| Hotline: 0983.970.780

Lập trạm dã chiến trong rừng ngăn chặn người nhập cảnh trái phép

Chủ Nhật 29/03/2020 , 08:44 (GMT+7)

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh đã triển khai 12 chốt kiểm dịch cố định và lập một số trạm dã chiến trong rừng ngăn chặn công dân vượt biên trái phép.

Chốt chặn tại các đường mòn, lối mở

Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh đã có một trường hợp dương tính Covid-19, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa cửa khẩu Cầu Treo, huyện Hương Sơn.

Đây cũng là khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao nhất, bởi những ngày qua số lượng công dân hồi hương từ các nước Lào, Thái Lan, Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tăng đột biến. Cá biệt có những ngày số người nhập cảnh lên đến con số 500.

Trạm dã chiến được BĐBP Hà Tĩnh đặt tại các đường mòn, lối mở trên khu vực Cửa khẩu Cầu Treo, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Ảnh: Gia Hưng.

Trạm dã chiến được BĐBP Hà Tĩnh đặt tại các đường mòn, lối mở trên khu vực Cửa khẩu Cầu Treo, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Ảnh: Gia Hưng.

Để kiểm soát, ngăn chặn tối đa các trường hợp cố tình vượt biên, trốn khai báo y tế, trốn cách ly, các lực lượng BĐBP, Hải quan, chính quyền địa phương tăng cường phân luồng, lập các trạm dã chiến trong rừng, chốt chặn tại các đường mòn, lối mở và 2 bên cánh gà khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.

Trung tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho hay, khi thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cách ly tập trung 100% công dân nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện các thủ tục y tế, đồng thời phân loại nhập cảnh để đưa bà con về khu cách ly đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân do sợ bị cách ly nên đã cố tình nhập cảnh trái phép bằng những con đường mòn, lối mở, gây khó khăn trong công tác chống dịch.

Tăng cường lực lượng tuần tra trong rừng. Ảnh: Gia Hưng.

Tăng cường lực lượng tuần tra trong rừng. Ảnh: Gia Hưng.

“Ngoài 12 chốt kiểm dịch cố định, chúng tôi thành lập thêm 2 tổ tuần tra lưu động, đặt trạm dã chiến tại các đường mòn lối mở, khu vực ngã 3 trên tuyến biên giới Việt - Lào. Các chốt này thường trực có 5 chiến sỹ biên phòng trực chốt chặn, kịp thời phát hiện các đối tượng nhập cảnh trái phép”, Trung tá Nguyên nói.

Việc tăng cường tuần tra, kiểm soát đã ngăn chặn được 6 đối tượng có hành vượt biên trái phép, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Đại úy Đỗ Mạnh Hùng, Phó trạm trưởng Trạm Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo khuyến cáo, thời điểm này dịch Covid-19 ở giai đoạn căng thẳng nhất. Do đó, công dân khi nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu Cầu Treo phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Cụ thể là thực hiện khai báo y tế và cách ly tập trung; lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ phun tiêu độc khử trùng đối với người và phương tiện; đồng thời, phát khẩu trang và cơm miễn phí cho những người có nhu cầu.

Chăm lo bữa ăn cho người dân cách ly

Để góp phần giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương, những ngày gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã, như: Khánh Vĩnh Yên, Sơn Lộc, Mỹ Lộc... (huyện Can Lộc) thành lập các tổ hậu cần, hỗ trợ lực lượng chức năng chăm lo bữa ăn cho người dân tại các khu cách ly tập trung.

Hội phụ nữ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc chăm lo bữa ăn cho người dân các điểm cách ly tập trung. Ảnh: Gia Hưng.

Hội phụ nữ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc chăm lo bữa ăn cho người dân các điểm cách ly tập trung. Ảnh: Gia Hưng.

Hàng ngày, dù nắng hay mưa các hội viên cũng đi xuống tận từng hộ trong xóm nhận hỗ trợ thịt, rau, củ, quả, trứng..., sau đó tập kết về điểm nấu ăn.

Bà Trần Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ, Can Lộc là một trong những địa phương có công dân cách ly tập trung lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh. Để cải thiện bữa ăn cho những người đang cách ly, Hội LHPN huyện đã huy động các hội viên trên địa bàn cùng nhau quyên góp nhu yếu phẩm. Đồng thời, thành lập các tổ nấu ăn, luân phiên nhau phục vụ tại các điểm cách ly tập trung.

“Mặc dù chỉ mới phát động 4 ngày nhưng hoạt động này nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ các hội viên. Họ sẵn sàng tạm gác công việc gia đình để phục vụ cộng đồng”, bà Nguyệt nói.

Tại xã Mỹ Lộc - nơi có số lượng lao động từ Thái Lan về quê lớn nhất toàn huyện, người dân trong xã đã ủng hộ 65 kg gạo, 10 thùng mỳ tôm, 60 bình nước uống, 1.000 khẩu trang cùng hàng trăm chai nước đóng chai… cho điểm cách ly tập trung.

Ngoài ra, xã cũng chủ động làm việc với nhà hàng Đồng Quê - nơi có người thân trong diện cách ly tập trung đặt hàng, mỗi ngày đáp ứng đủ 250 suất ăn cho người dân.

Thực phẩm hầu hết được huy động ủng hộ từ các hộ gia đình trên địa bàn. Ảnh: Gia Hưng.

Thực phẩm hầu hết được huy động ủng hộ từ các hộ gia đình trên địa bàn. Ảnh: Gia Hưng.

Thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, tổng trị giá nhu yếu phẩm các cá nhân và người dân ở một số địa phương của Can Lộc quyên góp đã lên đến khoảng 360 triệu đồng.

Khu cách ly tập trung sắp quá tải

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Can Lộc, đến nay toàn huyện có gần 8.000 lao động học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài. Trong đó, số lao động tại Lào và Thái Lan khoảng hơn 4.000 người.

Hiện các điểm cách ly tập trung của huyện đã tiếp nhận, tổ chức cách ly 1.117 người là con em địa phương lao động tại Lào và Thái Lan về nước. Tuy nhiên, tại khu cách ly của xã Mỹ Lộc và Trường  nghề Lý Tự Trọng đã quá tải. Dự báo trong thời gian tới số người từ nước ngoài, ngoại tỉnh về phải cách ly tập trung khoảng trên 2.600 người.

“Để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, Can Lộc trích ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng/1 điểm cách ly/100 người”, ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin thêm.

Một số điểm cách ly tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh sắp quá tải. Ảnh: Gia Hưng.

Một số điểm cách ly tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh sắp quá tải. Ảnh: Gia Hưng.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 290 khu cách ly tập trung, đáp ứng được khoảng 17.000 người. Với tình hình người trở về từ Lào, Thái Lan ngày càng đông như hiện nay thì các khu cách ly sẽ lấp đầy trong thời gian tới.

“Các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng điều chỉnh các khu cách ly để đảm bảo đủ tiếp nhận trên 21.000 người”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo.

Đề phòng dịch Covid-19 lây lan, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản, yêu cầu, tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh: karaoke; mát xa; quán bar, vũ trường; các cơ sở dịch vụ du lịch; tụ điểm vui chơi, giải trí; rạp chiếu phim; sân vận động; các nhà hàng ăn, uống, giải khát có quy mô đông người... từ 0h ngày 28/3/2020 cho đến khi có thông báo tiếp theo (trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu...).

Đặc biệt, từ ngày 27/3 tạm dừng tất cả các hoạt động đại hội, hội họp, tụ tập trên 20 người cho đến khi có thông báo mới.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.