| Hotline: 0983.970.780

Diện tích dong riềng giảm mạnh, làng nghề miến đói nguyên liệu

Thứ Ba 04/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

BẮC KẠN Những năm gần đây diện tích cây dong riềng tại tỉnh Bắc Kạn liên tục giảm khiến các làng nghề sản xuất miến dong thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Những ngày này, trên đường vào làng nghề miến dong Côn Minh (huyện Na Rì, Bắc Kạn), khác với không khí tất bật sản xuất miến dong 3 tháng cuối năm, chúng tôi bắt gặp chị Lý Thị Huyền đang cào cỏ trong vườn. Gia đình chị Huyền là một trong những hộ sản xuất miến dong tráng tay truyền thống, nhưng gần 2 tháng nay đã không còn bột để làm miến.

Chị Huyền chia sẻ, gia đình có gần 2.000m2 đất nông nghiệp, những năm trước trồng cây dong riềng để sản xuất miến. Vài năm gần đây, gia đình chị phải chuyển sang trồng lúa, dẫn đến thiếu nguyên liệu để làm miến.

Lý giải việc phải chuyển qua trồng lúa, chị Huyền cho biết, cây dong riềng trồng liên tiếp 2 năm đất rất nhanh bị thoái hoá, bạc màu, nếu trồng tiếp thì củ bé, hàm lượng tinh bột ít nên cần thời gian để cải tạo đất.

Chiếc nồi của gia đình chị Lý Thị Huyền đã bám nhiều bụi do lâu ngày không tráng bánh làm miến dong. Ảnh: Đình Hợi.

Chiếc nồi của gia đình chị Lý Thị Huyền đã bám nhiều bụi do lâu ngày không tráng bánh làm miến dong. Ảnh: Đình Hợi.

Để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất miến, chị Huyền phải đi mua tinh bột dong riềng tại các xã lân cận. Với chị Huyền, trước đây nghề làm miến truyền thống được duy trì quanh năm nhưng nay trở thành thời vụ.

Bên cạnh quỹ đất hạn hẹp, vài năm gần đây giá thu mua dong riềng thấp nên nhiều bà con ở xã Côn Minh đã bỏ trồng cây dong riềng, chuyển sang cây trồng khác.

Tương tự gia đình chị Huyền, cơ sở sản xuất miến Quang Đoàn của chị Nguyễn Thị Đoàn (xã Côn Minh) hiện cũng trong tình trạng phải ngừng sản xuất.

Với diện tích nhà xưởng khá lớn, ngày bình thường cần đến 7 nhân công để vận hành nhưng do thiếu tinh bột dong riềng nên hiện nay chị Đoàn chỉ sản xuất phục vụ dịp Tết.

Trước đây, trung bình mỗi năm cơ sở của chị Đoàn sản xuất gần 10 tấn miến, nhưng vài năm trở lại đây do lượng dong riềng trong xã giảm, cơ sở không có nguồn nguyên liệu nên chỉ sản xuất được từ 5 đến 6 tấn miến.

“Nhiều khách đặt hàng hàng tháng nhưng do lượng bột dong của gia đình không còn nên phải từ chối. Cũng có nhiều nơi bán bột dong để làm miến nhưng chất lượng không đảm bảo như trong xã mình nên cũng không dám mua. Có thể mất khách hàng nhưng không thể làm mất thương hiệu của mình được”, chị Đoàn chia sẻ.

Sân phơi miến tại cơ sở miến Quang Đoàn bỏ không, chờ ngày quay lại sản xuất. Ảnh: Đình Hợi.

Sân phơi miến tại cơ sở miến Quang Đoàn bỏ không, chờ ngày quay lại sản xuất. Ảnh: Đình Hợi.

Tại xã Côn Minh, diện tích trồng cây dong riềng giảm trong nhiều năm đã làm giá bột dong tăng cao lên mức 38.000 - 40.000đ/kg.

Các cơ sở sản xuất miến dong phải tạm dừng hoạt động khiến nhân công phải đi tìm công việc khác, chủ cơ sở như chị Đoàn đầu từ máy móc thiết bị nhưng giờ cùng đành phải "đắp chiếu".

Có nghề làm miến dong truyền thống, xã Côn Minh vừa nhận được Bằng công nhận Làng nghề miến dong. Thế nhưng diện việc tích trồng dong riềng của xã nhiều năm qua chưa đạt được chỉ tiêu của tỉnh Bắc Kạn đặt ra, dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất.

Vụ trồng dong riềng vừa qua, xã Côn Minh chỉ trồng được 30/50ha cây dong riềng, đạt 60% kế hoạch được giao. Đây là năm thứ 3 liên tiếp xã Côn Minh không hoàn thành chỉ tiêu trồng cây dong riềng, dù đây là cây trồng chủ lực của địa phương.

Do không chú trọng đầu tư thâm canh nên đất trồng cây dong riềng chỉ từ 1 đến 2 năm sẽ bị thoái hoá, bạc màu rất nhanh, làm giảm chất lượng củ dong. Ảnh: Đình Hợi

Do không chú trọng đầu tư thâm canh nên đất trồng cây dong riềng chỉ từ 1 đến 2 năm sẽ bị thoái hoá, bạc màu rất nhanh, làm giảm chất lượng củ dong. Ảnh: Đình Hợi

Theo ông Nông Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Côn Minh, việc diện tích trồng dong riềng những năm qua của xã liên tục giảm mạnh có nguyên nhân chính do các chủ cơ sở sản xuất miến dong và tinh bột dong riềng chưa liên kết thu mua củ dong riềng với người dân, dẫn đến việc giá cả không ổn định, người dân không yên tâm sản xuất.

Bên cạnh đó, toàn xã Côn Minh có 8 thôn trước đây có diện tích trồng cây dong riềng nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tuy nhiên hiện nay, các vùng trồng dong riềng trước đây đã được quy hoạch thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn nên người dân không được vào phát phá để trồng dong riềng nữa, khiến diện tích bị giảm. Mặt khác, một phần lớn diện tích dong riềng nữa được trồng xen vào rừng, hiện cây rừng lớn, đã khép tán nên không trồng được nữa.

Một số hộ dân do giao thông chưa thuận lợi để vận chuyển củ dong nên cũng bỏ canh tác. Nhiều hộ do thiếu nhân lực, số lao động trẻ đi làm ở các khu công nghiệp...

Ngoài những nguyên nhân trên, việc cây dong riềng giảm diện tích còn do quá trình canh tác chưa thực sự tốt, người dân chưa thâm canh trong sản xuất, dẫn đến đất nhanh chóng bị thoái hoá, bạc màu.

Làng nghề miến dong Côn Minh được nhận Bằng công nhận là bước ngoặt lớn, cũng là thách thức đối với xã Côn Minh khi diện tích trồng dong ngày một giảm. Ảnh: Trung tâm VHTT và TT huyện Na Rì.

Làng nghề miến dong Côn Minh được nhận Bằng công nhận là bước ngoặt lớn, cũng là thách thức đối với xã Côn Minh khi diện tích trồng dong ngày một giảm. Ảnh: Trung tâm VHTT và TT huyện Na Rì.

Trước những nguyên nhân trên, xã Côn Minh cũng đã có giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ để bà con tăng diện tích trồng cây dong riềng nhằm đảm bảo nguyên liệu cho làng nghề.

Bên cạnh đó, xã cũng đã cho các cơ sở sản xuất, chế biến, hộ kinh doanh miến dong ký cam kết thu mua củ dong riềng ổn định cho người trồng với giá từ 2.000đ/kg trở lên.

Việc thiếu, giảm diện tích trồng cây dong riềng ảnh hưởng lớn tới sản xuất miến đặc trưng. Vì vậy cần làm tốt hơn việc phát triển chuỗi giá trị bền vững giữa người dân trồng cây dong riềng với các cơ sở sản xuất miến, tạo tiền đề cho làng nghề miến dong Côn Minh gìn giữ và phát huy thương hiệu làng nghề truyền thống.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn, các địa phương thực hiện trồng cây dong riềng đều không đạt kế hoạch giao. Năm 2022, toàn tỉnh mới thực hiện được 445ha, đạt 84% kế hoạch; năm 2023 trồng được hơn 400ha, đạt 84% kế hoạch; vụ xuân năm 2024 trồng được 410ha, đạt 79% kế hoạch.

Xem thêm
Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài 4] Mỗi cơ sở chăn nuôi là một 'ốc đảo'

Thanh Hóa chủ trương giảm chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong khu dân cư, phát triển hợp lý các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung xa khu dân cư.

Nức tiếng vịt suối Tân Sơn

Tôi gốc Vân Đình, từ nhỏ đã biết chế biến các món từ vịt cỏ, lớn lên đi khắp nơi, ăn nhiều loại vịt nhưng vịt suối Tân Sơn vẫn ở một đẳng cấp khác.

Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin

Đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ TT-TT tại hội nghị triển khai 'Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025'

Bình luận mới nhất