chơi chứ không phải chủ vườn) nhưng lại có 3-4 gốc cổ 50-60 tuổi được đánh giá là độc nhất vô nhị, có giá trị 200-300 triệu đồng khiến cho người trong giới chỉ có nước nuốt nước bọt khan vì thèm thuồng.
Cây trà chuẩn phải là một thân, khoảng cách từ gốc lên cành phát bằng ¼ so với chiều cao toàn thân (độ thoát thân), tán tròn, lá xanh đen, nụ sáng đều. Hoa trà nhác trông cũng khá giống hải đường nhưng được cái bền đến nửa tháng chứ không chỉ 1-2 ngày là tàn như người họ hàng xa kia. Không thấp thỏm như đào, mai, hoa trà nở rất đúng hẹn.
Ông Vỹ bên cây trà được giới chuyên môn định giá khoảng 300 triệu |
Trà bạch nở sớm nhất vào cữ tháng chạp, trà thâm (đỏ) nở vào dịp Tết, trà phấn nở vào rằm tháng giêng, trà muống (màu như rau muống) nở vào dịp tháng giêng, tháng hai. Ngoài các giống trà truyền thống, giờ người dân Phụng Công còn du nhập thêm trà lựu, trà phấn cung đình, trà hồng thâm bát diện và cả trà Tàu giống có mùi chứ không như trà ta trong thơ cụ Nguyễn Khuyến thủa nào: “Đếch thấy mùi thơm một tiếng khà”. Bởi vậy mà mùa hoa thêm kéo dài. Vào những tháng ngày đó, anh Biên thường kê chậu trà đang e ấp nụ ra sân, bắc một cái bàn, bày vài cái ghế rồi mời mấy người bạn đến uống trà, đàm đạo. Sáng họ xem trà nở, tối họ thưởng hoa quỳnh. Bên ngoài tràn gió mát, trăng thanh, rất nhanh chóng họ cũng chìm đắm vào trong thú vui chơi cây tao nhã của quan chức.
Người chơi trà khá giống với người chơi hoa hồng cổ ở đức tính đề cao bí mật đời tư. Không có dáng thế kiểu bon sai như cây cảnh nên người không biết khi nhìn thấy đám hoa này trong vườn cũng tưởng chỉ là bụi hoa thông thường chứ không nghĩ rằng chúng trị giá lên tới dăm ba chục tấn thóc. |