Gần 1 tháng qua, cũng như nhiều lò làm bánh tráng truyền thống khác ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), lò bánh tráng của gia đình bà Nguyễn Thị Liễu ngày nào cũng hoạt động nhộn nhịp.
Theo bà Liễu, đầu tháng Chạp đến nay, lò tráng bánh nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày. Như gia đình bà Liễu vào ngày thường mỗi ngày chỉ tráng 20 kg gạo, nhưng vào dịp Tết thì tráng gấp đôi để cung ứng nhu cầu thị trường. Thế nhưng để có bột tráng bánh, từ chiều hôm trước gia đình bà đã ngâm gạo, rồi 3 giờ sáng ngày hôm sau thức dậy xay bột, nhóm bếp lửa.
Bên bếp lò đỏ hừng hực được chụm bằng trấu, đôi tay của người phụ nữ tráng bánh vẫn thoăn thoắt cho bột lên khuôn là một tấm vải phẳng căng trên miệng nồi. Sau đó bột được trải đều thành hình tròn trên tấm vải, đậy nắp vung lại. Chỉ trong chốc lát, hơi nước làm chín bột thành chiếc bánh, sau đó người thợ khéo léo dùng cây đũa tre lấy bánh ra trải lên vỉ tre rồi đem đi phơi nắng.
“Gia đình đã 3 đời làm nghề tráng bánh. Vào buổi sáng gia đình tráng bánh dày, trưa thì tráng bánh mỏng. Đối với bánh dày sẽ bán 30.000 đồng/chục, còn bánh mỏng 25.000 đồng/chục. Ngày nào gia đình cũng tráng, còn có công chuyện thì mới nghỉ”, bà Liễu chia sẻ và cho biết thêm, dịp gần tết nếu chịu khó tráng bánh cũng kiếm thu nhập kha khá.
Không chỉ ở thị trấn chợ Lầu, những cơ sở sản xuất bánh tráng bằng máy ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc cũng hoạt động cả ngày đêm để cung ứng khách hàng.
Anh Trần Ngọc Tuấn, một chủ cơ sở sản xuất bánh tráng máy ở khu phố Phú Hòa (thị trấn Phú Long) cho biết, trước đây gia đình anh làm bánh tráng thủ công, tuy nhiên gần 5 năm nay đã chuyển sang làm bằng máy.
Theo anh Tuấn, tráng bánh bằng tay một ngày không được bao nhiêu sản lượng, còn làm bằng máy công suất tăng hơn gấp đôi. Đối với ngày thường gia đình anh chạy máy làm bánh tráng khoảng tấn bột trở lại, còn dịp Tết tăng thêm vài bao nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Tương tự tại cơ sở bánh tráng máy Ba Riêm, ở khu phố Phú Thịnh, thị trấn Phú Long của gia đình chị Lê Thị Mỹ Vân cũng hoạt động nhộn nhịp, đông đúc lao động làm bánh.
Chị Vân cho biết, dịp Tết, thị trường tiêu thụ bánh tráng tăng cao nên chị phải thuê thêm lao động mới làm kịp theo các đơn đặt hàng. Theo đó, vào ngày thường cơ sở làm bánh của chị chỉ thuê khoảng 16 người nay lên đến 20 người. Trung bình mỗi ngày cơ sở bánh tráng này sản xuất 30.000 cái. Tại đây, bánh tráng được làm nhiều loại như: bánh dành cho nem chả, bánh cho nem lụi, rồi bánh mè, bánh mè nhúng. Bánh được phân phối khi khắp các chợ Phan Thiết, Phan Rí, Hàm Tân…
Qua tìm hiểu được biết, tại thị trấn Chợ Lậu hiện có 43 hộ sản xuất bánh tráng truyền thống với 86 lao động tập trung ở các thôn Xuân An, Hiệp Phước và Xuân Hợp Trong đó, có 42 hộ với 84 lao động làm nghề tráng bánh thường xuyên.
Còn làng nghề bánh tráng ở thị trấn Phú Long có 43 hộ đang hoạt động, tạo công ăn việc làm cho 164 lao động, trong đó có 5 hộ sản xuất bánh tráng bằng máy.
Đối với bánh tráng Phú Long không dày như bánh tráng Chợ Lầu, mà bánh tráng ở đây được làm mỏng hơn và được rắc mè trắng ít hơn. Hiện bánh tráng Phú Long chủ yếu được kinh doanh tại các tiệm tạp hóa, các chợ trong tỉnh. Ngoài ra, một số sản phẩm bánh tráng bằng máy được tiêu thụ ở các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai, TP.HCM...
Theo các hộ dân làm bánh tráng ở Bình Thuận, sức tiêu thụ bánh tráng dịp Tết năm nay sớm và tăng khá hơn so với năm trước. Bánh tráng sản xuất ra không chỉ tiêu thụ tại thị trường trong mà cả ngoài tỉnh nên bà con rất phấn khởi. Người làm bánh tráng kỳ vọng mùa tết năm nay ai cũng làm ăn thuận lợi, doanh thu khá hơn.