| Hotline: 0983.970.780

Lao đao mùa vỡ hụi cuối năm

Thứ Năm 04/01/2018 , 09:05 (GMT+7)

Nhiều gia đình chồng giấu vợ, vợ trốn chồng lặng lẽ cắm sổ đỏ, thế chấp nhà cửa, vay nợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau để dồn tiền dây hụi hưởng lãi suất hàng tháng...

Cuối năm, liên tiếp các vụ vỡ hụi với số tiền lớn xảy ra đã khiến rất nhiều người dân thôn quê lao đao.

19-15-21_2
Nhiều người dân ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) lao đao vì vỡ hụi

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là đến mùa vỡ hụi, hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh trắng tay, có người còn tự vẫn. Bài học vỡ hụi hằng năm lúc nào cũng là quá đắt, nhưng rồi vì mờ mắt trước lãi suất khủng của chủ hụi đưa ra mà nhiều người vẫn cắm đầu lao vào, để rồi cuối cùng chuốc lấy nỗi ê chề mang tên “vỡ hụi”.

Ngày 28/12/2017, những người dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) vẫn chưa hết xôn xao bàn tán về vụ vỡ hụi bạc tỷ mới xảy ra trên địa bàn. Số là, sau khi gom tiền của nhiều người, bà Đỗ Thị P, trú thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, là chủ hụi đã lặng lẽ bỏ đi khỏi địa phương, khiến nhiều người dân nguy cơ mất tiền tỷ. Bà Dương Thị Luyện, trú thôn Sâm Linh Đông cho biết, bà góp hụi cho bà P từ tháng 11/2016 đến 21/11/2017, là 42 triệu đồng. Tuy nhiên, sắp đến ngày hốt hụi thì bà P đã không biến mất.

Cũng tháng 12/2017, nhiều tiểu thương tại chợ Cống (TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đứng ngồi không yên vì một dây hụi lớn hàng tỷ đồng đã bị vỡ. Số là, bà Nguyễn Thị Thu Thảo (sống tại kiệt 163 phường Xuân Phú) đã tự đứng ra làm chủ hụi và đi thu tiền. Nhiều người đã đem toàn bộ tài sản tích góp để chơi.

Cuối cùng khi không còn khả năng thanh toán, chủ hụi lặng lẽ rời đi. Chỉ riêng tại chợ Cống, hơn 30 tiểu thương tham gia vào dây hụi này với số tiền hàng tỷ đồng. Ngoài ra nhiều người dân ở phường Xuân Phú cũng là nạn nhân trong vụ vỡ hụi. Có người hằng ngày vẫn tìm đến nhà "chủ hụi" chờ đợi một phép màu nhưng chỉ là vô vọng. 

19-15-21_1
Giấy ghi một vụ vỡ hụi ở Quảng Ngãi

Đó chỉ là một số trong số rất nhiều vụ việc vỡ hụi xảy ra gần đây trên cả nước. Số phận những “chủ nợ” bỗng dưng trắng tay vì chơi hụi đang rất bi đát. Những vụ vỡ hụi đã cuốn đi biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng con người khiến nhiều gia đình đang yên ấm bỗng rơi vào cảnh tan nát, tình cảm gia đình, hàng xóm phôi phai.

Hiện nay ở nhiều địa phương, cách chơi hụi đã bị biến tướng, bóp méo, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người chơi hụi đều khẳng định đó là một cách để có vốn làm ăn. Nhưng mọi người dần bị cuốn theo những khoản lãi suất “siêu khủng”. Sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trước cám dỗ của đồng tiền khiến họ mờ mắt, tự nguyện mang tiền đến góp mà không có bất kỳ một loại giấy tờ nào, hoặc có cũng chỉ là những tấm giấy viết tay vô giá trị về mặt pháp lý.

Nhiều gia đình chồng giấu vợ, vợ trốn chồng lặng lẽ cắm sổ đỏ, thế chấp nhà cửa, vay nợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau để dồn tiền dây hụi hưởng lãi suất hàng tháng. Sau khi lấy được tiền một cách dễ dàng, họ mua sắm đồ dùng gia đình, chơi cờ bạc lô đề, dẫn đến các tổ phường hụi vỡ tan tành. Chi tiêu một cách vô bổ bằng tiền của người khác, cho đến khi không còn khả năng trả lại tiền cho những người đã nộp trước được nữa, thì các đối tượng này tìm cách thoái thác, bỏ trốn, thậm chí treo cổ tự vẫn.

19-15-21_3
Nhiều phường hụi góp vốn và cam kết chỉ là tờ giấy viết tay

Còn những chủ hụi có “âm mưu” lừa đảo, thường có toan tính từ trước. Ban đầu họ cố tình phô trương tiềm lực kinh tế để các "hụi viên" tin tưởng. Khi đã chiếm được lòng tin, họ gom tiền bỏ trốn. Một điều đáng chú ý là thường vào dịp cuối năm, các “hụi viên” lúc này mới hốt hụi để trả nợ, lo sắm sửa cho gia đình và làm nhiều việc khác, cần tiền mới tìm đến chủ hụi thì chủ hụi đã bỏ trốn. Đó là lý do vì sao vào thời điểm cuối năm, tình trạng vỡ hụi lại rộ lên hơn bao giờ hết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.