| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Vẽ khách sạn trên mỏ khoáng sản, thất thoát 1,5 triệu tấn

Thứ Hai 26/09/2022 , 13:41 (GMT+7)

Mỏ Apatit với trữ lượng lớn thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên& Môi trường nhưng tỉnh Lào Cai lại giao cho doanh nghiệp để xây khách sạn và tận thu khoáng sản...

Vẽ dự án để khai thác quặng? 

Năm 2009, UBND tỉnh Lào Cai, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama thực hiện dự án nhà hàng, khách sạn tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai.

a1

Dự án khách sạn, nhà hàng của Công ty Lilama được cấp trùng vào khai trường 18 có trữ lượng 4 triệu tấn quặng Apatit các loại. 

Dự án khách sạn, nhà hàng 3,77 ha này sau đó được xác định cấp trùng vào khai trường 18 (nằm trong quy hoạch số 28, ngày 18/8/2008 của Bộ Công thương về quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng Apatit giai đoạn 2008- 2020 có tính đến sau năm 2020).

Khai trường này đã được Liên đoàn địa chất 304 thăm dò từ năm 1980 cho thấy tổng trữ lượng quặng Apatit loại 1 là trên 658 nghìn tấn, quặng loại 2 là trên 2 triệu tấn, quặng loại 3 là gần 2 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng nằm trên mặt bằng đã cấp cho Công ty Lilama là gần 4 triệu tấn quặng Apatit các loại.

Ngày 27/01/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Nguyễn Văn Vịnh ký QĐ số 212 thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty Lilama thực hiện dự án nhà hàng khách sạn.

QĐ trên ghi rõ: “Toàn bộ kinh phí đã triển khai thực hiện theo biên bản họp ngày 08/10/2009 giữa Sở KHĐT, Sở Xây dựng…”. Cuộc họp trên thống nhất Công ty Apatit Việt Nam thực hiện thanh toán các chi phí mà Công ty Lilama đã triển khai (chi phí đền bù GPMB, làm đường và các chi phí khác.)

Điều này có dấu hiệu bất thường vì sau khi được cấp Giấy CNĐT, Công ty Lilama do Nguyễn Mạnh Thừa làm giám đốc chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý tiếp theo nhưng đã tổ chức mở đường, san gạt mặt bằng. Hơn nữa, Công ty Apatit Việt Nam không có trách nhiệm, vai trò liên quan đến quá trình cấp phép đầu tư cho dự án của Công ty Lilama nhưng lại “gánh” khoản chi phí của Công ty Lilama.

Năm 2011 ông Nguyễn Văn Vịnh, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký tiếp văn bản số 1253 gửi Sở KHĐT tỉnh này yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở Công ty Apatit Việt Nam thanh toán chi phí hợp lệ của dự án nhà hàng, khách sạn cho Công ty Lilama theo biên bản họp thống nhất trước đó.

Tháng 7/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có QĐ 1744 giao diện tích 3,77 ha (diện tích Công ty Lilama) làm dự án cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng theo quy hoạch Apatit.

Ngày 11/4/2012, UBND tỉnh Lào Cai (tại văn bản số 839) đồng ý tạm giao cho Công ty Apatit Việt Nam tổ chức bảo vệ quặng Apatit trong phạm vi 3,77 ha; Giao Công ty tiến hành cải tạo mặt bằng khu mỏ để xử lý nguy cơ gây sạt lở đất đá. “Trong quá trình cải tạo mặt bằng nếu khối lượng san gạt có kèm theo khoáng sản thì cho phép Công ty Apatit Việt Nam được thu hồi và vận chuyển để quản lý và sử dụng theo quy định”

Việc này có dấu hiệu vượt thẩm quyền khi tại Khoản 7, Điều 55, Luật Khoáng sản 2010 quy định rõ: Chỉ những đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới có quyền thực hiện các hoạt động cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và thu hồi khoáng sản.

Đáng chú ý, cũng ngay tại văn bản số 839 này, UBND tỉnh Lào Cai cũng xác định rõ đây là mỏ quy mô lớn, nằm trong quy hoạch khoáng sản của cả nước, thẩm quyền cấp phép khai thác là của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhờ có “giấy thông hành” 839 trên của UBND tỉnh Lào Cai, chỉ sau đó 1 ngày (ngày 12/4/2012) Công ty Apatit Việt Nam và Công ty Lilama đã “bắt tay” nhau ký hợp đồng kinh tế số 366 a (hợp đồng nguyên tắc). Nội dung hợp đồng chủ yếu là phối hợp thu hồi quặng trong phạm vi 3,77 ha như đã nêu.

Hệ quả là, sau 02 tháng khai thác, hai doanh nghiệp này đã lấy được 169.000 tấn quặng khỏi lòng đất (trong đó quặng loại 1 là 130.000 tấn, quặng loại 3 là 39.000 tấn). Việc nghiệm thu số quặng này thực hiện đập lập giữa hai đơn vị trên, không có sự tham gia, kiểm tra, xác nhận của cơ quan chức năng.

Biết sai nhưng vẫn làm

Như đã nêu ở trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, các sở, ngành liên quan của tỉnh này đều biết rất rõ trên diện tích 3,77 ha nằm trong quy hoạch khai trường 18, có trữ lượng tài nguyên rất lớn, thẩm quyền cấp phép thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường...

a2

Công ty Lilama được cấp phép dự án có vị trí ngay trên thân quặng trong khi pháp luật không cấp phép xây dựng công trình trên đất khoáng sản. 

Tài liệu thể hiện, ngày 19/6/2012 Sở KHĐT Lào Cai chủ trì họp với các sở ngành liên quan để giải quyết đề nghị của Công ty Lilama về xin cấp phép lại dự án.

Đại diện Sở Công thương nêu rõ: Vị trí dự án rơi vào thân quặng, nguyên tắc quy hoạch không được cấp phép các công trình trên diện tích đất có khoáng sản, việc bố trí dự án là chưa phù hợp. Các sở ngành liên quan cũng có những ý kiến quan ngại nếu cho phép Công ty Lilama thực hiện dự án tại khu vực trên vì nhiều lý do khác nhau.

Tại văn bản số 900 (ngày 22/6/2017) của Sở KHĐT Lào Cai cũng nêu rõ: Vị trí dự kiến xây dựng dự án nhà hàng, khách sạn của Công ty Lilama (khu đất 3,77 ha) hiện nằm trong phạm vi khai trường 18 đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng…

Công ty Apatit Việt Nam tại văn bản số 578 (30/6/2012) gửi UBND tỉnh Lào Cai cũng nêu rõ: “Do còn qặng Apatit ở khu vực 3,77 ha, đề nghị UBND tỉnh giới thiệu cho công ty Lilama vị trí đất khác để xây dựng nhà hàng khách sạn”.

Nhưng, ngày 02/8/2012  UBND tỉnh Lào Cai có văn bản 2160/UBND- CN về chủ trương đầu tư dự án nhà hàng khách sạn của Công ty Lilama gửi các sở ngành và đơn vị liên quan.

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai đồng ý chủ trương cho Công ty Lilama do Nguyễn Mạnh Thừa làm giám đốc đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn tại vị trí đất như đã nêu. Công ty Apatit Việt Nam bàn giao diện tích đất 3,77 ha tại khai trường 18 cho Công ty Lilama để lập dự án. “Trong quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản, Công ty Lilama được tận thu và thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định hiện hành”- văn bản 2160 của Chủ tịch tỉnh Lào Cai nêu rõ.

Công ty Apatit Việt Nam đã có văn bản 220 gửi UBND tỉnh Lào Cai và nêu rõ trên diện tích 3,77 ha còn 170.000 tấn quặng Apatit loại 1, 640.000 tấn quặng loại 3. Dưới quặng 1 và quặng 3 là quặng loại 2. Công ty này đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép được tiếp tục khai thác, thu hồi tài nguyên khu vực này.

Tháng 10/2012, các sở ngành của tỉnh Lào Cai họp bàn nhưng không đi đến ý kiến thống nhất về việc cho Công ty Lilama thực hiện dự án.

Đầu tháng 12/2012, UBND tỉnh Lào Cai có văn bản 3805 gửi các sở ngành và đơn vị liên quan. Trong đó xác định rõ: Khu vực Công ty Lilama lập dự án có 0,65 ha đất nằm ngoài khu vực cấm, 3,12 ha nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Cho phép Công ty Lilama điều chỉnh lại diện tích xây dựng dự án, bám theo mặt đường QL 4D.

Ngày 17/12/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký cấp Giấy Chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama để thực hiện dự án đầu nhà hàng khách sạn trên khu đất 3,77 ha như đã nêu. Từ đó bắt đầu một chuỗi tiếp theo để Công ty Lilama khai thác trái phép số lượng quặng Apatit khủng, thu về hàng trăm tỉ đồng.

“Cơ quan điều tra đã xác định, Nguyễn Mạnh Thừa- Giám đốc Công ty Lilama đã thu được (giai đoạn 2012- 2015) trên 1,5 triệu tấn quặng Apatit, giá trị hơn 610 tỷ đồng; trong đó khai thác trên diện tích 3,77 ha là hơn 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 517 tỷ đồng. Thừa đã nâng khống 177 tỷ đồng để chiếm hưởng, sử dụng vào việc cá nhân”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.