Đề xuất hỗ trợ 460 tỷ đồng
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh nằm ở miền núi, biên giới điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, ngân sách Trung ương trợ cấp hằng năm trên 70%, nguồn kinh phí dự phòng dành cho khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh chưa bảo đảm, phải thực hiện nhiều mục đích khác.
Để bảo đảm an toàn giao thông, hồ đập trong mùa mưa lũ năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương cho tỉnh Lạng Sơn để sửa chữa khẩn cấp một số công trình có nguy cơ mất an toàn cao.
Cụ thể là: Kè chống sạt lở sông Bắc Khê đoạn qua thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định: nhu cầu kinh phí 160 tỷ đồng. Khắc phục thiệt hại về giao thông: cần khoảng 100 tỷ đồng. Khắc phục thiệt hại về thủy lợi: cần khoảng 50 tỷ đồng. Hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại: cần khoảng 100 tỷ đồng. Khắc phục thiệt hại về các công trình hạ tầng khác: cần khoảng 50 tỷ đồng. Tổng kinh phí là 460 tỷ đồng.
Thiệt hại hơn 700 tỷ đồng do mưa lũ
Trong 8 tháng năm 2022, Lạng Sơn hứng chịu rét đậm, rét hại, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 1, 2, 3. Trong đó thiệt hại nặng nhất là đợt mưa lớn trên diện rộng từ ngày 10 - 12/5.
Lượng mưa từ 01h ngày 10/5 đến 17h ngày 11/5 tại các Trạm đo mưa đo được: Bắc Sơn 227,0mm, Lạng Sơn 184,0mm, Mẫu Sơn 117,0mm, Thất Khê 58,0mm, Đình Lập 179,0mm, Hữu Lũng 21,0mm.
Mưa lớn trên diện rộng đã gây ra lũ trên các sông chính trên địa bàn tỉnh, cụ thể mực nước như sau: sông Kỳ Cùng đạt đỉnh lũ lúc 19 giờ (ngày 10/5) tại thành phố Lạng Sơn là 254,02m trên mức báo động II là 0,02m; sông Bắc Giang đạt đỉnh lúc 15 giờ (ngày 10/5) là 189,93m trên báo động II là 1,93m; sông Trung Hữu Lũng đạt đỉnh lũ lúc 06 giờ (ngày 11/5) là 19,06m trên báo động III là 0,06m.
Thiên tai đã gây ra thiệt hại lớn về nhà ở, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tình hình thiệt hại, rà soát, tổng hợp tính đến ngày 30/8/2022:
- Thiệt hại về người: 3 người chết, 03 người bị thương.
- Về nhà cửa: 76 nhà sập đổ trên 70%; 256 nhà tốc mái, hư hỏng; 4.702 nhà bị ngập nước; 93 công trình phụ bị thiệt hại; 387 nhà phải di dời; 6.802 đồ điện dân dụng gia đình bị ngập, hư hỏng....
- Về giáo dục: 44 điểm trường bị ảnh hưởng, hư hỏng; 26 phòng bị ngập nước; 16 nhà bị tốc mái.- Về y tế: 05 điểm trung tâm, trạm y tế bị ảnh hưởng, hư hỏng.
- Nông lâm, nghiệp: + Lúa bị thiệt hại: 1.900 ha diện tích lúa bị thiệt hại (trong đó bị mất trắng trên 70% là 501,6 ha; thiệt hại từ 50 - 70% là 1.059ha; thiệt hại 30 - 50% là 63ha, còn lại bị thiệt hại dưới 30%);
+ Diện tích hoa, rau màu: 3.054 ha diện tích hoa, rau màu bị thiệt hại (trong đó thiệt hại trên 70% là 1.467ha; thiệt hại từ 50 - 70% là 858ha; thiệt hại từ 30 - 50% là 500ha, số còn lại là dưới 30%); 1.876ha ngô bị thiệt hại (trong đó thiệt hại trên 70% là 751ha; từ 50 - 70% là 778ha...).
Ngoài ra còn nhiều thiệt hại khác về tài sản của Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng thiệt hại ước tính trên 710 tỷ đồng.
Hỗ trợ thiệt hại hơn 31 tỷ đồng
Theo thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng cứu, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên địa bàn các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng... những địa phương có mưa lớn, lũ, ngập úng cục bộ, sạt lở đất.
Các đơn vị được phân công đã trực tiếp thăm hỏi động viên gia đình có người thân bị chết, đồng thời hỗ trợ ban đầu cho người nhà nạn nhân.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng đóng trên địa bàn huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Kết quả tổng số tiền đã thực hiện hỗ trợ là 5,171 tỷ đồng, dự kiến thực hiện là 31,655 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh, nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh, huyện, thành phố và các nguồn đóng góp của các tổ chức cá nhân trên địa bàn.
Đối với những thiệt hại khác do thiên tai gây ra mức độ thiệt hại dưới 30% tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, cùng với chính quyền địa phương và nhân dân chủ động tự khắc phục.