| Hotline: 0983.970.780

Dân ‘khát’ nước sạch, nhà máy nước thì bỏ hoang

Chủ Nhật 16/04/2023 , 16:45 (GMT+7)

Sau hơn 8 năm hoang phế, hiện Nhà máy nước sạch Vân Canh (Bình Định) đã xuống cấp trầm trọng, giờ muốn nâng cấp, sửa chữa cần phải đầu tư đến 15-20 tỷ đồng…

Hoang phế công trình hơn 7 tỷ đồng

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước đây, Sở được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Vân Canh với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Công trình này gồm các hạng mục: Nhà máy xử lý nước sạch với công suất 1.400 m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm; cùng hạng mục công trình đầu mối Suối Phướn ở thị trấn Vân Canh gồm 2 đập dâng nước, 1 cụm xử lý, cấp nước ra mạng đường ống bằng tự chảy; hạng mục hệ thống mạng đường ống dẫn nước thô, ống dẫn nước sạch và phân phối nước đến người dân do UBND huyện Vân Canh quản lý. Sau khi hoàn thành, Sở NN-PTNT Bình Định đã bàn giao cho UBND huyện Vân Canh quản lý, đưa vào vận hành vào đầu năm 2013.

Thế nhưng sau khi hoạt động được 1 thời gian ngắn, nhà máy này ngừng hoạt động vì người dân không chấp nhận đơn giá nước được ngành chức năng xây dựng.

Empty

Nhà máy nước sạch Vân Canh (Bình Định) được đầu tư hơn 7 tỷ đồng nằm hoang phế hơn 8 năm nay. Ảnh: V.Đ.T.

Trước khi đưa công trình vào vận hành, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh Bình Định tiến hành xây dựng đơn giá nước sinh hoạt theo các mức: 4.500đ/m3 đối với hộ dân cư; 4.800 đồng/m3 sử dụng vào mục đích công cộng; 7.500 đồng/m3 đối với cơ quan hành chính, sự nghiệp; 8.800 đồng/m3 đối với hoạt động sản xuất vật chất và 11.800 đồng/m3 đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ. Tại thời điểm ấy, Trung tâm NS&VSMTNT đề xuất các mức giá nói trên, sau đó gửi văn bản đề nghị UBND huyện Vân Canh cho ý kiến về mức giá, phương án vận hành.

Thế nhưng huyện Vân Canh cho rằng các mức giá nói trên là không phù hợp, nhất là giá nước sạch sinh hoạt ở hộ dân cư. Bởi, những hộ được cấp nước chủ yếu là người dân tộc thiểu số nghèo, không đủ khả năng chi trả nếu tính theo mức giá nói trên. Hơn nữa, trước đó người dân ở đây đã được Công ty TNHH Tổng hợp Vân Canh cung cấp nước sinh hoạt tự chảy cho dân chỉ với giá 750 đồng/m3 nên người dân chỉ đồng tình mức giá 750 đồng/m3.

Empty

Từng hạng mục của Nhà máy nước sạch Vân Canh (Bình Định) dần xuống cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Do người dân không sử dụng, nhà máy không hoạt động được nên không có kinh phí vận hành. Hơn 8 năm nay, công trình hơn 7 tỷ đồng này nằm hoang phế, hạ tầng xuống cấp và thiết bị gỉ sét dần. Đầu năm 2023, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT đã tiếp nhận lại Nhà máy nước sạch Vân Canh từ UBND huyện Vân Canh.

Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Bình Định, sau khi tiếp nhận lại Nhà máy nước sạch Vân Canh, qua kiểm tra thì thấy hệ thống đường ống, máy móc, bể chứa, đồng hồ đều bị xuống cấp nghiêm trọng nên chưa thể khắc phục ngay được.

“Công trình đầu mối đầu nguồn suối Phướn sau khi được Sở Y tế Bình Định kiểm tra mẫu nước kết quả cho thấy có một số tiêu chí không đảm bảo, đơn vị đã cho khắc phục, đầu tư thêm hệ thống khử trùng để tạm thời đưa nguồn nước này về phục vụ cho 640 hộ dân, với mức giá ban đầu là 1.810 đồng/m3. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục các tồn tại để có thể cung cấp nước sạch cho 10.000 người dân từ xã Tây Thuận về xã Canh Vinh theo trục quốc lộ 19C”, ông Minh cho hay.

Khắc phục vướng mắc

Huyện Vân Canh là địa phương được tỉnh Bình Định ưu tiên phát triển công trình cấp nước sạch cho người dân sớm nhất, triển khai 3 giai đoạn, từ năm 1999 đến 2013. Tuy nhiên, đến nay người dân huyện này vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, hầu hết người dân phải sử dụng nước giếng hoặc nước suối từ thiên nhiên không hợp vệ sinh.

Empty

Rêu mọc đầy trong hô chứa. Ảnh: V.Đ.T.

Trước thực trạng của Nhà máy nước sạch Vân Canh, vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, đã phê bình tập thể UBND huyện Vân Canh do thiếu trách nhiệm trong quản lý, không báo cáo những tồn tại trong hoạt động của nhà máy để có giải pháp khắc phục trong khi cả chục ngàn người dân trên địa bàn “khát” nước sạch.

Theo ông Nguyễn Tấn An, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định, sau khi tiếp nhận lại Nhà máy nước sạch Vân Canh, đơn vị này đang tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến khoảng 2.100 hộ dân để thống nhất giá nước phù hợp nhằm để công trình hoạt động trở lại. Công tác tham vấn cộng đồng được người dân đồng thuận khá cao, trên 68% người dân thị trấn Vân Canh chấp thuận sử dụng.

Empty

Thiết bị trong Nhà máy nước sạch Vân Canh (Bình Định) nằm “bất động”, dần gỉ sét. Ảnh: V.Đ.T.

“Do công trình đầu tư thiếu đồng bộ, nên nhiều hạng mục, thiết bị công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, giờ khắc phục phải cần nhiều vốn mới có thể hoạt động ổn định, đảm bảo các tiêu chí về y tế. Hiện, Trung tâm NS-VSMTNT tỉnh Bình Định đã đề xuất cấp trên bổ sung kinh phí từ 15-20 tỷ đồng mới đủ khắc phục những hư hỏng của Nhà máy nước sạch Vân Canh để đưa nhà máy vào phục vụ người dân trên địa bàn huyện”, ông An nói.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, giao Sở NN-PTNT tỉnh này tham mưu chính sách hỗ trợ giá nước sạch cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách, người dân có điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn được tiếp cận với nước sạch. Giao Sở KH-ĐT căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, đề xuất UBND tỉnh bổ sung tất cả danh mục đầu tư các dự án cấp nước sạch năm 2023 để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất; trong đó có nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.