Cả thôn dùng nước sông ô nhiễm
Tuyến đê dọc sông Đập Đình (người dân thường gọi là rào Đập Đình), đi qua địa bàn thôn Đồng Kim và Đình Cương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa được đầu tư chỉnh trang, kè kiên cố. Thoạt nhìn, tuyến kè đang mới nên khá trơn tru. Tuy nhiên, nguồn nước dưới sông hoàn toàn đối lập. Màu vàng quạch, cáu bẩn, một số đoạn bốc mùi hôi thối do nước thải sinh hoạt, chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, chó xộc thẳng vào mũi.
Dọc đê, nước phân bón, bùn đất từ đồng ruộng cũng chảy xuống con sông thông qua miệng cống. Giữa lòng sông, cách một đoạn lại có vài ba ống xi măng người dân đặt xuống sử dụng một lớp cát, sỏi sơ sài lọc nước để bơm lên sinh hoạt.
Điều khiến người ta ớn lạnh là cạnh đường ống bơm nước lên sinh hoạt cũng chính là các đường ống nước thải từ hố biogas, từ hoạt động chăn nuôi đổ thẳng ra sông. Có những đường ống nước thải ra đen kịt; phân bò, phân chó lộ thiên.
Ông Trần Viết Quản, Bí thư chi bộ thôn Đồng Kim xác nhận, 100/147 hộ dân trong thôn đã và đang phải sử dụng nguồn nước sông ô nhiễm để tắm rửa, giặt giũ. Một số hộ vào mùa đại hạn, nguồn nước mưa tích trữ không đủ phải bơm nước rào lên dùng hóa chất xử lý để ăn uống.
“Việc sử dụng nước sông Đập Đình để sinh hoạt diễn ra từ đời ông cha. Song trước đây, ít ô nhiễm. Qua thời gian, mật độ dân cư đông đúc, chăn nuôi gia tăng, đồng ruộng phun thuốc BVTV nhiều, tất cả đều xả ra sông khiến nguồn nước bị “đầu độc”, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người sử dụng”, Bí thư thôn Đồng Kim nói.
Theo ông Quản, thôn Đồng Kim có khoảng 10 hộ dân xả nước thải chăn nuôi trâu bò, lợn, chó ra sông Đập Đình. Ngoài nước thải chăn nuôi, nước bể tự hoại, nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình cũng đều đổ ra dòng sông này khiến mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Bà Nguyễn Thị Chung, 65 tuổi, trú thôn Đồng Kim cho biết, đặc thù nguồn nước ở Đồng Kim bị phèn, mặn, nhiễm sắt nên không thể sử dụng. Từ bao đời nay, người dân xây bể tích trữ nước mưa để sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều gia đình do điều kiện khó khăn, bể nước nhỏ nên nguồn tích trữ không đủ sử dụng cho cả năm.
“Bình thường tôi vẫn bơm nước sông lên để tắm giặt, rửa bát đũa, vệ sinh nhà cửa. Những năm hạn hán khốc liệt, tôi phải dùng nguồn nước này xử lý qua Clo để nấu ăn, sinh hoạt. Dùng lâu dài, dù không biết bị bệnh gì nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, bà Chung nói.
Đồng ý kiến, một người dân xin dấu tên chia sẻ, dù biết rất rõ nguồn nước sông Đập Đình ô nhiễm song vì thiếu nước sạch nên phải nhắm mắt sử dụng.
“Nhiều trẻ em dùng nước sông tắm rửa bị ghẻ lở, ngứa chân tay. Bát đũa dùng một thời gian đóng một lớp vàng quạch, rất đáng lo ngại”, vị này thở dài.
Chờ đợi dự án nước sạch gần cả đời người
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, xã Trung Lộc có 10 thôn nhưng hiện chưa có công trình cấp nước tập trung nào được đầu tư xây dựng. Cách đây hơn 2 năm, chính quyền địa phương thực hiện khảo sát nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân đạt tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, chờ đợi mãi dự án vẫn chưa có phản hồi từ cơ quan chức năng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, trú thôn Đồng Kim nhấn mạnh, chị và có lẽ người dân toàn xã rất tha thiết có một dự án cấp nước sạch tập trung cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng mong muốn quy mô tương xứng và lựa chọn nguồn nước đầu vào đảm bảo, tránh tình trạng đầu tư gián đoạn, cấp nước sạch mà không sạch như các công trình khác người dân theo dõi trên ti vi, trên mạng internet.
Bà Trần thị Thiện (72 tuổi), sống một mình nên nguồn nước mưa dự trữ đủ để ăn uống, sinh hoạt, không phải dùng nước sông Đập Đình. Tuy nhiên, chứng kiến hàng xóm thường xuyên phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tắm giặt, ăn uống bà rất lo ngại.
“Nước ở đây rất bẩn nên rất cần nhà máy nước sạch. Nhiều người chờ đợi dự án nước sạch gần cả đời rồi mà chưa có. Bây giờ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước sông này chắc chắn bệnh tật sẽ nhiều”, bà Thiện vừa nói vừa chỉ tay xuống các ống xi măng cáu bẩn đặt dưới sông nói.
Thôn Minh Hương cũng là một trong những thôn ở xã Trung Lộc đang rất “khát” nước sạch. Nước ngầm ở thôn này nhiễm phèn, đục, không thể sử dụng ăn uống. 100% hộ dân người ít đầu tư 5 – 7 triệu đồng, người nhiều hàng chục triệu đồng xây bể chứa nước mưa phục vụ sinh hoạt. Ngặt nỗi nước mưa không được kiểm nghiệm nên chẳng ai dám khẳng định nguồn nước này sạch, an toàn.
“Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với xã, huyện chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần về dự án nước sạch. Bà con mong mỏi có nước sạch để cải thiện chất lượng sống, như bây giờ dùng nước mưa phụ thuộc ông trời, chưa kể lo ngại nước mưa cũng không đảm bảo an toàn”, bà Phan Thị Phương, thôn Minh Hương nói.
Chủ tịch UBND xã Trung Lộc, ông Phạm Quốc Đạt thông tin, hầu hết người dân trên địa bàn đang sử dụng nước từ kênh mương, giếng đất và bể tích trữ nước mưa để sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước mưa nhiều thời điểm không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, trên địa bàn chưa có công trình cấp nước tập trung nào nên nhu cầu sử dụng sinh hoạt chưa được đáp ứng, nhất là mùa hè.
“Trước có dự án xây dựng công trình cấp nước tập trung giai đoạn 2 nối từ xã Mỹ Lộc, chúng tôi đã lấy ý kiến dân thì rất đồng tình, nhưng mãi đến nay dự án chưa triển khai nên chưa biết đến khi nào dân mới có nước sạch sử dụng”, ông Đạt thông tin thêm.
Ngoài thôn Đồng Kim, có khoảng 30 hộ dân thôn Đình Cương cũng sử dụng nước sông Đập Đình để tắm giặt, ăn uống. Hiện chưa có khảo sát nguồn nước sông này ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như thế nào nhưng rõ ràng, việc dùng chung nước sinh hoạt với nước thải chắc chắn là điều bất đắc dĩ, bà con không hề mong muốn.