| Hotline: 0983.970.780

Lấy nước gieo cấy vụ đông xuân vượt tiến độ trong điều kiện khó khăn

Thứ Năm 05/03/2020 , 11:57 (GMT+7)

Sáng 5/3, Bộ NN-PTNT tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải vụ đông xuân tại trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (huyện Mê Linh, Hà Nội) trước thời điểm các hồ thủ điện xả nước cấp nguồn. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước đổ ải vụ đông xuân tại trạm bơm dã chiến Thanh Điềm (huyện Mê Linh, Hà Nội) trước thời điểm các hồ thủ điện xả nước cấp nguồn. Ảnh: Minh Phúc.

Thiếu hụt khoảng 7 tỷ m3

Ông Nguyễn Hồng Khanh – Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong mùa lũ và những tháng cuối năm 2019, lượng nước về các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng thiếu hụt rất nhiều so với trung bình nhiều năm.

Tính đến ngày 31/12/2019 tổng lượng nước tích được ở các hồ chứa của EVN trên lưu vực sông Hồng thiếu hụt khoảng 7,7 tỷ m3. Trong đó các hồ trực tiếp vận hành xả nước vụ đông xuân thiếu hụt khoảng 4,14 tỷ m3. Bên cạnh đó, mực nước trên các lưu vực sông ở phía Bắc cũng thiếu hụt khoảng 40% so với trung bình nhiều năm, gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ ở khu vực Bắc bộ.

Ngày 11/12/2019, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra hoạt động của trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Ngày 11/12/2019, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra hoạt động của trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Minh Phúc.

Trước tình hình khó khăn trên, ngày 28/12/2019, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp chỉ đạo hội nghị để cùng các địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi bàn giải pháp nâng cao năng lực lấy nước, phục vụ gieo cấy vụ đông xuân.

“Nhờ nhận định đúng tình hình nguồn nước, chúng ta đã có giải pháp đồng bộ hiệu quả để đảm bảo lấy đủ nước cho hơn 520.000 ha, đồng thời tiết kiệm nước để các hồ chứa thủy điện phát điện vào mùa khô”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết..

Điển hình như TP Hà Nội (địa phương có “truyền thống” lấy nước chậm) đã triển khai nạo vét kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, nối dài đường ống tại trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây) và trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh) để bơm trong điều kiện mực nước thấp từ rất sớm. Nhờ đó, hết đợt xả nước lần 1, các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã lấy được 30% tổng diện tích gieo cấy.

Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo đủ nguồn nước cho gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020 và cung cấp điện ổn định, tin cậy cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã chủ động thực hiện, đồng thời  phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và đác địa phương thực hiện các giải pháp điều hành.

Cụ thể, ngay từ giai đoạn cuối mùa lũ 2019, EVN đã tăng cường huy động các nguồn nhiệt điện than, dầu, hạn chế khai thác các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng để lưu trữ nguồn nước.

Bên cạnh đó, trong các đợt xả nước EVN đã tổ chức và phối hợp tổ chức đi kiểm tra công tác cung cấp điện cho các trạm bơm, đôn đốc các địa phương chủ động tăng cường công tác lấy nước. EVN cho biết, trong 12 ngày xả nước cấp nguồn gieo cấy vụ đông xuân, tổng lượng nước xả là 2,68 tỷ m3, giảm 1,66 tỷ m3 so với kế hoạch và 1,74 tỷ m3 so với vụ đông xuân năm 2018 – 2019.

Lấy nước vượt tiến độ

Trước đây, tỉnh Hưng Yên là một trong những tỉnh khó khăn nhất về nguồn nước, nhưng nhờ được đầu tư hơn 20 trạm bơm cột nước thấp, đã phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu tưới nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Kình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, giai đoạn đổ ải phục vụ gieo cấy lúa xuân, tưới dưỡng cho cây trồng, mực nước trong hệ thống thủy lợi nội đồng có thời điểm xuống thấp (dao động từ 0,6 - 0,8m), thấp hơn nhiều so với mực nước thiết kế tưới yêu cầu khu vực Bắc Kim Sơn, khu Châu Giang (từ 1,6 - 1,8m) và khu vực Ân Thi, khu Tây Nam Cửu An.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước phụ vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng bắc bộ ngày 5/3/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước phụ vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng bắc bộ ngày 5/3/2020. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều trạm bơm truyền thống mực nước không đáp ứng yêu cầu phải ngừng hoạt động, nhưng rất may là các trạm bơm cột nước thấp mực nước xuống 0,6m máy bơm vẫn hoạt động ổn định, đảm bảo tưới tiêu và cấp nguồn nước cho các trạm bơm trong hệ thống hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, chia sẻ: Đến ngày 9/2, toàn bộ diện tích trong phạm vi phục vụ của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã lấy đủ nước. Có được kết quả trên là do công ty đã chủ động bơm nước sớm, bơm trong điều kiện thiếu nước, tận dụng tối đa nguồn nước. Do đó, trước các đợt xả nước các hồ thủy điện, chúng tôi đã lấy được 30% tổng diện tích đổ ải (rất cao so với những năm trước đây).

Ông Trường cũng cho biết, qua 60 năm vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải, thì đây là lần đầu tiên cống Cầu Xe, An Thổ (là hai cống hỗ trợ đắc lực trong điều kiện khó khăn về nguồn nước) bị nhiễm mặn. Rất may là công ty đã có hệ thống theo dõi độ mặn và đo mực nước tự động liên tục, nên đảm bảo lấy nước đạt tiêu chuẩn vào hệ thống.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngày càng khó khăn về nguồn nước, ông Trịnh Thế Trường kiến nghị nhà nước cần đầu tư xây dựng trạm bơm lấy nước từ sông Hồng để cấp nguồn hỗ trợ cho cống Xuân Quan để đảm bảo nguồn nước vào hệ thống.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Đến thời điểm này chúng ta lấy nước rất tốt và vượt chỉ tiêu ban đầu. Qua đó đảm bảo đủ nước và không để diện tích nào cấy lúa bị hạn.

Ban đầu, Bộ NN-PTNT đưa ra kế hoạch lấy nước 3 đợt với tổng số ngày lấy nước là 18, tuy nhiên chúng ta đã rút ngắn được 6 ngày xả nước các hồ thủy điện, qua đó tiết kiệm được khoảng 1,7 tỷ m3 nước (trị giá hàng ngàn tỷ đồng).

Nguyên nhân là do chúng ta nhận định đúng tình hình nguồn nước và có giải pháp đúng để khắc phục khó khăn. Các địa phương rất tích cực chủ động nạo vét dòng chảy, sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm, do đó trước thời điểm xả nước đổ ải, 30% tổng diện tích gieo cấy đã đủ nước.

“Nước có đến đâu là bà con xuống đồng gieo cấy đến đó. Ngày 28 Tết chúng tôi đi kiểm tra lấy nước, thấy không khí lao động trên những cánh đồng rất nhộn nhịp và hăng say”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ. Ông cũng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền về kế hoạch và giải pháp lấy nước của Bộ NN-PTNT, tạo ra phong trào toàn dân lấy nước rất hiệu quả, tiết kiệm.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.