Làng mật mía Lâm Thành đã hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay. Đây là nghề cha truyền con nối qua nhiều thế hệ và đem lại cho người dân ở đây nguồn thu nhập khá vào dịp tết đến xuân về.
Trải qua nhiều biến thiên, hiện tại, làng mật mía Lâm Thành chỉ còn hơn 20 lò nấu mật mía.
Mật mía là thứ gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam. Ngày tết, mật mía thường được dùng làm nguyên liệu làm bánh, để chấm bánh chưng, làm bánh gai, bánh trôi, chè lam... thơm, ngon, có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Trước đây, cứ đến dịp tết, người dân làng mật mía Lâm Thành tập trung nấu mật mía rồi đóng chai, đóng can... mang xuống các chợ trong vùng để bán.
Mật sau khi được nấu sẽ đóng vào các can nhựa, chai để bán lẻ. Do chất lượng mật mía làng Lâm Thành đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng, hễ đến tết, các lò nấu mật mía lại tất bật chạy hết công suất, nhiều gia đình đã phải thuê thêm người làm để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong dịp Tết.
Chị Trương Thị Thanh, chủ một lò mật mía ở làng mật mía Lâm Thành chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam “Năm nay gia đình tôi thu mua khoảng 600 đến 700 tấn mía. Số nguyên liệu này sẽ cho ra 60 đến 70 tấn mật mía. Sản lượng nhiều nhưng chúng tôi không sợ ế vì nhiều mối quen đã đặt trước”.
Người dân làng mật mía Lâm Thành cũng cho biết, năm nay giá nguyên liệu cao hơn mọi năm nên mật cũng được giá. Giá bán tại lò hiện dao động từ 11.000 đến 15.000 đồng/kg.
Việc nấu mật mía được người dân Lâm Thành thực hiện chỉ trong 3 tháng cuối năm nhưng mang lại thu nhập tương đối cao. Bình quân, mỗi gia đình lãi ròng từ 40 đến 50 triệu đồng vụ Tết.