![476891605_9999402046743692_5770812509777882894_n-131650_214.jpg Thời tiết tại huyện Sơn Động, Bắc Giang sáng 9/2 thuận lợi cho du khách đến tham quan.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/476891605_9999402046743692_5770812509777882894_n-131650_214-134945.jpg)
Thời tiết tại huyện Sơn Động, Bắc Giang sáng 9/2 thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, địa phương có trên 2.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với Chiến thắng Xương Giang, Khởi nghĩa Yên Thế... đặc biệt là Chùa Vĩnh Nghiêm - chốn tổ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi hội tụ tinh thần Phật giáo Việt Nam.
Các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca quan họ, ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và đã được UNESCO vinh danh, khẳng định giá trị văn hóa đa dạng của Bắc Giang trên trường quốc tế. Tỉnh còn sở hữu những khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như Khu rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử, nơi hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ và sự đa dạng sinh học độc đáo.
Bắc Giang cũng phối hợp tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO đề nghị công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và người dân, lượng khách du lịch đến địa phương năm 2024 đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng 32% so với năm 2023. "Con số này cho thấy Bắc Giang không ngừng khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch miền Bắc", ông Sơn nói.
Trong số này, Lễ hội Tây Yên Tử - sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2019 - đã trở thành cầu nối giữa giáo lý Phật pháp Trúc Lâm với đời sống hiện đại, lan tỏa tư tưởng "vì dân tộc, vì chúng sinh". Đây không chỉ là lễ hội tâm linh mà còn là dịp để mỗi người chiêm nghiệm về lối sống hòa hợp với thiên nhiên, như lời dạy của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
![b3742795-7cb6-4435-918e-2d7ec8e13dd1-131659_457.jpg Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu khai mạc.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/b3742795-7cb6-4435-918e-2d7ec8e13dd1-131659_457-134945.jpg)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu khai mạc.
Theo Phó Chủ tịch Bắc Giang, Lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2025 gồm 13 hoạt động chính.
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là Lễ rước bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Hạ Tây Yên Tử; Giải đua xe đạp mở rộng mang tên "Hành trình theo dấu chân Phật hoàng"; Lễ hội Mở cửa rừng tại Hương Sơn, huyện Lạng Giang; Lễ hội hát Sloong hao tại Tân Sơn, huyện Lục Ngạn; và Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại đền Suối Mỡ, huyện Lục Nam.
Sáng cùng ngày, tỉnh Bắc Giang tổ chức rước bài vị Tam Tổ Trúc Lâm từ chùa Vĩnh Nghiêm (TP Bắc Giang) lên chùa Hạ Tây Yên Tử (huyện Sơn Động). Đoàn rước có 51 xe (bằng số tuổi của Phật hoàng Trần Nhân Tông) chở cờ hội, cờ Phật giáo, mâm lễ, bài vị Tam Tổ Trúc Lâm, tăng, ni, Phật tử.
Chùa Vĩnh Nghiêm được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ và xây dựng thành trung tâm Phật giáo quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm. Ngôi chùa 700 năm lịch sử này là nơi con đường Hoằng dương Phật pháp đi qua. Sau Phật hoàng, nhiều đồ đệ tiếp tục đi về phía tây, mở mang, xây dựng nhiều chùa tháp, phát triển đạo Phật.
Ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm gồm tổ đệ nhất là Thượng hoàng, thiền sư Trần Nhân Tông (1258 - 1308), tổ đệ nhị là thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) và tổ đệ tam là thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334). Cả ba đều tu thành đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm.
![50f94aae-7b97-4833-926e-eb9d8078b9e0-131707_952.jpg Du khách nhận ấn tại khu vực chùa Hạ, nơi khai hội Tây Yên Tử.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/09/50f94aae-7b97-4833-926e-eb9d8078b9e0-131707_952-134945.jpg)
Du khách nhận ấn tại khu vực chùa Hạ, nơi khai hội Tây Yên Tử.
Về dự khai hội sáng 9/2 có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng các lãnh đạo Trung ương, địa phương lân cận và tỉnh Bắc Giang.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chúc phúc tân xuân; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu đánh trống khai hội. Tiếp đó là nghi lễ cầu quốc thái, dân an.
Cũng trong không gian buổi lễ, du khách thập phương tỏ vẻ thích thú khi đón nhận ấn thiêng từ ban tổ chức, nhằm cầu mong năm mới bình an.