| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo chất lượng mận Tam hoa Bắc Hà

Thứ Ba 22/05/2012 , 10:40 (GMT+7)

Tỉnh Lào Cai đang tiến hành cải tạo chất lượng giống, tìm lại thời vàng son của cây mận Tam hoa Bắc Hà…

Cây mận Tam hoa được du nhập vào huyện Bắc Hà từ đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Sau 40 năm, do phát triển ồ ạt, lại trong thời kỳ thoái hoá, cây mận mất chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy tỉnh Lào Cai đang tiến hành cải tạo chất lượng giống, tìm lại thời vàng son của cây mận…

Năm 1972 Trại rau quả Bắc Hà đã di thực giống mận Tam hoa từ Trung Quốc về trồng khảo nghiệm 50 gốc tại vườn của trại. Giống mận có tên là “Tam hoa” là bởi mỗi chùm có 3 hoa. Mận Tam hoa có nhiều ưu điểm nổi trội: Cây sinh trưởng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chịu được rét và băng giá, màu quả đẹp, chín sớm, chất lượng quả ngon…Do bán được giá cao, cây trồng bằng cách ghép mắt cành vào gốc mận dại, nên tốc độ phát triển rất nhanh.

Người dân Bắc Hà đã tự nguyện phá bỏ vườn tạp để trồng mận, mận leo lên các sườn núi, tràn xuống thung sâu, nhiều diện tích ruộng cũng được trồng mận. Không một gia đình nào ở Bắc Hà là không trồng mận, màu xanh của mận lan khắp các triền núi từ Tả Chải, Na Hối, Bản Phố rồi lên tận Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài… Đỉnh cao diện tích và sản lượng mận của Bắc Hà vào năm 1998, toàn huyện có trên 2.100 ha mận Tam hoa, sản lượng 13.000-15.000 tấn.


Cải tạo mận Tam hoa nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng

Nhờ cây mận Tam hoa kinh tế huyện Bắc Hà phát triển mạnh nhất các huyện vùng cao Lào Cai, theo thống kê từ những năm 1980 đến năm 2000, tỷ trọng thu nhập từ mận Tam hoa chiếm tới 40 - 75% tổng thu nhập của nhiều hộ nông dân. Bởi thế, nhiều hộ nông dân trở nên giàu có, ví như gia đình các ông: Sìn Diu Pà, Sùng Cồ Si, Vàng Văn Pao, Nùng Lùng Phủ…nhiều năm thu 150-200 triệu từ vườn mận. Người ta không chỉ bán quả, nhiều hộ ươm cây giống bán khắp nơi: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang…đâu đâu cũng trồng mận Tam hoa.

Do phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, nên Bắc Hà không còn chiếm vị trí độc tôn về cây mận Tam hoa, hầu như các địa phương vùng cao khắp các tỉnh miền núi phía Bắc đều trồng được giống mận này. Từ năm 2000 giá mận xuống tới mức thảm hại, lúc chính vụ chỉ bán được với giá 200 đ/kg, nhiều hộ dân chẳng thèm hái để mận rụng đầy gốc. Từ năm 2003 người dân bắt đầu chặt mận do bán không được giá và cây mận cũng đến thời kỳ già cỗi, thoái hoá. Năm 2010 diện tích mận Tam hoa chỉ còn 521 ha, nguy cơ cây mận bị xoá sổ đã hiện hữu, năm 2011 Lào Cai tiến hành cải tạo chất lượng giống mận Tam hoa tìm lại vị thế của giống mận trên thị trường.

Vùng quy hoạch cải tạo chất lượng giống mận Tam hoa nằm ở trung tâm của vùng mận Bắc Hà, bao gồm 52 thôn thuộc 8 xã: Na Hối, Tà Chải, Lầu Thí Ngài, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Lùng Phình, Tả Văn Chư và thị trấn Bắc Hà. Diện tích quy hoạch 300 ha trong đó, trồng mới thay thế diện tích mận già cỗi, chất lượng kém 124 ha, diện tích cải tạo 53 ha, trồng mới 123 ha, với hơn 1.600 hộ tham gia.

Do áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng mận khu vực dự án đã thể hiện khá rõ: Quả to, đều, màu sắc đẹp, số lượng quả sâu ít... Mận Tam hoa Bắc Hà do chín muộn hơn so với các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng nhiều thương lái đã lên tận các vườn mận để đặt hàng.
Quy trình kỹ thuật đốn tỉa tạo tán và chăm sóc cây trồng được áp dụng theo quy trình của Australia đã được Viện BVTV, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp, Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông áp dụng xây dựng mô hình đốn tỉa mận, đào tại Sa Pa, Bắc Hà từ năm 2005 đến nay. Phân bón 3 đợt trong năm vào các tháng: Tháng 3 để nuôi quả, tháng 7 sau khi thu hoạch nhằm dưỡng sức cho cây, tháng 11 chuẩn bị cho cây ra hoa. Khi bón phân dùng cuốc xới nhẹ trên mặt đất sau đó rắc phân rồi phủ rơm rạ, cỏ khô hoặc các vật liệu khác để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Đốn tỉa tạo tán thấp, rộng, để cây tiếp nhận ánh sáng và dễ chăm sóc, thu hái.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 đến năm 2015, do Trung tâm Giống NLN Lào Cai làm chủ dự án. Một số chính sách hỗ trợ cho người dân tham gia dự án: Hỗ trợ từ 800-1.200 kg/ha phân hữu cơ đối với diện tích trồng mới, 20-30 kg/ha phân vô cơ trong năm đầu đối với diện tích trồng mới, trồng thay thế, diện tích đốn tỉa cải tạo, hỗ trợ dụng cụ chuyên dụng đốn tỉa cành cho diện tích cải tạo...tổng kinh phí là 14,703 tỷ, trong đó người dân bỏ vốn là 10,74 tỷ, Nhà nước hỗ trợ 3,963 tỷ. Hai năm (2011-2012) triển khai trồng mới 150 ha, đốn tỉa, chăm sóc 53 ha.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.