Bộ NN-PTNT xác định, trong công cuộc số hóa, chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, người nông dân sẽ là trung tâm và là động lực phát triển.
Xu thế toàn cầu
An ninh lương thực và phát triển bền vững đã và đang là một vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với nền nông nghiệp thế giới. Nhận thức về vấn đề này đã được chỉ rõ trong báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh các Chính phủ về tương lai của công nghệ nông nghiệp.
Đối mặt với thách thức này, các nền nông nghiệp đòi hỏi phải có sự nỗ lực phối hợp tổng thể của các Chính phủ, nhà đầu tư và công nghệ nông nghiệp sáng tạo. Trong đó, nền sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ góp phần định hình chuỗi giá trị và sản xuất cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với hàng loạt các ưu thế về tối ưu tài nguyên, tối ưu chi phí và mở rộng sản xuất.
Vấn đề phối kết hợp và ứng dụng nền tảng số hóa với nông nghiệp được thực hiện trên nhiều khía cạnh công nghệ như: dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), robot, cảm biến, tích hợp hệ thống, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, an toàn, an ninh mạng (Cyber Security)... đã và đang tác động tới tất cả khía cạnh của nền sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chỉ số Số hóa các ngành (Industry Digitalization Index) của McKinsey Global Institute thì việc ứng dụng các công nghệ số vào nông nghiệp xếp ở vị trí cuối cùng.
Như vậy, để ứng dụng và tích hợp các công nghệ số vào các hoạt động của chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp giúp gia tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên thân thiện thì ngành nông nghiệp trên toàn thế giới cần được chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để bắt kịp với xu thế các ngành, lĩnh vực khác.
Công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trên thế giới với tốc độ cao, mở cánh cửa để các nước tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một số quốc gia trên thế giới đã sớm đưa ra những chiến lược, chương trình hành động cụ thể với sự quyết tâm cao.
Cụ thể, để tạo nền móng cho chuyển đổi số nông nghiệp, sau khi FAO ban hành hướng dẫn xây dựng chiến lược nông nghiệp số, FAO đã hỗ trợ được 18 nước khu vực châu Âu và Trung Á xây dựng được chiến lược quốc gia về nông nghiệp số. Ngoài ra, một số nước phát triển cũng đã có chiến lược nông nghiệp riêng của mình như: Đan Mạch, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên trên con đường chuyển đổi số để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên số vì vậy việc học tập, áp dụng sáng tạo kinh nghiệm của các nước trên thế giới là cần thiết để rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Tối ưu hóa hiệu quả nông nghiệp
Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nhiều quốc gia. Đặc biệt với Việt Nam, một nước có nền sản xuất nông nghiệp làm nền tảng.
Nông nghiệp Việt Nam được ghi nhận có sự tiến bộ vượt bậc. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn của thế giới.
Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị được chú trọng; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai. Tăng cường giao dịch qua sàn thương mại điện tử để hỗ trợ các địa phương kết nối, kịp thời tiêu thụ nông sản.
Thế nhưng, sự tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng như tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên các yếu tố đầu vào truyền thống cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư...) và nguồn lực tự nhiên cao, đồng thời sau một thời gian dài phát triển còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế chưa được khắc phục.
Vì vậy, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.
Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ nhất là các công nghệ số mới hiện nay, ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất kinh doanh... sản phẩm tạo ra sẽ không thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với đường lối phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự phát triển rực rỡ của các công nghệ số mới sẽ là những nhân tố, giải pháp tổng thể và triệt để khắc phục những hạn chế mà nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, để làm được điều đó, nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường…
Ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động phát triển kinh kế số và xã hội số của ngành theo hướng nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số sẽ góp phần giúp thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh.
Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững, tập trung vào cải thiện năng suất, hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, giảm phát thải.
Ngành nông nghiệp đã xác định số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm không mới, chuyển từ phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên, thị trường tiêu thụ sang sản xuất dựa trên dữ liệu và dự báo về điều kiện tự nhiên, nhu cầu, xu hướng và thị hiếu của thị trường tiêu thụ.
Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cho các chuỗi ngành hàng nông sản.
Hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.