| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 28/02/2024 , 08:47 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:47 - 28/02/2024

Lễ hội Minh Thề cần được nhân rộng giá trị nhân văn

Lễ hội Minh Thề được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng giêng hàng năm ở Kiến Thụy, Hải Phòng xứng đáng nhân rộng để phổ biến tinh thần chống tham nhũng.

Lễ hội Minh Thề hiện nay diễn ra trong phạm vi tương đối hạn hẹp tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đền - Chùa Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đó là một sự thiệt thòi của lễ hội Minh Thề, khi lọt thỏm giữa không khí náo nhiệt khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm ở nước ta.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày Việt Nam có hơn 21 lễ hội, bao gồm lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du lịch, lễ hội ngành nghề và những lễ hội du nhập từ nước ngoài. Thế nhưng, những lễ hội thực sự độc đáo thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều là các lễ hội na ná nhau về hình thức sinh hoạt cộng đồng.

Lễ hội Minh Thề đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng quy mô vẫn khá khiêm tốn. Dù vậy, tính riêng biệt của lễ hội Minh Thề không thể nào phủ nhận. Bởi lẽ, lễ hội Minh Thề là lễ hội duy nhất ở nước ta nêu cao ý chí chống tiêu cực, tham nhũng. Thậm chí, nếu quan sát rộng hơn, thì có lẽ trên thế giới cũng không có lễ hội nào mang thông điệp lành mạnh như lễ hội Minh Thề. Người Pháp khi đô hộ Việt Nam đã không giấu được sự ngạc nhiên thán phục về hịch văn của lễ hội Minh Thề, và họ đã cho dịch sang tiếng Pháp để lưu truyền.

Về mặt thời gian, lễ hội Minh Thề đã có tuổi đời hơn 500 năm. Hai đời vua Tự Đức và vua Duy Tân đều phong sắc chỉ cho làng Hòa Liễu là Hoàng Làng, vì có lễ hội Minh Thề tạo tiếng vang tốt đẹp trong đời sống tinh thần. Bây giờ, lễ hội Minh Thề còn duy trì những tập tục như hòa huyết linh kê vào bình rượu để mọi người uống chung, thể hiện sự đoàn kết. Dù con gà trống được chọn làm linh kê có lông vàng, chân vàng, mỏ đỏ, mào cờ… thì tập tục này cũng đã mang yếu tố phản cảm trong thời đại văn minh, không đáng biểu dương nữa.

Giá trị cốt lõi của lễ hội Minh Thề cần tập trung vào hịch văn. Một trong những câu hay nhất trong hịch văn của lễ hội Minh Thề, chính là ngôn từ bày tỏ chí công vô tư: “Dĩ công vi công nguyện chư thần ủng hộ, nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần đả tử” (Nếu lấy của công làm việc công, được thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đánh chết). 

Vài năm trở lại đây, cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Thế trận chống tiêu cực, tham nhũng không chỉ dựa vào năng lực các cơ quan chức năng, mà còn trông cậy vào tai mắt quần chúng. Để tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng thì công tác tuyên truyền không thể xem nhẹ. Lễ hội Minh Thề nếu được mở rộng ra, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nhận thức của người Việt Nam đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng để cùng nhau kiến thiết xã hội nhân văn hơn.  

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm