| Hotline: 0983.970.780

Lao đao mận tam hoa

Thứ Hai 07/06/2021 , 17:41 (GMT+7)

Mọi năm, mận tam hoa Bắc Hà loại đẹp giá lên tới 50.000 đ/kg. Năm nay, giá mận loại đẹp hiện chỉ bằng nửa năm ngoái, có loại chỉ còn 3.000 - 5.000 đ/kg.

Mận tam hoa, loại quả đặc sản của vùng đất du lịch "cao nguyên trắng” Bắc Hà (Lào Cai), hiện nay đã bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên do dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước tạm dừng các hoạt động du lịch, dịch vụ nên sức mua thị trường yếu hơn mọi năm, giá mận cũng theo đó giảm khoảng một nửa so với năm trước mà vẫn vắng khách mua, khiến người trồng mận Bắc Hà lo lắng.

Mận rớt giá thê thảm

Chị Vàng Thị Khuyên, dân tộc Tày ở xã Na Hối (nơi có vựa mận tam hoa lớn nhất Bắc Hà) buồn rầu cho biết: Gia đình có trên 200 gốc mận. Cây năm nay rất sai quả và chỉ ít ngày nữa là sẽ chín đồng loạt. Với nông dân Na Hối, mận là cây trồng chủ lực, bao hi vọng cả năm đều trông cả vào vụ mận.

Vắng khách du lịch, mận tam hoa rẻ ê hề nhưng cũng chẳng có người mua. Ảnh: Khuất Linh.

Vắng khách du lịch, mận tam hoa rẻ ê hề nhưng cũng chẳng có người mua. Ảnh: Khuất Linh.

Thế nhưng hiện giá mận quá rẻ mà lại không có người mua. "Sáng sớm nay, có xe ô tô về tận trung tâm huyện thu mua, họ chỉ trả 3.000 - 5.000 đồng/kg mận xô, bà con cũng đành phải bán, vì khi quả đã chín khó giữ lâu", chị Khuyến thở dài. 

Bà Nguyễn Thị Khánh, một người dân trồng mận đang bán mận tại cổng Đền Bắc Hà chia sẻ: Mọi năm khi khách du lịch lên đông (lên xem đua ngựa Bắc Hà đầu tháng 6), đúng vào mùa mận nên rất dễ bán. Mận tam hoa Bắc Hà đã có thương hiệu nên khách du lịch rất ưa chuộng, tìm mua và thường bán được giá cao, ổn định.

Ví như năm ngoái, loại quả to có giá lên tới 50.000 đồng/kg. Có gia đình thương lái thấy đẹp còn mua cả vườn, còn năm nay họ chỉ mua theo thời điểm. Tuy nhiên hiện tại, mận loại một quả to và đều chằn chặn mới có giá 30 nghìn đồng/kg, loại bé hơn thì 10-15 nghìn đồng/kg, loại bé hơn nữa chỉ từ 3-5 nghìn đồng/kg. nghìn, thấp hơn so với thời điểm năm ngoái rất nhiều. 

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bắc Hà cho biết: Năm 2021, với thời tiết, khí hậu thuận lợi, mận tam hoa và các loại cây ăn quả ôn đới địa phương được mùa. Sản lượng mận tam hoa và cây ăn quả ôn đới năm nay khá cao (khoảng 3.500 tấn, trong đó riêng mận tam hoa ước đạt trên 3.000 tấn, còn lại là các loại cây ăn quả khác như lê VH6, lê xanh, mận Tả Van khoảng 500 tấn).

Gía mận loại đẹp giảm một nửa so với mọi năm, trong khi mận quả bé, giá chỉ còn 3.000 - 5.000 đ/kg. Ảnh: Khuất Linh.

Gía mận loại đẹp giảm một nửa so với mọi năm, trong khi mận quả bé, giá chỉ còn 3.000 - 5.000 đ/kg. Ảnh: Khuất Linh.

Trong khoảng 3 tuần đầu của tháng 6/2021, mận chín rộ nên dự báo khả năng tiêu thụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, huyện Bắc Hà cũng chưa có nhà máy bảo quản, chế biến, sản xuất hoa quả tươi nên khả năng tiêu thụ trái cây, nhất là mận dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà, đến thời điểm này, sản lượng mận của huyện mới chỉ tiêu thụ được khoảng 962 tấn, trong đó chủ yếu các tiểu thương bán tại khu vực cổng Đền Bắc Hà, đóng hộp gửi xe đi Lào Cai, Hà Nội và các thành phố lớn khác. Ngoài ra bước đầu đã có đơn mua hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart, Voso.vn được tổng số 49 đơn hàng, với số lượng 275kg quả.

Tính nhiều phương án tiêu thụ

Chung tay tháo gỡ khó khăn với nông dân, từ rất sớm, UBND huyện Bắc Hà đã an hành kế hoạch chỉ đạo triển khai, thực hiện các giải pháp tiêu thụ sản phẩm mận tam hoa và cây ăn quả địa phương trong tình hình dịch Covid-19.

UBND huyện đã có văn bản đề nghị VNPT Lào Cai, Viettell Lào Cai hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm mận Bắc Hà trên App Du lịch Lào Cai, các website/panpage của VNPT và Viettel Lào Cai; đề nghị Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettell Lào Cai hỗ trợ giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam (Postmart.vn); sàn thương mại điện tử của Viettelpost (Voso.vn)...

Huyện Bắc Hà đã sớm lường trước những khó khăn tiêu thụ mận do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và đã sớm triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ vẫn đang rất khó khăn. Ảnh: Khuất Linh. 

Huyện Bắc Hà đã sớm lường trước những khó khăn tiêu thụ mận do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và đã sớm triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên hiện nay việc tiêu thụ vẫn đang rất khó khăn. Ảnh: Khuất Linh. 

Huyện Bắc Hà cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh về việc đề nghị hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ mận tam hoa. Đồng thời, thực hiện ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettel Lào Cai để đưa sản phẩm mận tam hoa lên sàn thương mại điện tử Bưu điện tỉnh (postmart) và sàn thương mại điện tử của Viettelpost (Voso.vn), đưa lên các trang mua bán trực tuyến (lazada, shoppee, Sendo); đồng thời thực hiện đăng ký tem truy xuất nguồn gốc QR Code cho sản phẩm mận tam hoa Bắc Hà.

Vừa qua, Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã liên hệ, triển khai sấy thử nghiệm 50 kg quả mận tươi tại nhà máy chế biến rau quả của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu tại huyện Mường Khương, hiện đang chờ kết quả đánh giá chất lượng và giải pháp thu mua của công ty.

Hội Nông dân huyện Bắc Hà cũng đã làm việc, ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ nông sản với Hội Nông dân Thành phố Lào Cai. Vừa qua, UBND huyện Bắc Hà cũng đã làm việc với Học Viện Nông nghiệp Việt Nam bàn các giải pháp bảo quản và tiêu thụ mận tam hoa.

Theo đó, đã thống nhất đề xuất đưa ra 2 phương án gồm bảo quản lạnh thời gian kéo dài đến 45-50 ngày; chế biến bằng phương pháp sấy dẻo (sấy lạnh) giúp bảo quản trái cây lâu dài. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã triển khai tới các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mận cho người dân.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm