Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 1.350 làng nghề, nhiều nhất cả nước, bao gồm 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Tuy vậy, làng nghề Hà Nội vẫn bộc lộ tồn tại, hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế. Chuỗi liên kết giá trị của nhiều làng nghề còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thành phố cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề nhưng còn nhỏ lẻ, lồng ghép, thiếu chiến lược phát triển tổng thể dài hạn, ít nhất là trong 10 năm tới...
Dự thảo đề cương xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của tác nhân liên quan…
Tại hội thảo, đại diện phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành và nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Dự thảo đề án. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà, ngân sách thành phố và thị xã Sơn Tây chưa hỗ trợ nhiều cho các làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở đề án này, rất cần đưa thêm nội dung hỗ trợ cho các làng nghề. Bên cạnh đó, cần có thêm mục công nhận nghệ nhân lĩnh vực ẩm thực. Hiện, thị xã Sơn Tây có nhiều người làm bánh tẻ, chè lam, kẹo lạc, tương truyền thống... rất giỏi nhưng chưa đủ điều kiện được xét công nhận.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đề án cần có sự phân nhóm rõ từng nghề để có cơ chế phù hợp từng đối tượng, như: Nhóm các làng nghề chế biến nông sản; nhóm các làng nghề dệt may, nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, hàng cơ kim khí; hàng thủ công mỹ nghệ…
Một số nghề như thêu không gây ô nhiễm môi trường, không cần diện tích sản xuất lớn thì không nhất thiết phải đưa ra xa khu dân cư để tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho người sản xuất. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ như dát vàng, bạc quỳ, vuốt gốm không nhất thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh, Sở NN-PTNT Hà Nội tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chất lượng tốt nhất nhằm góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố.