Đây là lần đầu tiên những tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam cùng hội tụ trên quê hương Đất Tổ, được trình diễn một cách có hệ thống và đầy đủ nhất.
Việt Nam hiện có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham dự Liên hoan toàn quốc di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, với mong muốn mang đến cho công chúng góc nhìn khái quát nhất, ấn tượng nhất về các di sản, các địa phương đã huy động gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tham gia trình diễn trong dịp này.
Tự hào là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, Phú Thọ mang đến liên hoan 2 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và hát Xoan Phú Thọ. Trong đó, hát Xoan Phú Thọ sau 6 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đến với liên hoan, các nghệ nhân, nghệ sĩ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trình diễn những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào như lời thủ thỉ, tâm tình, thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa.
Tiếp nối mạch nguồn di sản trải khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, những người con quê hương Đắk Lắk mang đến liên hoan một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên gọi “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”.
Đến từ vùng đất phương Nam, các nghệ sĩ, nghệ nhân của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình diễn nhiều tiết mục đờn ca tài tử đặc sắc với chủ đề “Bà Rịa - Vũng Tàu về với nguồn cội”. Thông qua hoạt động trình diễn, các nghệ sĩ, nghệ nhân mong muốn đóng góp lời ca, tiếng hát cho ngày hội của quê hương; đồng thời giới thiệu, quảng bá rộng rãi những tinh hoa của di sản Đờn ca tài tử Nam bộ đến với đông đảo công chúng.
Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, hát Xoan Phú Thọ, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của mọi miền Tổ quốc đã hội tụ về với cội nguồn Đất Tổ.
Mỗi loại hình di sản đều là sản phẩm tinh thần được hun đúc và định hình qua thời gian; có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt và khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào mang tên “Việt Nam”.
Danh sách 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh
- Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2003)
- Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2005)
- Dân ca quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009)
- Ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2009)
- Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010)
- Hát Xoan Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2011) và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017)
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2012)
- Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2013)
- Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2014)
- Nghi lễ và trò chơi kéo co - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2015)
- Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016)
- Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2017)
- Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2019)
- Nghệ thuật Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2021)
- Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (năm 2022)