Điểm nghẽn phục vụ người dân, doanh nghiệp
Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cơ quan thường trực về chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT cho biết, trong 7 nhóm tiêu chí thành phần của Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), hoạt động chuyển đổi số và thể chế số của Bộ đang bị thấp điểm.
Đặc biệt, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Bộ NN-PTNT hiện được 50% điểm tối đa. Nguyên nhân là do chưa áp dụng IPv6 cho cổng dịch vụ công, số hóa thủ tục hành chính thấp, ít hồ sơ nộp trực tuyến và chưa có nhiều thanh toán trực tuyến.
Bộ NN-PTNT đang có 238 thủ tục hành chính ở 13 đơn vị chính. Do yếu tố lịch sử, Bộ NN-PTNT là sáp nhập của nhiều bộ, nên thủ tục hành chính nhiều, phức tạp, liên quan tới nhiều bộ, ngành khác.
Một số thủ tục gặp nhiều rào cản trong việc tiến tới thủ tục toàn trình, nhất là trong lĩnh vực kiểm dịch động, thực vật. Đây cũng là lý do khiến hai đơn vị là Cục BVTV (26/31 thủ tục - 84%), Cục Thú y (26/45 thủ tục - 58%) còn tỷ lệ thủ tục một phần tương đối lớn.
Tính chung toàn Bộ NN-PTNT, mới có 92 thủ tục toàn trình và 146 thủ tục một phần (chiếm 61%). Ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, trải qua nhiều lần tính điểm theo các Quyết định khác nhau của Chính phủ, thứ hạng cải cách hành chính của Bộ thay đổi, có lúc xếp 6/17, nhưng có thời điểm rơi xuống 16/17.
Tuy nhiên, xét trên thang điểm DTI, Bộ NN-PTNT thường nằm tốp cuối. Năm 2020, Bộ đứng 17/17. Hai năm kế tiếp, Bộ đứng thứ 15.
Theo ước tính của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, dự kiến chỉ số DTI của Bộ NN-PTNT năm 2023 đạt khoảng 550 điểm. Ở mức này, ông Hiển cho rằng Bộ chưa thể vươn lên nửa trên của bảng xếp hạng 17 Bộ.
Một vấn đề nữa được Trung tâm nêu tại buổi sơ kết quý I/2024 Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT chiều 3/5, là các đơn vị có nhiều phần mềm, nhưng chưa thiết kế theo hệ thống, kiến trúc dữ liệu chung. Dữ liệu đa số được xây dựng từ lâu khiến dễ phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Ông Hiển cho rằng, trong 70 chỉ số thành phần của DTI, Bộ NN-PTNT nên tập trung vào: nhận thức số (họp không giấy tờ, tăng họp trực tuyến), hạ tầng số (tăng kết nối giữa các Cục, Vụ), thể chế số (đẩy mạnh dịch vụ công), nhân lực số (tăng tỷ lệ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin), hoạt động chuyển đổi số (mở rộng các ngành học tại Trường Đại học Thủy lợi, Học viện Nông nghiệp, tăng đào tạo trực tuyến)…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT thông tin, qua đợt thanh tra vừa qua, hoạt động cải cách hành chính một số đơn vị hiện có “vấn đề”.
Ông nêu ví dụ, nộp hồ sơ trực tuyến thì khoảng 15 phút sau là hồ sơ tự động “out”, trở lại điểm ban đầu. Kể cả nộp hồ sơ toàn trình, người dân, doanh nghiệp vẫn phải kèm bản giấy.
Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng đánh giá nhận thức số tại Bộ NN-PTNT tương đối tốt. Cách làm về chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT khá sôi động, từ thiết lập Mạng nhà nông, đào tạo bán hàng trực tuyến cho người nông dân…
“Phải xác định rõ những việc chúng ta có thể làm ngay và làm tốt được như thể chế số, hay tăng số lượng thủ tục toàn trình. Đề nghị Vụ Pháp chế tham gia, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ để rốt ráo vấn đề này”, ông nói.
Bóc tách nghiệp vụ
Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ, từ năm 2016, khi bắt đầu cải cách thủ tục hành chính, Cục đã chủ động chia các thủ tục theo thứ tự ưu tiên để xếp cấp độ. Trong đó, những thủ tục liên quan nhiều đơn vị, cơ quan liên bộ, hoặc phải kiểm dịch thực tế thì chỉ giữ cấp độ 2, 3.
Đến năm 2019, khi có yêu cầu thực hiện thủ tục toàn trình, phần mềm của Cục BVTV gặp trục trặc, khó đồng bộ với cơ sở dữ liệu chung. Do đó đến nay, Cục mới có 5 thủ tục toàn trình.
“Cục BVTV đã cố gắng đưa mọi thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm dịch phân bón lên cổng dịch vụ công quốc gia”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đồng tình cách làm này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT yêu cầu các Cục, Vụ chủ động hơn nữa để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong lúc chờ sửa đổi luật và các văn bản pháp lý, Bộ trưởng chỉ đạo phải xoáy sâu vấn đề để biết “thủ tục hành chính đang rườm rà tại đâu”. Trước mắt, người đứng đầu Bộ NN-PTNT giao các cơ quan chuyên môn bóc tách nghiệp vụ khỏi thủ tục hành chính.
“Chúng ta phải rà soát toàn bộ các dịch vụ công, để xem nghiệp vụ nào phục vụ trực tiếp người dân, nghiệp vụ nào thuộc về chuyên môn, hoặc phần nào có thể sử dụng được dữ liệu từ bộ, ngành khác”, ông nói.
Việc làm từ trên xuống để chuẩn hóa dữ liệu và thiết kế hệ thống từ đầu, hay đi từ dưới lên để phù hợp và hỗ trợ tốt nhất với quy trình thực tế tại đơn vị cũng cần tính toán kỹ, theo Bộ trưởng. Ông đặt vấn đề, rằng người nông dân đã chủ động, có nhiều biện pháp thực hiện chuyển đổi số, từ việc bán hàng online, giảm sử dụng tiền mặt… thì không lý gì Bộ NN-PTNT không hoàn thành chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Về kinh phí, vị tư lệnh ngành gợi mở có thể xã hội hóa, thậm chí mời các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm đào tạo cho HTX, nông dân để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị, với đầu mối là Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng Hội nghị thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp (dự kiến diễn ra vào 14-15/5).
Đồng thời, báo cáo kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp, báo cáo kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 và tổ chức chấm điểm chuyển đổi số cho các đơn vị của Bộ.
Năm 2024, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số định hướng chủ đề là kinh tế số. Tỷ trọng kinh tế số Việt Nam đã tăng dần qua các năm, từ 11,9% năm 2021 lên tới 16,5% vào năm 2023, và phấn đấu lên 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Hòa chung dòng chảy đó, ngành nông nghiệp cần phát triển hơn nữa vào thương mại điện tử.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06) đề nghị Bộ NN-PTNT, chủ động kết nối với VNeID với các dịch vụ chưa kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông cũng cam kết phối hợp, hỗ trợ Cục Thủy sản để xây dựng dữ liệu cho hơn 86.000 tàu cá trên cả nước, đồng thời bỏ ngỏ khả năng huy động công an xã, công an khu vực trực tiếp rà soát để làm có dữ liệu chính xác.