Sớm tổ chức các lớp học chuyển đổi số cho cán bộ ngành nông nghiệp. Kiểm tra, xử lý cá chết tại hồ Sông Mây. Mưa ‘giải nhiệt’ làm đổ rạp hàng chục ha lúa xuân. Xử nghiêm hành vi cấp nước sinh hoạt giá cao.
Sớm tổ chức các lớp học chuyển đổi số cho cán bộ ngành nông nghiệp
Thanh Thuỷ sx
Phát biểu tại buổi họp ban chỉ đạo chuyển đổi sốchiều 3/5, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng chuyển đổi số cần xuất phát từ việc giảm công đi lại cho người dân mỗi khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Sức mạnh của chuyển đổi số nằm ở chuyển đổi phương thức hoạt động vật lý sang số hoá. Vận dụng khoa học công nghệ để Giải quyết các vấn đề quản trị trong ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị mới thích nghi với sự phát triển của xã hội thông tin và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo sớm tổ chức các lớp học chuyển đổi số cho cán bộ, viên chức Bộ Nông nghiệp và tập huấn liên tục đến khi nào cụ thể hoá thành hành động.
Kiểm tra, xử lý cá chết tại hồ Sông Mây
Minh Sáng sx
Sáng 3/5, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai dẫn đầu Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác xử lý cá chết và tìm hiểu nguyên nhân cũng như tiến độ xử lý môi trường tại hồ Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Theo đại diện Sở NN-PTNT Đồng Nai, nguyên nhân cá chết hàng loạt trong những ngày qua là do lượng nước trong hồ xuống thấp, đáy hồ khô cạn, trong khi đó mật độ nuôi dày đặc nên cá bị thiếu oxy. Bên cạnh đó, mặc dù đã được các đơn vị quản lý và thi công sớm cảnh báo về việc thu hoạch cá trong lòng hồ để phục vụ thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây nhưng đội nuôi trồng thủy sản còn chủ quan.
Ông Minh đề nghị đơn vị nuôi trồng thủy sản phối hợp với đơn vị thi công khẩn trương khắc phục xử lý môi trường, bằng biện pháp rải vôi bột; đồng thời nạo vét hút hết lượng bùn và nước bị ô nhiễm trong lòng hồ vì hiện vẫn còn mùi hôi xung quanh hồ.
Mưa ‘giải nhiệt’ làm đổ rạp hàng chục ha lúa xuân
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Rạng sáng hôm nay đã có trận mưa lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trận mưa đã làm hạ nhiệt những ngày nắng nóng kéo dài và tưới cho cây trồng trên những vùng gò đồi đang hạn hán. Tuy nhiên, cũng làm ảnh hưởng đến một số diện tích lúa đông- xuân tại các địa phương đang trong thời kỳ vào thu hoạch. Theo ước tinh, đã có gần 50 ha lúa đông- xuân tại các địa phương đang chín bị mưa làmg đổ rạp.
Tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, diện tích lúa bị đổ rạp ở khu vực đồng ngoài bên sông Kiến Giang. Hiện, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các địa phương tập trung nhân lực, máy móc để ưu tiên thu hoạch trước các diện tích lúa bị đổ rạp, hạn chế giảm năng suất lúa, tránh thiệt hại cho bà con nông dân.
Xử nghiêm hành vi cấp nước sinh hoạt giá cao
Quang Linh sản xuất
Với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”, ngày 3/5, UBND tỉnh Thái Nguyên phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh của tỉnh Thái Nguyên đạt 96,5%.
Để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 98% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã đề ra và mục tiêu 80% tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn dài hạn. Trong đó, cần chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ cấp nước tự phát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình thiếu nước sinh hoạt để trục lợi thông qua cấp nước sinh hoạt giá cao.
Tin dự phòng
Sóc Trăng báo động tình trạng thiếu nước sinh hoạt
Văn Vũ sx
Hiện đang vào những ngày nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng nước của người dân tại tỉnh Sóc Trăng tăng cao. Do các trạm cấp nước ở nhiều khu vực nông thôn còn khá hạn chế, tình trạng khan hiếm nguồn nước sạch sinh hoạt đang xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện đơn vị đang quản lý, vận hành 141 trạm cấp nước tập trung, với trên 144.000 hộ dân đang sử dụng. Trong 141 trạm cấp nước có khoảng 39 trạm đang khó khăn về nguồn nước, 13 trạm đang phải điều chỉnh lại hạn mức giấy phép thì mới đảm bảo được lưu lượng nước cấp thực tế cho người dân; còn lại 26 trạm phải khoan bổ sung nguồn nước mới để tăng cường thêm nguồn.